-
Ông Nguyễn Hồ Nam làm diễn giả tại Diễn đàn Tri thức thế giới 2024 -
Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp -
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam có Chủ tịch Hội đồng quản trị mới -
Ông Dương Văn Bắc được bổ nhiệm chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn Novaland -
Doanh nhân Tạ Huy Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MINSANDO: Hành trình chinh phục các chứng chỉ xanh -
Doanh nhân Lê Lan Hương, Nhà sáng lập thương hiệu H’EMR: Gìn giữ những mảnh ghép của văn hóa Việt Nam
Doanh nhân Vương Hiếu, CEO Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (TPI) |
Không chấp nhận bị áp đặt “cuộc chơi”
Khi bước chân vào đại học, lựa chọn ngành quản trị kinh doanh, Hiếu không hề nghĩ rằng, sau này mình sẽ khởi nghiệp với mảng chiếu xạ trái cây, thủy sản xuất khẩu. Tốt nghiệp đại học, Hiếu tham gia một số dự án, rồi đầu quân cho một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây vào năm 2010, nhưng không trụ lại lâu. Đến năm 2012, Hiếu về làm việc cho doanh nghiệp của gia đình - Công ty cổ phần Mộc Phát, chuyên xuất khẩu trái cây đi Mỹ.
Trái cây trước khi xuất khẩu cần phải được chiếu xạ (quá trình chiếu xạ giúp ngăn chặn sự sinh trưởng của các loại sâu bọ gây hại). Công ty của gia đình Hiếu gặp nhiều khó khăn trong khâu này, do nhà cung cấp dịch vụ, với lợi thế độc quyền, đã áp đặt “cuộc chơi” theo cách riêng của họ.
Ý tưởng tạo lập một nhà máy chiếu xạ riêng được Hiếu ấp ủ từ đó, nhưng chưa thể thực hiện, bởi trong tay anh khi ấy gần như chưa có gì, ngoại trừ mối quan hệ với một số đối tác tại Mỹ đã được thiết lập trong quá trình hoạt động xuất khẩu.
Năm 2015, Hiếu quyết tâm lên kế hoạch triển khai dự án đầu tư nhà máy chiếu xạ. Bắt tay vào nghiên cứu, anh mới biết, ứng dụng của mảng chiếu xạ trong đời sống rất rộng lớn, chứ không chỉ phục vụ xuất khẩu trái cây tươi. Đối với thực phẩm chế biến, việc chiếu xạ sẽ giúp triệt tiêu các loại vi khuẩn gây bệnh hoặc đưa về ngưỡng cho phép. Chiếu xạ thủy sản chiếm tới 80% sản lượng của ngành, nhiều nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - thủ phủ nuôi trồng, xuất khẩu nông thủy sản của cả nước.
Dành 2 năm nghiên cứu, đo lường nhu cầu thị trường và kêu gọi vốn, sau khi nhận được cái “gật đầu” của nhà đầu tư, Hiếu và các cộng sự tìm địa điểm xây dựng nhà máy chiếu xạ. Tháng 5/2017, Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (TPI) được thành lập. Hơn một năm sau đó, nhà máy tại Long An cũng được xây dựng xong.
“Hóa giải” khó khăn
Mọi thứ tưởng như đang rất thuận lợi để có thể đưa nhà máy vào hoạt động, thì TPI vấp phải sự cố lớn khi nhà cung cấp không cung cấp nguồn xạ như đã thỏa thuận trước đó. Nhà máy chiếu xạ đứng trước nguy cơ “treo máy”.
“Lúc đó, tôi vô cùng lo lắng. Sau khi tính toán hết cách, tôi đánh liều liên hệ với đối tác ở Nga, nhờ liên hệ với Hiệp hội Năng lượng nguyên tử bên đó. May mắn, họ sắp xếp được nguồn xạ bán cho TPI”, Hiếu kể lại những khó khăn trong bước đầu lập nghiệp.
Có được nguồn hàng, Hiếu chưa kịp thở phào, thì lại nhận được tin báo, không tìm được đơn vị nào nhận vận chuyển hàng. Một lần nữa, anh đánh liều thuê nguyên chuyến bay (charter) để chở nguồn xạ về Việt Nam.
- CEO Vương Hiếu
“Trong hoàn cảnh khó khăn, TPI bất đắc dĩ phải làm như thế. Quá trình chuyên chở về Việt Nam cũng ‘thót tim’, hãng bay bị Hiệp hội Hàng không quốc tế cảnh báo vì chở hàng hóa đặc biệt”, Hiếu kể lại.
Trải qua một hành trình dài, chuyến bay đã hạ cánh tại Cảng hàng không Nội Bài (Hà Nội). TPI tiếp tục đưa container nguồn xạ về Long An bằng đường bộ. Sau khi nạp phóng xạ chạy thử máy móc, đến ngày 10/10/2018, Nhà máy Chiếu xạ Toàn Phát chính thức hoạt động.
Sự xuất hiện của Nhà máy Chiếu xạ Toàn Phát đã giúp nhiều đơn vị, doanh nghiệp gỡ “điểm nghẽn” tồn tại trong nhiều năm về vấn đề chiếu xạ nông - thủy sản xuất khẩu, nhờ đó, TPI nhận được sự ủng hộ cao từ nhiều phía.
Liên tiếp đón nhận đơn hàng, chỉ vài tháng sau khi chính thức đưa Nhà máy Chiếu xạ vào hoạt động, năng lực chiếu xạ của TPI đã đạt gần 100% công suất. Lúc này, vấn đề bắt đầu xuất hiện.
Do nội lực chưa đủ mạnh, nhưng lại hoạt động với công suất cao, nên TPI luôn trong trạng thái hụt hơi. Nhân sự của Công ty biến động liên tục. Nhiều người lao động cho rằng, làm việc bên cạnh nguồn xạ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nên lần lượt nghỉ việc. Có thời điểm, TPI không có đủ nhân lực để hoạt động.
Hiếu cùng các cộng sự tìm giải pháp từng bước khắc phục khó khăn, vừa nỗ lực đảm bảo chất lượng và tiến độ xử lý hàng hóa, vừa cố gắng ổn định tổ chức và đội ngũ. Nỗ lực được đền đáp, kết thúc năm 2019, TPI đạt được hiệu quả kinh doanh hơn cả kỳ vọng, lượng khách hàng ngày càng gia tăng.
Những bước đi dài hạn
“Tháng 12/2019, chúng tôi tiếp tục đầu tư giai đoạn II và vừa hoàn thành, đưa vào hoạt động thiết bị chiếu xạ E-Beam (chùm tia điện tử) và tia X, giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý và phục vụ đa dạng mặt hàng hơn. TPI là đơn vị đầu tiên và tính đến thời điểm này vẫn là duy nhất tại Việt Nam có đầy đủ cả 3 công nghệ chiếu xạ”, Hiếu tự hào nói.
Khi được hỏi, nguồn lực ở đâu để TPI đầu tư giai đoạn II giữa lúc bị đại dịch “bủa vây” và cũng vừa mới xây dựng, vận hành giai đoạn I được một năm, Hiếu nói, đó là nhờ có sự ủng hộ của khách hàng. TPI đã có tệp khách hàng nhất định, nếu không đầu tư nâng công suất, thì không thể giữ được khách hàng, bởi tiến độ xử lý hàng hóa phục vụ xuất khẩu rất quan trọng.
“Đôi lúc, tôi cũng giật mình, không nghĩ mình và đội ngũ TPI đã vượt qua được những thách thức như thế. Từ khi thành lập đến nay, TPI liên tục thực hiện các dự án đầu tư, chưa xong dự án này đã gối đầu dự án khác. Nhiều khi, tôi cũng lo lắng những công việc đang triển khai vượt quá sức, nhưng niềm tin của khách hàng đã giúp tôi có động lực để tiếp tục cố gắng”, Hiếu bộc bạch.
Tháng 5/2021, giữa lúc đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, CEO của TPI quyết định khởi công Dự án Kho lạnh Toàn Phát với sức chứa 10.000 tấn. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt mới và khẳng định vị thế của TPI trong ngành logistics phục vụ xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam.
Chia sẻ về dự án này, Hiếu cho biết, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lên đến hàng chục triệu tấn mỗi năm, chiếm khoảng 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu cả nước, nhưng vẫn còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm.
Mục tiêu dài hạn của Hiếu là xây dựng TPI thành trung tâm logistics với đầy đủ chức năng: vận tải - phân phối - lưu trữ - chiếu xạ và Dự án Kho lạnh Toàn Phát là một phần của kế hoạch này. Đầu tư kho lạnh song song với quá trình hoàn thành giai đoạn II của Nhà máy Chiếu xạ, TPI cũng đứng trước bài toán về vốn, nhưng nhờ tạo dựng được uy tín, Công ty đã nhận được cam kết đồng hành của đơn vị tín dụng.
“Quá trình triển khai Dự án đảm bảo tuân thủ công tác phòng, chống dịch. Dự kiến, Kho lạnh Toàn Phát sẽ hoàn thành vào tháng 9/2022”, CEO sinh năm 1986 chia sẻ.
Thông thường, 3 năm đầu thành lập là giai đoạn khó nhất của mỗi doanh nghiệp. Anh và đội ngũ TPI đã đi qua giai đoạn đầu này như thế nào?
Thật lòng, hai từ “gian nan” chưa đủ để diễn tả hết những gì mà TPI đã trải qua, từ những khó khăn nội tại, đến những yếu tố khách quan, chưa kể, Covid-19 bùng phát gần như phá vỡ mọi nguyên tắc được TPI định hình. Nhưng bù lại, TPI đã trở thành một tập thể rất gắn bó, với những con người đầy nhiệt huyết. Khó khăn và áp lực khiến chúng tôi cứng cáp hơn.
Năm 2021, xuất khẩu rau quả của nước ta đạt trên 3,7 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9 tỷ USD. Nhu cầu chiếu xạ hàng xuất khẩu rất lớn. Anh kỳ vọng gì về tăng trưởng doanh thu của TPI trong 3 - 5 năm tới?
Chúng tôi đặt mục tiêu, năm 2022 tăng trưởng doanh thu 10 - 15% so với năm 2021 và phấn đấu ở mức cao hơn trong những năm tiếp theo.
Giá dịch vụ chiếu xạ của Việt Nam lâu nay vẫn ở mức khá cao, phần nào ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu. TPI có chính sách hạ giá dịch vụ chiếu xạ không?
Tôi luôn tâm niệm phát triển TPI dựa trên nền tảng vững chắc về con người và văn hóa doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh bằng năng lực thực sự.
Đúng là giá chiếu xạ trái cây tươi tại Việt Nam hiện còn khá cao. TPI sẽ cố gắng để đưa ra mức phí chiếu xạ hợp lý hơn nhằm hỗ trợ các nhà xuất khẩu có thêm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chúng tôi hy vọng, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, sản lượng trái cây tươi xuất khẩu được phục hồi, tăng trưởng tốt hơn, đồng thời có thêm nhiều loại trái cây khác được xuất khẩu chính ngạch…
-
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam có Chủ tịch Hội đồng quản trị mới -
Ông Dương Văn Bắc được bổ nhiệm chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn Novaland -
Doanh nhân Tạ Huy Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MINSANDO: Hành trình chinh phục các chứng chỉ xanh -
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Huyền, Chủ tịch HĐQT Mia Group: Nâng cấp với nông nghiệp bền vững -
Doanh nhân Lê Lan Hương, Nhà sáng lập thương hiệu H’EMR: Gìn giữ những mảnh ghép của văn hóa Việt Nam -
[Megastory] "Giàng A Hiếu" - Người đánh thức "xứ sở hạnh phúc Suối Giàng" và khát khao đưa trà Việt lên đỉnh thế giới -
[Emagazine] CEO HVN Travel Trương Minh Tuấn: "Không chọn lợi nhuận cao nhất, tôi chọn tuyệt vời nhất"
- Alacarte Hạ Long: Chủ động khắc phục hậu quả bão Yagi
- Hội Dầu khí Việt Nam đồng hành cùng Petrovietnam vượt nhiều khó khăn, thách thức
- Ba nhà thầu tham gia gói thầu xây lắp đường ống cấp nước tại tỉnh Hậu Giang
- Bốn nhà đầu tư tham gia đấu thầu gói thầu số 5 của Cấp nước Đồng Nai
- C.P. Việt Nam không ngừng đầu tư cho chuyển đổi xanh
- An tâm đồng hành cùng PJICO, khách hàng vững vàng vượt bão Yagi