Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Dốc toàn lực hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm
Anh Minh - 16/01/2024 08:00
 
Ngay từ những ngày đầu của năm 2024, các chủ đầu tư giao thông đã ra quân lệnh: “Không nói không, không nói khó”, dốc toàn lực để hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm theo đúng yêu cầu được Chính phủ đề ra.

Chỉ được bàn tiến

Đúng 3 ngày sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã ký công văn gửi Ban Quản lý dự án hàng hải yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng container Cái Mép.

Dù chỉ có tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, nhưng đây vẫn là một trong những dự án trọng điểm trong lĩnh vực hàng hải được Chính phủ đặc biệt quan tâm, yêu cầu Bộ GTVT hoàn thành càng sớm càng tốt. Sau khi hoàn thành, tuyến luồng mới sẽ cho phép các siêu tàu mẹ có trọng tải từ 160.000 DWT đến 200.000 DWT hoạt động an toàn, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong khu vực, tăng cường năng lực vận tải thủy của toàn tuyến luồng ra vào hệ thống các cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Ngoài việc trực tiếp kéo giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho hàng xuất khẩu Việt Nam tới các cảng biển khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, dự án “quy mô nhỏ, ý nghĩa lớn” này còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của khu vực Đông Nam bộ. “Do vậy, cả chủ đầu tư và các đơn vị thi công Dự án chỉ được ‘bàn tiến, không bàn lùi’ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo.

Theo yêu cầu của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án hàng hải phải chỉ đạo nhà thầu tăng cường nhân lực, vật tư, thiết bị để hoàn thành đoạn luồng từ phao số “0” đến thượng lưu bến cảng Tân cảng Cái Mép trong tháng 1/2024 và hoàn thành toàn bộ khối lượng xây lắp còn lại trong tháng 5/2024; hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu Gói thầu CM-XL03 - Cải tạo, nâng cấp hệ thống phao tiêu báo hiệu, thiết bị hàng hải phục vụ công tác phân luồng trước ngày 5/2/2024.

Nếu hoàn thành theo đúng chỉ đạo nói trên, toàn bộ Dự án sẽ chỉ mất khoảng 18 tháng thi công. “Hiện tiến độ thi công là rất tích cực, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, Dự án sẽ tiến hành thông luồng trước Tết Âm lịch 2024”, ông Vũ Quang Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án hàng hải cho biết.

Theo ông Vũ Quang Minh, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ GTVT, lãnh đạo ban đã bám công trường, yêu cầu nhà thầu tổ chức thi công “3 ca 4 kíp. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thi công, trong đó có giải ngân vốn.

Thi công xuyên Tết

Một loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác cũng đã nhận lệnh tổ chức “thi công xuyên Tết”, đặc biệt là các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị chủ đầu tư Dự án thành phần 3 Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sau quá trình nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đều đã đạt được những thành tựu nhất định, đã khởi công được những gói thầu quan trọng vào cuối tháng 8/2023, với tổng giá trị hợp đồng hơn 52.000 tỷ đồng.

Đến nay, tiến độ thực hiện các hạng mục của hai dự án bám sát kế hoạch, đáp ứng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông.

“ACV sẽ tổ chức đón giao thừa trên công trường xây dựng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành cho người lao động Việt Nam và quốc tế; tổ chức thi công xuyên Tết, quyết không để tiến độ chùng lại”, ông Phiệt cho biết.

Được biết, trong năm 2024, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành, đưa vào khai thác 23 dự án, trong đó có 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, qua đó nâng tổng số đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2021 km.

Bộ GTVT cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia như: Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Vành đai 3 TP.HCM; các dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang; đưa vào vận hành khai thác đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên…

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, do hầu hết các dự án trọng điểm đều đang trong giai đoạn nước rút, nên năm nay sẽ có nhiều công trường của Bộ GTVT không nghỉ Tết. “Chúng tôi đã giao Công đoàn GTVT Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam tổ chức phát động phong trào thi đua đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và tổ chức tổng kết, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong thi đua lao động sản xuất tại các công trường dự án giao thông”, ông Nguyễn Duy Lâm thông tin.

Gỡ vướng 6 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm chậm tiến độ, đội vốn
Trong số 6 công trình giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư có 3 dự án đường sắt đô thị do UBND Tp.Hà Nội và UBND Tp.HCM...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư