Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đổi mới để đón sóng khởi nghiệp
Năm 2015 tiếp tục cho thấy một sự phát triển đáng mừng của làn sóng khởi nghiệp ở Đông Nam Á. Và Việt Nam không đứng ngoài cuộc của làn sóng khởi nghiệp mới ấy.

Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đông Nam Á

Theo số liệu của Tech in Asia, lượng vốn mạo hiểm (venture capital) tính đến quý III/2015 đã đạt 1,7 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014. Tuy con số này vẫn thấp xa so với mức 6,4 tỷ USD của con hổ Ấn Độ, nhưng đây là một thành tích đáng lạc quan nếu chúng ta nhớ lại vào năm 2013, đã có nhiều người nghi ngờ rằng, tốc độ tăng khởi nghiệp của Đông Nam Á sẽ sớm chững lại.

Hệ sinh thái khởi nghiệp ở khu vực hơn 600 triệu dân này được đánh giá là đã trưởng thành đáng kể. Trong số những thách thức về khởi nghiệp ở trong khu vực được kể ra trước đây, sự thiếu vắng của những công ty khởi nghiệp thành công và của những quỹ đầu tư lớn là một trở ngại. Hiện tại, câu chuyện đã khác, ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp thành công ở châu Á nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Giới trẻ là động lực lớn cho thành công của những công ty khởi nghiệp
Giới trẻ là động lực lớn cho thành công của những công ty khởi nghiệp

Cùng với những thành công đó là sự hiện diện của những quỹ đầu tư lớn như 500 startups và sự ra đời của nhiều quỹ đầu tư có nguồn vốn hàng chục tới hàng trăm triệu USD đặt trụ sở tại Đông Nam Á. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều nhà khởi nghiệp thành công quyết định dành thời gian và tiền bạc để giúp đỡ thế hệ khởi nghiệp tiếp theo. Điều này giúp giảm bớt khó khăn về vốn, thêm những người đỡ đầu và cố vấn cho khởi nghiệp. Con đường khởi nghiệp ở Đông Nam Á vì vậy đã bớt gian nan hơn.

Một yếu tố quan trọng khác đóng góp vào sự trưởng thành của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đông Nam Á là đặc trưng dân số và tăng trưởng kinh tế. Với đặc trưng dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ mới, tốc độ tăng số người sử dụng điện thoại di động và Internet trong khu vực này nằm trong top đầu thế giới.

Sự bất lợi của khu vực Đông Nam Á về trình độ phát triển và cơ sở hạ tầng lại chính là điểm thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mới. Vì có rất nhiều mô hình kinh doanh cũ kỹ, lạc hậu và thiếu hiệu quả, nên những mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng Internet và điện thoại di động có thể cải thiện nhanh sự thiếu hiệu quả của các mô hình kinh doanh cũ. Sự gia tăng của số người sử dụng điện thoại di động và Internet tại khu vực này vì vậy tạo ra một bệ phóng để các nhà khởi nghiệp có thể bay cao.

Chính vì vậy, người Đông Nam Á ngày càng thấy nhiều loại dịch vụ mới xuất phát từ các công ty khởi nghiệp, từ chuyện giao hàng, di chuyển, du lịch cho tới thanh toán trực tuyến, y tế, tài chính và pháp luật. Giới trẻ của khu vực này là động lực lớn cho thành công của những công ty khởi nghiệp đó. Với giới trẻ hiện nay, những ứng dụng như Zalo, Flappy Bird hay Zing MP3 sẽ gần gũi hơn bánh mì Như Lan hay phở Pasteur hoặc những trò chơi trên máy điện tử Nintendo hay NES một thời.

Bản thân người viết gần đây cũng giới thiệu cho một người bạn nước ngoài khi đến chơi Việt Nam thì hãy tìm hiểu Triip.me, thay vì tìm hiểu thông qua một đại lý du lịch truyền thống.

Việt Nam trước làn sóng khởi nghiệp mới

Tại Việt Nam, nhiều công ty khởi nghiệp từ đầu những năm 2000 lẫn những công ty ra đời sau này nhận được nhiều vốn đầu tư hoặc có những thành công nhất định về mặt sản phẩm và tên tuổi. Một số công ty khởi nghiệp được định giá khá cao, như VNG được định giá 1 tỷ USD, trong khi MisFit được bán lại cho Fossil Group với giá 260 triệu USD.

Khởi nghiệp thu hút mối quan tâm không chỉ của dân khởi nghiệp, dân kinh doanh, mà còn của Chính phủ. Chính phủ đã đưa vấn đề khởi nghiệp vào những chính sách lớn của quốc gia và những sáng kiến như vườn ươm Vietnam Silicon Valley đã ra đời từ năm 2013.

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam không phải là chính phủ duy nhất quan tâm tới vấn đề khởi nghiệp. Các nước láng giềng trong khu vực cũng quan tâm đến vấn đề này từ lâu và cũng thành lập các vườn ươm từ vốn chính phủ cho công ty khởi nghiệp hoặc hợp tác với tư nhân. Trong khi đó, Việt Nam đối mặt với những khó khăn hơn các nước láng giềng về vấn đề môi trường kinh doanh, thuế và nhân lực.

Xét về môi trường kinh doanh, Việt Nam còn khoảng cách rất xa với Singapore, Thái Lan và Malaysia trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh (xếp hạng 90 trong Doing Business 2016 của World Bank, trong khi Singapore hạng 1, Malaysia hạng 18 và Thái Lan hạng 49). Philippines và Indonesia tuy xếp sau chúng ta trong tổng xếp hạng, nhưng khoảng cách không xa và họ có lợi thế hơn Việt Nam ở một số mặt như chuyện nộp thuế. Mặt khác, Indonesia có dân số đông và số người sử dụng Internet tăng nhanh hơn, nghĩa là thị trường tiềm năng cũng lớn hơn.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Việt Nam không chỉ nằm ở đó. Vấn đề chất lượng nguồn nhân lực cũng đáng lo. Trong đó, chuyện chảy máu chất xám ở Việt Nam không phải là một vấn đề đơn giản.

Tuy Việt Nam có lợi thế về một hệ thống đào tạo những tài năng toán và tin học, nhưng những nhân tài trong số này bị thu hút sang nước ngoài rất lớn. Tài năng người Việt không chỉ bị thu hút sang những thị trường khởi nghiệp lớn như Mỹ, mà còn bị lôi kéo sang đối thủ láng giềng Singapore. Một lượng những nhà lập trình và phát triển phần mềm giỏi còn lại ở Việt Nam cũng sẽ bị “thâu tóm” cùng với những thương vụ thâu tóm và sáp nhập công ty công nghệ ở Việt Nam. Đó là một xu thế đáng lo.

Trong khi đó, một số chuyên gia về khởi nghiệp tỏ ra lo ngại rằng, mức lương của nhân tài người Việt trong lĩnh vực này không còn rẻ nữa. Chúng ta vẫn đào tạo ra một lượng lớn người có khả năng làm việc trong lĩnh vực công nghệ, nhưng chất lượng đào tạo vẫn là một dấu hỏi. Người có thể lập trình được và chấp nhận mức lương 500-600 USD không có nghĩa là nhân tài giá rẻ của công ty khởi nghiệp. Đối với khởi nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới, tìm kiếm nguồn vốn sẽ không khó bằng tạo ra một lượng lớn nhân lực có chất lượng để đáp ứng nhu cầu của các nhà khởi nghiệp.

Ở một khía cạnh khác, khởi nghiệp hiện tại trong lĩnh vực công nghệ đồng nghĩa với những xáo trộn do mô hình kinh doanh mới đem lại đối với cả một ngành công nghiệp. Điển hình là vấn đề Uber gây tranh cãi ở Việt Nam. Xáo trộn mô hình kinh doanh cũ và kiện tụng là hai thuộc tính điển hình gắn liền với khởi nghiệp ở các nước. Nếu muốn khuyến khích khởi nghiệp ở Việt Nam, Chính phủ phải sẵn sàng đối mặt với vấn đề này. Nhưng đây lại là điểm yếu hiện tại của Việt Nam. Chỉ số về bảo vệ nhà đầu tư và giải quyết tranh chấp pháp lý của chúng ta thấp hơn cả Indonesia và Campuchia, chứ chưa nói tới Singapore, Malaysia hay Thái Lan.

Ngay trên thị trường chứng khoán niêm yết, việc cổ đông muốn kiện hội đồng quản trị hay thực thi quyền của mình cũng còn nhiều gian nan, chứ nói gì đến những công ty khởi nghiệp. Những tranh chấp về bản quyền, ý tưởng, sở hữu và lợi ích là chuyện thường ngày ở những công ty này.

Bên cạnh đó, việc những công ty này ra đời đụng chạm đến lợi ích của những mô hình kinh doanh cũ cũng sẽ dẫn đến những cạnh tranh không lành mạnh, lobby chính sách và tranh cãi không ngớt trong xã hội. Việt Nam lại chưa có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng và thủ tục giải quyết tranh chấp nhanh chóng để đối phó với những chuyện này. Trong khi đó, một doanh nghiệp vừa có tên tuổi trên báo chí sẽ gặp không ít phiền toái với cơ quan thuế và cơ quan địa phương.

Vì vậy, đối với Việt Nam trong thời gian tới, tìm vốn cho khởi nghiệp đã không còn là vấn đề lớn. Trái lại, thách thức nằm ở việc duy trì một nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí rẻ và tạo ra một môi trường kinh doanh mà Chính phủ ít can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, chủ yếu điều tiết qua hệ thống pháp luật rõ ràng. Đây vốn là thách thức nội tại của áp lực đổi mới tạo ra từ rất lâu rồi và nay khi làn sóng khởi nghiệp mới đã đến thì Chính phủ cũng cần có cách làm mới. Đổi mới để đón làn sóng khởi nghiệp mới âu cũng là một định hướng tốt cho năm mới.

GS.TS Vương Đình Huệ: Làn sóng khởi nghiệp mới bắt đầu
Câu chuyện đầu Xuân Bính Thân với GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương rôm rả và đầy hứng khởi. Chưa bao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư