Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đổi mới sáng tạo và khát vọng vươn tầm của doanh nghiệp Việt
Minh ngọc - 26/06/2024 09:19
 
Doanh nghiệp Việt đã và đang nỗ lực trên hành trình đổi mới sáng tạo, bắt kịp xu hướng công nghệ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, từ đó nâng hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh, khẳng định giá trị thương hiệu…

Trong kỷ nguyên bùng nổ công nghệ, thị trường liên tục biến động và môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh gay gắt, đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố sống còn cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp không thể đứng yên, mà cần liên tục đổi mới, bắt kịp xu hướng công nghệ, sáng tạo đáp ứng nhu cầu thị trường và gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Bước ra khỏi giai đoạn khủng hoảng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước hướng tới mục tiêu tăng trưởng và mở rộng thị trường trở lại. Đổi mới sáng tạo và cách tân tiếp tục trở thành một trong những động lực, ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới này. Theo kết quả khảo sát Top 50 doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả (VIE50) năm 2024, có đến 86% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của doanh nghiệp trong giai đoạn 3 - 5 năm tới (tăng nhẹ so với tỷ lệ 83,2% trong khảo sát VIE50 năm 2023).

Có đến 86% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của doanh nghiệp trong giai đoạn 3 - 5 năm tới.

Năm 2023, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Theo đó, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp; hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á.

Những kết quả này cho thấy, doanh nghiệp Việt đã, đang nỗ lực và là một trong những trụ cột của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Là những “mắt xích” quan trọng, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đang dần khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình đổi mới sáng tạo. Họ không chỉ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới, mà còn là ngọn đuốc soi sáng dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay kiến tạo tương lai. Những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong VIE50 đặc trưng bởi văn hóa đổi mới sáng tạo, tính linh hoạt và khả năng thích ứng cao, giúp nền kinh tế dễ dàng tiếp cận và áp dụng các công nghệ mới.

Đơn cử, với ngành ngân hàng, các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank... không ngừng từng bước cải tiến, nâng cao dịch vụ, sử dụng công nghệ vào nền tảng đảm bảo chất lượng phục vụ và an toàn. Những ứng dụng của các ngân hàng này mang đến trải nghiệm hiện đại, nhanh chóng, tin cậy và thực tế trong sinh hoạt hàng ngày của khách hàng. Đây được xem là những doanh nghiệp tương lai mang trong mình tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.

Đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Nó không chỉ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh qua việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và tối ưu hóa quy trình kinh doanh, mà còn hỗ trợ thích ứng nhanh chóng với biến động thị trường và nhu cầu khách hàng. Đồng thời, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường vị trí thương hiệu, đảm bảo hiệu quả hoạt động bền vững trong môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt.

Các hình thức đổi mới sáng tạo chủ yếu

Kết quả nghiên cứu và khảo VIE50 năm 2024 của Viet Research cho thấy, về cơ bản, các doanh nghiệp đang tập trung vào 4 hình thức đổi mới sáng tạo chủ yếu.

Thứ nhất, đổi mới sản phẩm, dịch vụ. Nếu như kết quả khảo sát năm 2023 của Viet Research cho thấy, có 79,2% doanh nghiệp thực hiện đổi mới sản phẩm/dịch vụ, thì con số này đã tăng lên 83,5% trong năm nay. Chiến lược phát triển sản phẩm cho phép doanh nghiệp tạo ra dòng sản phẩm đổi mới nhằm phá vỡ sự cạnh tranh và làm hài lòng khách hàng. Các sản phẩm mới có sáng tạo đột phá sẽ cung cấp cho doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh nhất định so với các đối thủ; thu hút sự quan tâm, chú ý và đáp ứng được nhu cầu thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng.

Tiêu biểu, Công ty Doji đã áp dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc mua sắm trang sức. Trước đó, công ty này cũng liên tục ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để sản xuất đa dạng mẫu mã, bắt kịp xu hướng thời trang, đảm bảo kiểm định uy tín...

Thứ hai, đổi mới mô hình kinh doanh. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều đổi mới trong mô hình kinh doanh nhằm thích ứng với sự thay đổi của thị trường và nhu cầu của khách hàng. Các mô hình kinh doanh số, tài chính số, kinh tế chia sẻ, blockchain, kinh doanh xanh, dữ liệu lớn và dịch vụ khách hàng thông minh đều đã được áp dụng thành công, giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đơn cử, Công ty Bảo Tín Mạnh Hải đã nhân rộng kênh bán hàng online, mở chi nhánh ở các tỉnh, triển khai các chiến dịch nghệ thuật thu hút 5.000 khách tham quan và cuộc thi “Triển lãm hạnh phúc” với hơn 3.000 tác phẩm dự thi, thể hiện sự “trở mình” mạnh mẽ về mô hình kinh doanh.

Thứ ba, sáng tạo trong dịch vụ khách hàng. Các doanh nghiệp có nhiều sáng tạo nhằm nâng cao trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như AI, Big Data, VR/AR và tự động hóa đã giúp cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng sự hài lòng và tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng. Dai-ichi là đơn vị có sự đồng bộ, liên kết chuỗi hệ thống cổng thông tin, các ứng dụng, trợ lý số hỗ trợ khách hàng và kết nối con người, các sản phẩm/dịch vụ, mảng thanh toán trực tuyến.

Thứ tư, đổi mới trong sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng. Những đổi mới điển hình trong sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp là ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), AI, big data, tự động hóa, robot hóa, sử dụng blockchain, công nghệ in 3D và số hóa quy trình quản lý. Tiêu biểu là Công ty Đường Quảng Ngãi với việc thay đổi tư duy, mở rộng đi cùng với việc chắt lọc một chuỗi kết hợp năng suất giữa mía - đường - điện, đẩy mạnh quá trình tự cung tự cấp, giảm thiểu rủi ro phát sinh.

Các xu hướng đổi mới sáng tạo nổi bật

Một là, các giải pháp bền vững. Việc tích hợp các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng quan trọng, vì áp lực từ khách hàng và xã hội về khí thải

carbon. Điều này mang lại cơ hội để giảm khí thải và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thông qua công nghệ cảm biến, đầu tư vào vật liệu bền vững và tái sử dụng, cũng như thúc đẩy mô hình tuần hoàn.

Tích hợp tính bền vững không chỉ đáp ứng quy định mới một cách tiên phong, mà còn tạo ra mối liên kết mạnh mẽ với khách hàng, nâng cao hiệu suất kinh doanh và góp phần tích cực cho xã hội. Các công ty xây dựng như Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1) hay Lizen đều rất quan tâm đến những giải pháp này.

Giám đốc dịch vụ tư vấn ESG đang phối hợp với CC1 cho biết, môi trường xây dựng tạo ra 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính và tiêu hao 32% tài nguyên thiên nhiên thế giới. Ngành xây dựng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ngoài yếu tố môi trường, các tiêu chí ESG còn đòi hỏi chính sách toàn diện ảnh hưởng đến các khía cạnh khác, từ quản lý chuỗi cung ứng, tìm nguồn cung ứng nguyên liệu, đến chiến lược mua sắm và tiêu chuẩn lao động mới đáp ứng giải pháp bền vững cho doanh nghiệp.

Hai là, big data và AI. Big data thu thập và khai thác dữ liệu giúp doanh nghiệp tối ưu hoạt động và hiểu hành vi khách hàng, từ đó gia tăng khả năng bán hàng. Cùng với đó, AI được dự báo có bước nhảy vọt, nhanh chóng phát triển từ phạm vi hạn chế với vai trò một “trợ lý cá nhân” thành một đội ngũ “hành động” liên quan đến mạng lưới AI được kết nối với nhau. AI sẽ sớm trở thành một hệ sinh thái rộng lớn gồm các hệ thống tự động có khả năng tự đưa ra quyết định và hành động.

Điển hình trong các doanh nghiệp VIE10 ngành công nghệ thông tin - viễn thông đang đáp ứng lộ trình phát triển theo xu thế AI, MobiFone đã nỗ lực xây dựng nền tảng, hệ thống chuyển đổi số toàn diện triển khai tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ba là, IoT. Theo đó, trong sản xuất, máy móc thiết bị, sản phẩm và thậm chí cả nguyên liệu thô có thể thu thập và chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực. Mức độ kết nối liên thông này mang lại khả năng hiển thị chưa từng có trong từng bước của quy trình sản xuất, từ việc mua nguyên liệu đến kiểm tra chất lượng cuối cùng, tạo điều kiện thuận lợi cho mức độ giám sát và tối ưu hóa mà trước đây không thể tưởng tượng được.

Bốn là, robot và cobots tiên tiến (robot cộng tác). Robotics từ lâu đã giữ vai trò nổi bật trong sản xuất, giúp hợp lý hóa các quy trình và giảm nhu cầu lao động thủ công trong các công việc lặp đi, lặp lại. Không giống như các robot truyền thống hoạt động độc lập, thường tách biệt để đảm bảo an toàn cho con người, cobots được thiết kế để làm việc song song với con người. Chúng thích nghi hơn, linh hoạt hơn và được trang bị cảm biến để đảm bảo tương tác an toàn, trở thành người bạn đồng hành lý tưởng trên dây chuyền sản xuất. Trong danh sách VIE50 năm 2024, Viettel là đơn vị đang có thế mạnh để phát triển công nghệ cobots hơn cả.

Năm là, tiếp thị kỹ thuật số. Những công cụ tiếp thị kỹ thuật số như mạng xã hội, người có tầm ảnh hưởng (KOLs), chatbot, VR, quảng cáo tự nhiên… được dự đoán sẽ bùng nổ trong những năm tới. Các điểm chạm mà các doanh nghiệp thường dùng là website, Facebook, YouTube, LinkedIn và gần đây nhất là nền tảng TikTok. Sự kết hợp chặt chẽ các kênh truyền thông với các chiến lược tiếp thị nội dung sẽ đóng vai trò quan trọng quyết định thành công trong chiến dịch mà doanh nghiệp thực hiện.

Doanh nghiệp Việt còn nhiều hạn chế trong đổi mới sáng tạo theo hướng công nghệ xanh
Sự cạnh tranh quyết liệt về công nghệ và đòi hỏi về phát triển bền vững của thị trường buộc doanh nghiệp Việt phải đổi mới công nghệ,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư