Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đối tác gặp khó, nhiều doanh nghiệp lận đận vì khoản phải thu
Thanh Thủy - 11/06/2021 11:54
 
Việc “chiếm dụng” vốn qua các khoản phải thu/ phải trả đối tác là điều thường thấy với đa số doanh nghiệp. PV Drilling đang có nguy cơ mất trắng mất nguồn thu do KrisEnergy cận kề phá sản.

Cổ phiếu PVD nằm sàn sau khi đối tác KrisEnergy đệ đơn xin phá sản

Giàn PV DRILLING III khi thực hiện hợp đồng khoan tại Campuchia
Giàn PV DRILLING III khi thực hiện hợp đồng khoan tại Campuchia


Công ty KrisEnergy - một khách hàng lớn của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling -  mã PVD) đã đệ đơn lên tòa án xin phá sản. Trong thông cáo phát đi ngày 4/6, KrisEnergy cho biết không có khả năng trả nợ và sẽ tiến hành thanh lý.

Vào 10/2020, PV Drilling đã ký hợp đồng cung cấp giàn khoan tự nâng PV Drilling III cho KrisEnergy để cung cấp dịch vụ khoan và dịch vụ kéo thả ống chống cho 5 giếng khoan tại khu vực lô A, ngoài khơi Campuchia (dự án mỏ dầu Apsara). Những dòng dầu thương mại đầu tiên của dự án và cũng đầu tiên của Campuchia được khai thác vào 29/12/2020.

Tuy nhiên, sau thời gian khai thác cả 5 giếng (23/2 – 30/3/2021), các dữ liệu lại cho thấy đặc điểm của các hồ chứa nhỏ hơn, tính liên tục hạn chế, cũng kém năng suất hơn so với các thử nghiệm lưu lượng thẩm định, phía KrisEnergy cho biết trong một báo cáo vào cuối tháng 3. Theo KrisEnergy, tốc độ sản xuất cao nhất đạt được tại dự án Apsara là 3.534 thùng / ngày. Dự báo trước đây về sản lượng đỉnh 7.500 thùng dầu/ngày sẽ không thể đạt được.

“Dòng tiền thấp hơn đáng kể từ việc phát triển mỏ dầu Apsara dẫn đến việc thực hiện tái cơ cấu của Công ty không còn khả thi”, thông cáo của KrisEnergy cho hay. Nợ phải trả của tập đoàn này đã vượt quá giá trị tài sản.

Từ cuối năm 2020, PV Drilling bắt đầu ghi nhận khoản phải thu với KrisEnergy (114 tỷ đồng). Đến cuối quý I, dư nợ phải thu còn hơn 107 tỷ đồng. Khi nguồn việc không quá dồi dào do bối cảnh ảm đạm của ngành khai thác dầu khí, khoản phải thu trên tương đương 19,4% doanh thu quý I/2021, nhưng chỉ bằng khoảng 2% doanh thu cả năm 2020.

Với khoản phải thu đến hạn trả chưa thể thu hồi hay để đảm bảo nguyên tắc thận trọng trong kế toán, PV Drilling sẽ cần trích lập dự phòng cho khoản tiền này. Trước đó, kết quả kinh doanh quý I của PV Drilling cũng không mấy sáng sủa khi công ty phải kinh doanh dưới giá vốn, lỗ ròng tới 109 tỷ đồng.

Cổ phiếu PVD đã có hai phiên giảm kịch sàn trong tuần này. Tuy nhiên, xu hướng tăng của giá dầu thế giới vẫn là động lực hỗ trợ cho PVD và nhiều cổ phiếu khác trong dòng dầu khí.

May Sông Hồng trích dự phòng 186 tỷ đồng vì khoản phải thu của New York & Co

Trong ngành dệt may, cũng không ít các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trường hợp đối tác khách hàng lâm vào cảnh phá sản. Giữa năm 2020, một trong ba đối tác truyền thống của công ty May Sông Hồng (mã MSH) là New York & Co rơi vào tình trạng này. RTW Retailwinds là hãng bán lẻ quần áo có tuổi đời 102 năm cũng là công ty mẹ của New York & Co đã nộp đơn xin làm thủ tục phá sản. New York & Co sau đó sang tay chủ mới và hiện đổi tên thành công ty Easy Fashion Macao Commercial Offshore.

Với May Sông Hồng, khoản nợ trên vẫn là khoản phải thu khó đòi. Cập nhật đến quý I/2021, công ty đã trích lập dự phòng 186 tỷ đồng cho khoản phải thu hơn 218 tỷ đồng của đối tác. Đây là khoản tiền lớn nếu so với quy mô vốn điều lệ 500 tỷ đồng của May Sông Hồng. Việc trích lập dự phòng cũng ngay lập tức ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2020 và cả quý I.

Rủi ro từ đối tác khách hàng là khó thể tránh khỏi khi việc cho nợ, chậm trả hay chiếm dụng vốn tín dụng là điều luôn có trong hoạt động kinh doanh  của doanh nghiệp. Nhờ ngành may mặc hồi phục sau đại dịch, May Sông Hồng vẫn báo lãi gần 93 tỷ đồng trong quý I vừa qua, thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu đạt 1.857 đồng. 

Thủy điện Cần Đơn trầy trật với khoản phải thu cho vay 8 năm

Khác với May Sông Hồng hay PV Drilling, khoản phải thu của Thủy điện Cần Đơn (mã SJD) xuất phát từ khoản cho vay ngắn hạn ba doanh nghiệp đối tác – đều là các đơn vị trước đây trực thuộc Tổng công ty Sông Đà. Năm 2012, công ty thủy điện này giành một phần vốn nhàn rỗi cho vay ngắn hạn Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long, Công ty cổ phần Điện Việt Lào và Công ty cổ phần Thủy điện Trà Xom, thay vì gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Hợp đồng tín dụng ban đầu chỉ có thời hạn một năm nhưng lại liên tục gia hạn sau đó. Đến năm 2015, Thủy điện Cần Đơn ngừng kỳ gia hạn. Ba khoản cho vay trên đã quá hạn và được trích lập dự phòng cả nợ gốc và lãi vay tại thời điểm cuối năm 2015.

Theo nghị quyết của HĐQT hồi tháng 3/2021, công ty đã hạch toán bổ sung khoản lãi cho vay tính thiếu 11,4 tỷ đồng vào doanh thu tài chính, đồng thời, trích lập dự phòng cùng số tiền trên.  

Do đó, trong báo cáo tài chính kiểm toán phát hành lần thứ hai, lợi nhuận năm 2020 không thay đổi so với báo cáo kiểm toán lần đầu. Tuy nhiên, do các kiểm toán viên không thể thực hiện đối chiếu công nợ, báo cáo kiểm toán của Thủy điện Cần Đơn đã nhận ý kiến kiểm toán kèm ý kiến ngoại trừ. Cũng chính vì lý do này, cổ phiếu SJD không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Công ty này tính toán nếu áp dụng mức lãi suất quá hạn, khoản lãi vay phát sinh chưa hạch toán còn phải ghi nhận thêm gần 120 tỷ đồng. Thủy điện Cần Đơn cho biết đang thực hiện các thủ tục khởi kiện để đòi các khoản nợ về cho đơn vị.

Cá tra Nam Việt: Mục tiêu doanh thu 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 450 tỷ đồng
Công ty cổ phần Nam Việt (Navico, Hose: ANV) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 với kế hoạch tổng doanh thu 4.500 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư