Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đòn bẩy nào cho hợp tác công - tư trong ngành y tế?
D.Ngân - Chí Cường - 18/05/2022 14:20
 
Nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến việc hợp tác giữa công-tư trong ngành y tế được luận bàn tại tại Hội thảo “Tăng cường hợp tác công tư - Thúc đẩy phát triển bền vững ngành y tế".

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho rằng, sau hơn 2 năm đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, Việt Nam và thế giới đang dần quay lại cuộc sống bình thường.

Nhiều chính sách mở cửa, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành tạo đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế, kỳ vọng mang lại những cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có ngành y tế.

Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu tại cuộc hội thảo. Ảnh: Chí Cường

Theo ông Minh, mặc dù Việt Nam đã thành công lớn trong nỗ lực phòng chống Covid-19, đại dịch đòi hỏi ngành y tế cần phát triển theo hướng bền vững hơn, cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở, phát triển hệ thống y tế chất lượng, hiệu quả, bền vững có khả năng thích ứng cao hơn.

Tuy nhiên, ngành y tế Việt Nam hiện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, như là tình trạng gia tăng bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm (NCDs), quá tải bệnh viện, thiếu thốn vật tư trang thiết bị, già hóa dân số, cũng như sự chênh lệch giữa các vùng, miền và các tuyến y tế về chất lượng dịch vụ y tế và chuẩn hóa trang thiết bị hiện đại…

Để hệ thống y tế có đủ năng lực và luôn sẵn sàng ứng phó với các tình huống trong tương lai, hướng tới phát triển hệ thống chăm sóc y tế toàn diện và bền vững, đòi hỏi cần có những định hướng mới đối với các nguồn lực xã hội đầu tư cho hệ thống y tế, cũng như tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn từ các bên tham gia, trong đó có phương thức hợp tác Công - Tư (PPP). 

Luật Đầu tư theo Phương thức Đối tác công - tư (PPP) sau hơn 1 năm có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các dự án PPP, trong đó đưa y tế vào 1 trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư theo phương thức này. 

Hợp tác công tư được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả để triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam nói chung và ngành y tế nói riêng.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Dù được đánh giá có tiềm năng lớn, được nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài quan tâm, mô hình PPP trong y tế vẫn chưa đạt kỳ vọng do vẫn còn nhiều rào cản và thách thức. 

Để thúc đẩy sự tham gia của tư nhân vào quá trình phát triển bền vững ngành y tế trong giai đoạn phát triển mới, việc hoàn chỉnh một hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng hơn là yêu cầu cấp thiết.

Nhằm đánh giá hiện trạng phát triển của ngành, những bài học kinh nghiệm, phân tích những cơ hội thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, Hội thảo với chủ đề “Tăng cường hợp tác công tư -  Thúc đẩy phát triển bền vững ngành y tế” đã là kênh đối thoại giữa các cơ quan Nhà nước, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như sẽ tăng cơ hội kết nối của tất cả các bên liên quan.

“Các nội dung thảo luận trong Hội thảo của chúng ta ngày hôm nay sẽ góp thêm tiếng nói trong xây dựng chính sách, và đặc biệt giúp cho công chúng hiểu hơn về hợp tác công - tư trong y tế, cũng như những vấn đề lớn ngành y tế cần phải giải quyết trong thời gian tới đây”, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nêu.

Nói về TPP trong y tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, nâng cao chất lượng trong lĩnh vực y tế, phấn đấu đáp ứng nhu cầu về nguồn lực y tế của người dân, thì việc huy động các nguồn lực tài chính cho đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng và thiết bị là yêu cầu rất quan trọng.

Ở nhiều nước trên thế giới, việc áp dụng hình thức PPP để xây dựng công trình trong lĩnh vực y tế đã có đóng góp rất nhiều trong quá trình giải quyết vấn đề về thiếu hụt nguồn lực vốn nêu trên.

Ở Úc, đầu tư xây dựng công trình trong lĩnh vực y tế theo hình thức PPP đã góp phần giảm chi phí vượt ngân sách từ 18% xuống 4,3%. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, việc quản lý đầu tư xây dựng theo hình thức PPP đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân (cụ thể đến năm 2023, Thổ Nhỹ Kỳ cần dầu tư xây dựng thêm 90.000 giường bệnh).

Tại Việt Nam, Đảng ta cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phương thức đầu tư PPP đối với các lĩnh vực dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ y tế như nêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XII, cụ thể: “Tiếp tục thực hiện cơ chế kết hợp công - tư về nhân lực và thương hiệu trong lĩnh vực y tế; xây dựng cơ chế hợp tác đầu tư giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, giữa các bệnh viện công”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Chí Cường

Chủ trương, quan điểm của Đảng về cơ chế thu hút nguồn nhận lực tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng đã được cụ thể hóa trong quá trình xây dựng luật PPP.

Luật PPP với sự kế thừa những quy định tốt đã và đang thực hiện, đồng thời bổ sung các nội dung mới, quan trọng bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho các dự án PPP trong thời gian tới, cũng như tạo niềm tin cho cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư quốc tế.

Từ đó, thu hút tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân; sử dụng hiệu quả nguồn lực này để bù đắp những thiếu hụt của ngân sách nhà nước trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ công; tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước phát triển bền vững trong những giai đoạn tiếp theo; tạo tiền đề để triển khai nhiều hơn các dự án PPP trong lĩnh vực an sinh xã hội đặc biệt trong lĩnh vực về chăm sóc sức khỏe cho người dân. 

Tuy nhiên, công tác triển khai luật PPP còn gặp nhiều hạn chế. Các dự án PPP được triển khai chủ yếu thuộc một số lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, năng lượng, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, chất thải.

Một số lĩnh vực được quy định nhưng chưa triển khai hoặc áp dụng chưa thành công như nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, hạ tầng khu kinh tế...

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2019 có 58 dự án thuộc danh sách dự án PPP trong lĩnh vực y tế được đề xuất. Tuy nhiên, trong những án này, chỉ có 13 dự án thực hiện đến bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, 6 dự án đến giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi, 5 dự án đến giai đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, và có 2 dự án đến giai đoạn ký kết hợp đồng.

Các dự án PPP trong lĩnh vực y tế hầu hết tập trung ở một số tỉnh: Thành phố Hà Nội (1 dự án), Thành phố Hồ Chí Minh (6 dự án), Hải Phòng (1 dự án), Đà Nẵng (1 dự án), Quảng Ninh (2 dự án), Quảng Nam (1 dự án), Cà Mau (1 dự án), Bến Tre (1 dự án).

Mặc dù đây là lĩnh vực tiềm năng, nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Từ năm 2019 đến nay, trong lĩnh vực y tế chưa có thêm dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Chính vì vậy, việc tổ chức Hội thảo Tăng cường hợp tác công tư nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ngành y tế là rất có ý nghĩa, là dịp để rà soát lại khung chính sách thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực y tế. Từ đó, nhận diện những cơ hội và các vấn đề thách thức trong việc thực hiện mô hình PPP trong lĩnh vực y tế hiện nay. 

Nêu lên các thách thức nội tại trong giai đoạn hiện nay mà ngành y phải đối diện ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty AstraZeneca Việt Nam và Các thị trường mới nổi khu vực châu Á cho hay, chúng ta phải tiếp tục đẩy lùi các bệnh không lây nhiễm- vốn được xem là đại dịch của những ‘kẻ giết người thầm lặng”, bao gồm những bệnh như ung thư, tim mạch, hô hấp và đái tháo đường.

Ông Nitin Kapoor nhấn mạnh, dù không nhận được nhiều sự chú ý như Covid-19 nhưng bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, cao hơn tất cả những nguyên nhân khác gộp lại và chiếm đến hơn 70% gánh nặng y tế. 

Các diễn giả tham gia Hội thảo tại Báo Đầu tư sáng 18/5. Ảnh: Chí Cường

Do giãn cách xã hội, các lệnh phong tỏa, và ưu tiên tập trung điều trị Covid-19 trong đại dịch, nhiều bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm đã không tiếp cận được các dịch vụ khám chữa bệnh cần thiết. 

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới, 77.5% bệnh nhân ung thư trên toàn cầu đã phải chịu tình trạng đứt quãng hoặc trì hoãn chương trình điều trị trong hai năm vừa qua, khiến họ đối diện với nhiều rủi ro về sức khỏe.

Để giảm thiểu tình trạng này, chúng ta cần khẩn trương giải quyết những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm chưa được chăm sóc. 

Đồng thời, cũng cần tăng cường các chương trình nâng cao nhận thức về bệnh nhằm thúc đẩy phòng ngừa, chẩn đoán sớm và điều trị sớm các bệnh không lây nhiễm để giảm gánh nặng cho bệnh nhân nói riêng và ngành y tế nói chung. 

“Ngoài ra, chúng ta cần củng cố toàn diện hệ thống chăm sóc sức khỏe để phòng bị tốt hơn cho những cuộc khủng hoảng tương lai. Sự ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 trên toàn cầu đã cho thấy những lỗ hổng trong ngành y tế các nước cần được khắc phục, để ngăn thảm họa này tái diễn”, đại diện AstraZeneca nêu.

Về vai trò của y tế cơ sở tại Việt Nam theo ông Nitin Kapoor, khoảng thời gian hai năm vừa qua đã khẳng định tầm quan trọng của mạng lưới y tế tuyến cơ sở, bao gồm đội ngũ cán bộ y tế cấp phường, quận, huyện chịu trách nhiệm thực hiện nhiều công tác y tế, từ chăm sóc sức khỏe ban đầu, đến tiêm vắc-xin, lấy mẫu, truy vết, theo dõi cách ly, và nhiều nghĩa vụ khác. 

Sự vững vàng của y tế tuyến cơ sở là yếu tố quyết định sự vững vàng của cả hệ thống y tế. Tuy nhiên, các cán bộ y tế ở tuyến này lại thường phải đối diện với các vấn đề như thiếu nhân lực, trang thiết bị và chuyên môn. 

Theo nghiên cứu được đúc kết từ dự án “Hợp tác vì Tính bền vững và Khả năng chống chịu của Hệ thống Y tế” (PHSSR) giữa Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (HSPI) và AstraZeneca Việt Nam, việc phát triển y tế cơ sở là một trong những đề xuất thiết thực nhất để xây dựng tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế. 

Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty AstraZeneca Việt Nam và Các thị trường mới nổi khu vực châu Á phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Chí Cường

Trong giai đoạn tiếp theo của dự án, hai bên sẽ đào sâu nghiên cứu và mở rộng hợp tác với nhiều đối tác mới để đưa những chính sách này vào giai đoạn triển khai, giúp hệ thống chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch tiếp theo.

Để đạt được những mục tiêu trên, đòi hỏi những nỗ lực chung của cả trong và ngoài ngành y tế. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng trên hành trình này để cùng nhau vượt qua đại dịch. AstraZeneca cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy tiềm năng của khoa học để mang lại sức khỏe cho người dân, xã hội, và hành tinh của chúng ta.

Quan điểm của Phó chủ tịch EuroCham Torben Minko thì cho rằng, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Việt Nam được khuyến khích có khuôn khổ pháp lý rõ ràng hơn cho các dự án đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư nhằm tăng cường thu hút đầu tư, đây là ý kiến của các thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. 

Cũng theo ông Torben Minko, hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực dịch vụ có thể mở ra những đóng góp hơn nữa từ khu vực tư nhân nhằm hướng tới một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, tiên tiến và bền vững. Như vậy, khung pháp lý chính là chiếc chìa khóa giúp tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, tạo ra môi trường bền vững và có thể dự đoán được.

Các mối quan tâm chính của các thành viên EuroCham hiện nay trong PPP bao gồm các mô hình đặt máy tại các cơ sở y tế công lập, giải quyết các mối quan tâm về sức khỏe cộng đồng, củng cố hệ thống y tế và tăng cường khả năng tiếp cận của bệnh nhân với các loại thuốc mới và chất lượng cao.

Tuy nhiên, trong thực thi TPP hiện vẫn còn những rào cản nhất định. Theo đó, các chính sách hiện tại và các vấn đề trong quá trình thực thi là một trong những rào cản làm suy yếu khả năng dự đoán và tính bền vững cần thiết để hỗ trợ quyết định đầu tư. Ngoài ra, chi phí kinh doanh cao hơn theo năm đối với các công ty dược đa quốc gia cũng tác động đến niềm tin đầu tư.

Do vậy, rất cần có một khung pháp lý phù hợp hơn để thúc đẩy PPP phát huy hết tiềm năng của hình thức đầu tư này.

Đối với các thành viên MDD, mô hình đặt máy tại các cơ sở y tế công lập đã được triển khai từ nhiều năm nhưng chưa được quy định về mặt pháp lý, mặc dù đã có văn bản thống nhất giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội cho mô hình này. 

Một khuôn khổ pháp lý về PPP hướng tới tương lai hơn, đặc biệt là đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và tích hợp vào Chiến lược hỗ trợ tài chính y tế quốc gia, rất được mong đợi. 

Trong lĩnh vực trang thiết bị y tế và chẩn đoán, EuroCham mong muốn có một nghị định mới về mô hình đặt máy tại các cơ sở y tế công lập sẽ sớm được thông qua và ban hành trong năm nay.

Bên cạnh đó, các chính sách bền vững và thực hiện hiệu quả cần được đưa ra trên ba trụ cột chính là đăng ký thuốc, thanh toán tiền thuốc và mua sắm công.

Ngoài ra, các chính sách về mô hình đặt máy cần được phổ biến rộng rãi và tổ chức tập huấn cho các bên liên quan để giúp hiểu rõ hơn về chính sách, cũng như tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. 

Hội thảo "Tăng cường hợp tác công - tư thúc đẩy phát triển bền vững ngành y tế"
Hội thảo được tổ chức từ 8h30 - 12h00 sáng ngày 18/5 tại Trụ sở Báo Đầu tư, 47 Quán Thánh, Quận Ba Đình, Hà Nội, thu hút sự tham dự của khoảng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư