Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đòn bẩy từ nền tảng công nghệ và chuyển đổi số
Vũ Anh - 29/11/2020 15:37
 
Nền tảng công nghệ và chuyển đổi số sẽ là điểm tựa để doanh nghiệp đứng vững trong “cơn bão” Covid-19 và tăng tốc phát triển.
Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhất trong khu vực về dịch vụ tài chính số, ứng dụng Internet trong ngân hàng. Ảnh: Đ.T
Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhất trong khu vực về dịch vụ tài chính số, ứng dụng Internet trong ngân hàng. Ảnh: Đ.T

Cơ hội mới từ các nền tảng số

Đối với ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN, đại dịch Covid-19 có tác động không đồng đều tới nền kinh tế. Bởi, nó gây khó khăn cho nhiều ngành, nhưng lại mở ra cơ hội mới từ các nền tảng số, phát triển hạ tầng năng lượng, chăm sóc sức khoẻ, sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu...

Kinh tế Internet là một điểm sáng trong bức tranh nhiều màu xám của kinh tế toàn cầu do tác động của Covid-19, trong đó, nhiều nhóm ngành tăng trưởng mạnh liên quan đến thương mại điện tử như may mặc, hàng điện tử và thực phẩm; cho vay tiêu dùng, dịch vụ giáo dục, giải trí, nội dung số...

Quy mô nền kinh tế Internet tại Việt Nam được đánh giá đang ở mức 14 tỷ USD. Nhìn sâu vào bức tranh này sẽ thấy, lượng khách hàng tăng đột biến 30 - 50%, đây là con số mà các ngành kinh doanh mơ ước.

Ngoài ra, điểm tựa để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào kinh tế số là lượng khách hàng đến từ khu vực thành thị, với những ưu điểm về sức mua, nền tảng công nghệ tốt, mức thu nhập bình quân cao...

“Nếu đại dịch vẫn còn tiếp tục, giao dịch qua Internet sẽ còn tăng nóng với các nhóm ngành như gọi xe điện tử, giao nhận thức ăn, tài chính - ngân hàng...”, ông Thành nói.

Riêng dịch vụ tài chính số, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong khu vực, cụ thể là ứng dụng Internet trong ngân hàng. Trong tương lai gần, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ tiền vào dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và phát triển hạ tầng, năng lượng - những lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn.

Để có được nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực nói trên, thì dòng vốn đầu tư nước ngoài được coi là trụ cột, trong đó, có cả dòng vốn của bà con Việt kiều đang đầu tư về Việt Nam.

doanh nhân Việt kiều tại Canada, ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Sunseap Link Việt Nam đã đầu tư về Việt Nam hơn 20 năm qua. Ông cho rằng, nguồn vốn này mới là động lực quan trọng, tạo nhiều việc làm, tạo cơ hội để lao động Việt Nam tiếp cận xu hướng, kỹ thuật công nghệ mới…

“Chúng ta có đón được ‘đại bàng’ hay không còn do cơ chế và thể chế. Nếu không thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta khó có thể ‘xoay chuyển càn khôn’, bởi nền tảng công nghệ vẫn là từ thế giới”, ông Bắc khẳng định.

Theo đó, ông Bắc chỉ ra 2 vấn đề trong thu hút đầu tư FDI. Thứ nhất, từ năm 2000 trở lại đây, nguồn kiều hối chuyển về nước rất lớn, do đó, cần cơ chế, chính sách tốt hơn nữa để thu hút nguồn vốn này. Thứ hai, về ứng dụng công nghệ 4.0, cần có phân tích cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.

“Muốn đất nước phát triển, cần huy động các nguồn lực. Muốn vậy, thể chế và luật pháp là quan trọng nhất, không thể sáng nắng, chiều mưa”, ông Bắc chia sẻ.

Chúng ta cần tận dụng hội nhập kinh tế quốc tế và sắp xếp lại cung ứng toàn cầu, đặc biệt, không quên tập trung đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực thương mại điện tử đang thắp sáng bức tranh kinh tế hiện nay.

Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN

Đề cập vấn đề cơ chế, chính sách, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco cho rằng, dược phẩm là ngành kinh doanh có điều kiện khắt khe, nên doanh nghiệp rất mong muốn Nhà nước chuyển động cùng của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp cần tăng sức đề kháng trước cơn đại dịch chưa có hồi kết, có thể diễn biến kéo dài tới những năm tiếp theo”, bà Thuận bày tỏ.

Trong bối cảnh hiện nay, việc nhanh chóng áp dụng công nghệ số trong triển khai vận hành được coi là đòn bẩy cho Traphaco. Chủ tịch Traphaco nhấn mạnh, không ai có thể nói trước điều gì cho đến khi khó khăn ập đến, vì vậy, nền tảng thực sự quan trọng đối với doanh nghiệp lúc này là liên tục đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư công nghệ, quản trị tốt hơn.

Chuyển đổi mô hình kinh doanh

Đối với hầu hết doanh nghiệp, chuyển đổi số cũng chính là chuyển đổi mô hình kinh doanh, mà để làm được điều đó, thì phải chuyển đổi cả sản phẩm kinh doanh. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển vượt trội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa, các doanh nghiệp phải tính đến việc chuyển đổi mô hình phù hợp hơn để có thể tồn tại.

Ông Đỗ Hoàng Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Wicom chia sẻ, chiến lược của doanh nghiệp sẽ có hai mô hình: cải tiến sản phẩm từ thị trường hiện hữu hoặc từ sản phẩm để tăng tốc mở rộng thị trường, sau đó mới cải tiến sản phẩm dịch vụ. Khi doanh nghiệp nhìn nhận được mô hình và chiến lược, thì sẽ có cách tiếp cận phù hợp.

Cách thông thường là chuyển đổi mô hình kinh doanh để giúp doanh nghiệp trong giai đoạn tăng tốc. Sau khi mở rộng được thị trường, tích lũy giá trị, tài chính, thì doanh nghiệp sẽ chuyển sang giai đoạn tối ưu hoạt động kinh doanh.

Trong quá trình thay đổi mô hình kinh doanh, các giải pháp công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu từng khu vực.

“Đầu tư khôn ngoan cho chuyển đổi số là đầu tư vào con người”
Đó là khuyến nghị của ông Dwayne Ong, Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số Qnet - Nhà sáng lập Casugol, Tổ chức chứng nhận quốc tế về Chuyển đổi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư