Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đơn hàng dệt may về nhiều
Hải Yến - 02/03/2021 13:34
 
Nhiều doanh nghiệp dệt may đón tin vui khi những mặt hàng như dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7 và tháng 8/2021.
Ngành dệt may Việt Nam đã khẳng định và củng cố được vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Ảnh: Chí Cường
Ngành dệt may Việt Nam đã khẳng định và củng cố được vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Ảnh: Chí Cường

Linh hoạt thích ứng

Mặc dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu kéo dài cả chục ngày, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đã không gây ảnh hưởng nhiều đến năng suất hoạt động của nhiều ngành hàng, trong đó có dệt may.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/2/2021, xuất khẩu dệt may đạt 3,77 tỷ USD, tăng  270 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cho thấy sự thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp với xu hướng tiêu dùng của thị trường để hoạt động thương mại xuyên biên giới được duy trì liên tục.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Chủ tịch HĐTV Vinatex cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn căng thẳng, thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn đang suy giảm nhu cầu tiêu dùng, thì sự chuyển biến của nhà sản xuất trong việc đáp ứng các mã hàng quần áo thông dụng, giá vừa phải sẽ đánh trúng nhu cầu khách hàng.

“Thực tế trong cả giai đoạn nửa cuối năm 2020, ngành dệt may đã và đang đi theo hướng này, nhờ đó lao động tại nhiều doanh nghiệp không phải nghỉ việc, đơn hàng thông suốt, về đích với 35,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, dù có sụt giảm, nhưng vẫn khả quan hơn nhiều quốc gia xuất khẩu lớn khác như Ấn Độ, Bangladesh”, ông Trường nói.

Chưa kể, tổng cầu dệt may thế giới đã giảm hơn 22%, từ 740 tỷ USD, xuống 600 tỷ USD, các quốc gia cạnh tranh đều có mức giảm 15-20%, mức sụt giảm của ngành dệt may Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung thế giới.

Đóng góp gần 10 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu gần 40 tỷ USD của ngành dệt may (năm cao điểm 2019 là 39 tỷ USD), nhiều doanh nghiệp thuộc hệ thống Vinatex có quy mô xuất khẩu lớn vài trăm triệu USD/năm đã có khách hàng cho năm 2021.

Đại diện Vinatex xác nhận: “Hiện nay các doanh nghiệp trong ngành dệt may, gồm cả các doanh nghiệp của Tập đoàn đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Đặc biệt, những mặt hàng như dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021”.

Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công thông tin, trong tháng 1/2021, Thành Công đạt doanh thu 15,7 triệu USD, lợi nhuận sau thuế đạt 1,07 triệu USD, lần lượt cao hơn 83% và 160% so với tháng 1/2020. Trong đó, doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết quý II/2021, điều này tiếp tục đảm bảo khối lượng công việc trong thời gian tới.

Lượng đơn hàng dẫu chưa thể cải thiện như thời điểm trước Covid-19, nhưng việc có đủ đơn hàng, duy trì các dây chuyền sản xuất, đủ việc làm cho người lao động là chỉ dấu tích cực cho quá trình phục hồi trở lại của ngành dệt may.

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco), ông Nguyễn Xuân Dương nhận định, năm 2021, doanh nghiệp dệt may xuất khẩu như Hugaco tiếp tục đối mặt với khó khăn về nguồn hàng để bảo đảm việc làm, duy trì hoạt động sản xuất và cải thiện hiệu quả kinh doanh sau một năm tăng trưởng âm.

Năm 2020, trong cơn bão đại dịch đổ ập lên các lĩnh vực sản xuất, Hugaco cũng không thể đứng ngoài tình cảnh chung, khi tổng doanh thu sụt giảm 5%, đạt 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 20% do đơn hàng, giá gia công ngày càng giảm.

Do đó, mục tiêu ngắn hạn của Hugaco là tiếp tục tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường nhằm bảo đảm việc làm cho người lao động.

Củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng

Chịu ảnh hưởng không nhỏ từ Covid-19 trong năm qua, nhưng điều an ủi lớn là ngành dệt may Việt Nam đã khẳng định và củng cố được vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, cùng với đó, tăng trưởng thị phần tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu tiến thêm một nấc mới.

Cụ thể, nhờ không bị gián đoạn sản xuất, thích ứng nhanh và uyển chuyển, thị phần của hàng dệt may Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng trong năm vừa qua và lần đầu đạt 20% tại thị trường Mỹ, trong đó nhiều tháng đứng ở vị trí số 1 về thị phần.

Cần phải nói thêm, theo báo cáo của McKinsey, lợi nhuận ngành thời trang toàn cầu năm 2020 đã giảm 93%. Đã có hơn 10 thương hiệu chuỗi cung ứng và thương hiệu thời trang lớn phá sản, cùng 200.000 lao động trong các chuỗi cung ứng thời trang tại Mỹ mất việc làm.

Dự báo tổng thể về triển vọng dệt may toàn cầu, Vitas cho hay, năm 2021, các hoạt động giao dịch thương mại đã trở lại, nhưng số lượng và đơn giá chưa bằng ngưỡng năm 2019, do đó, mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà xuất khẩu phải “liệu cơm gắp mắm” để duy trì hoạt động ở mức ổn định nhất trong trạng thái bình thường mới của thế giới. Với dệt may, để trở lại ngưỡng tiêu thụ của năm 2019, theo dự báo sáng sủa nhất cũng phải đến quý III/2022, còn theo kịch bản phục hồi chậm thì đến hết năm 2023.

Trong bối cảnh thị trường như vậy, ngành dệt may đặt mục tiêu phấn đấu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu quay trở lại ngưỡng năm 2019 với mốc 39 tỷ USD. Nếu cán đích được mục tiêu này, đồng nghĩa với việc dệt may sẽ về đích sớm hơn so với sự phục hồi của thị trường từ 3 đến 6 quý.

Theo Vitas, hàng dệt may chưa nằm ở mức thiết yếu cao như thực phẩm, thuốc men, các thiết bị bảo vệ con người, nhưng cũng thuộc nhóm sản phẩm có nhu cầu thiết yếu. Đơn hàng dệt may năm 2021 phục hồi sớm với các sản phẩm cơ bản, giá trung bình thấp và thấp. Đơn hàng sẽ chảy về nhiều hơn với những doanh nghiệp có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng.

Xuất khẩu đồ gỗ, thủy sản, dệt may sang Australia bật tăng
Xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia đạt mức tăng trưởng tới 62,08 % so với cùng kỳ 2020, gần 400 triệu USD, với nhiều mặt hàng có mức tăng đột...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư