Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Động thái tái cơ cấu tại Tập đoàn Đầu tư Thăng Long
Duy Bắc - 19/12/2023 08:34
 
Tiếp tục mô hình thâm hụt vốn trong khi kế hoạch huy động vốn chưa triển khai, Tập đoàn Đầu tư Thăng Long có dấu hiệu bán bớt tài sản.

Bán bớt tài sản khi chưa thể huy động vốn

Trong những tháng gần đây, CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (mã TIG) liên tục có động thái bán bớt tài sản.

Trong đó, Công ty vừa thông qua kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ 16 triệu cổ phần, tương đương 45,71% vốn điều lệ tại CTCP Đầu tư phát triển bất động sản và năng lượng tái tạo Việt Nam; thời gian dự kiến thực hiện trước quý II/2024.

Thêm nữa, đầu năm 2023, Tập đoàn Đầu tư Thăng Long sở hữu 45% vốn điều lệ tại CTCP Đầu tư HDE Holdings, nhưng tới cuối quý III/2023 đã không còn sở hữu cổ phần tại đơn vị này. CTCP Đầu tư HDE Holdings là đơn vị sở hữu CTCP Điện gió Thăng Long - Hướng Sơn 1 và CTCP Điện gió Thăng Long - Hướng Sơn 2. Như vậy, Công ty Điện gió Thăng Long - Hướng Sơn 1 và Điện gió Thăng Long - Hướng Sơn 2 đã chuyển từ công ty con sang công ty liên kết của Tập đoàn Đầu tư Thăng Long.

Được biết, Công ty Điện gió Thăng Long - Hướng Sơn 1 được thành lập để thực hiện Dự án Nhà máy Điện gió Thăng Long - Hướng Sơn 1 tại Quảng Trị; Công ty Điện gió Thăng Long - Hướng Sơn 2 được thành lập để triển khai Dự án Nhà máy Điện gió Thăng Long - Hướng Sơn 2 tại Quảng Trị.

Thêm nữa, Công ty Đầu tư HDE Holdings là đơn vị sở hữu và quản lý hệ thống kinh doanh và thương hiệu Hyundai Electronics, Hyundai VN Co., Ltd và một số thương hiệu khác…, đồng thời tham gia đầu tư một số dự án bất động sản.

Như vậy, sau 9 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Đầu tư Thăng Long đã giảm số lượng công ty con từ 3 công ty còn một công ty, đồng thời gián tiếp không còn chi phối hai dự án năng lượng tại tỉnh Quảng Trị.

Thực tế, Tập đoàn Đầu tư Thăng Long có động thái bán tài sản khi vẫn chưa huy động vốn thành công như kế hoạch đầu năm.

Đầu năm, Công ty thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ 24 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng để huy động 240 tỷ đồng, mức giá thấp hơn 20,6% so với giá thị trường (giá đóng cửa ngày 11/12 là 12.600 đồng/cổ phiếu).

Tập đoàn Đầu tư Thăng Long thông qua kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ 16 triệu cổ phần, tương đương 45,71% vốn điều lệ tại CTCP Đầu tư phát triển bất động sản và năng lượng tái tạo Việt Nam. Thời gian thực hiện dự kiến trước quý II/2024.

Trong đó, Công ty dự kiến chào bán cho 4 nhà đầu tư cá nhân, gồm bà Nguyễn Thị Lan Hương dự kiến mua thêm 7 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 323.935 cổ phiếu lên 7.323.935 cổ phiếu, tương ứng 3,66% vốn điều lệ; bà Phạm Thị Hồng Nhung dự kiến mua thêm 6 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 1.083.060 cổ phiếu lên 7.083.060 cổ phiếu, tương ứng 3,54% vốn điều lệ; ông Nguyễn Đức Duy dự kiến mua 6 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 6 triệu cổ phiếu, tương ứng 3% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh dự kiến mua 5 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 5 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,5% vốn điều lệ.

Tất cả 4 nhà đầu tư trên đều sở hữu dưới 5% vốn điều lệ, nên có thể bán ra sau 1 năm hạn chế chuyển nhượng mà không phải công bố thông tin giao dịch giống cổ đông lớn.

Tổng số tiền huy động 240 tỷ đồng, Công ty dự kiến dùng 192 tỷ đồng góp vốn đầu tư vào CTCP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ; 30 tỷ đồng trả nợ nhà cung cấp là CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Hà Nội; còn lại 18 tỷ đồng trả nợ nhà cung cấp CTCP Đầu tư và Thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đô. Thời gian giải ngân dự kiến từ quý II đến quý III/2023.

Thêm nữa, trong 9 tháng đầu năm 2023, Công ty tiếp tục ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 549,9 tỷ đồng (cùng kỳ âm 359,85 tỷ đồng).

Mô hình ngôi nhà thứ hai gặp khó khi kinh tế tăng trưởng chậm

Theo giới thiệu của ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Thăng Long, Tập đoàn đang sở hữu quỹ đất khoảng 1.000 ha. Trong đó, có Dự án Vườn Vua Resort & Villas quy mô 828.976 m2, triển khai từ năm 2013 đến năm 2025; Dự án sân Golf 18 hố tại Phú Thọ, tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, mới lập quy hoạch 1/2000; Dự án toà nhà hỗn hợp Viettronics tại Cầu Giấy (Hà Nội), quy mô 4.300 m2, tổng vốn đầu tư 883 tỷ đồng và đang thực hiện thủ tục pháp lý chuẩn bị đầu tư; Dự án Vân Trì Thăng Long tại huyện Đông Anh (Hà Nội), diện tích 36 ha và đang thực hiện thủ tục pháp lý; Dự án Khu nhà ở lô 8.1 quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), quy mô 3.704 m2, đang thực hiện thủ tục pháp lý…

Trong đó, dự án trọng điểm Vườn Vua Resort & Villas nằm tại Phú Thọ được giới thiệu là “ngôi nhà thứ hai”.

Thực tế, khái niệm ngôi nhà thứ hai được nhiều chủ đầu tư giới thiệu dự án ở tỉnh, vùng ven biển để kích cầu nhà đầu tư thực hiện đầu tư/đầu cơ các dự án, trong khi nhu cầu thực sự khó hấp thụ hết lượng hàng lớn.

Được biết, từ cuối năm 2022 tới nay, sức mua thị trường bất động sản suy yếu do kinh tế tăng trưởng chậm. Điều này tạo làn sóng thoái trào của dự án bất động sản ở các tỉnh, cũng như làn sóng đầu cơ đất nền.

Việc thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục tiếp tục ảnh hưởng tới các dự án “ngôi nhà thứ hai”, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch mở bán và dòng tiền đối với các chủ đầu tư. Điều này cũng khó có ngoại lệ đối với dự án trọng điểm Vườn Vua Resort & Villas của Tập đoàn Đầu tư Thăng Long.

Chưa kịp niêm yết cổ phiếu, TIG đã muốn chốt lãi toàn bộ cổ phiếu tại HDE Holdings
CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (mã TIG - sàn HNX) thông qua kế hoạch bán toàn bộ vốn tại Công ty liên kết CTCP Đầu tư HDE Holdings, lãi tối thiểu 9,9...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư