Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Dư 5,9 triệu tấn carbon, Bộ Nông nghiệp muốn bán đấu giá
Nhung Bùi - 22/03/2024 14:51
 
Trong số 5,9 triệu tấn carbon còn dư, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn muốn chuyển nhượng 1 triệu tấn cho Ngân hàng Thế giới, số còn lại có thể thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế.

Thông tin này được đề xuất trong báo cáo Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn gửi Thủ tướng Chính Phủ, liên quan đến tình hình triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ và đề xuất chuyển nhượng lượng giảm phát thải khí nhà kính còn dư thuộc giai đoạn 2018 - 2019.

Theo đó, năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng thế giới (WB) với tư cách là bên được ủy thác của Quỹ Đối tác Carbon lâm nghiệp (FCPF) đã cùng ký Thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA).

Theo thoả thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon ở vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2018 - 2024 cho FCPF thông qua WB với đơn giá theo thỏa thuận là 5 USD/tấn carbon, tương đương 51,5 triệu USD. Trong đó, khoảng 95% kết quả chuyển nhượng sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính (NDC).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon theo ERPA đã ký, lượng giảm phát thải giai đoạn 2018 - 2019 của Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn carbon. Với lượng giảm phát thải còn dư này, Bộ đề xuất Thủ tướng cho phép tiếp tục chuyển nhượng cho WB 1 triệu tấn carbon với giá 5 USD/tấn carbon, trong đó khoảng 95% kết quả chuyển nhượng này sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào NDC. Nếu được Thủ tướng đồng ý, Bộ dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục chuyển nhượng trước ngày 31/3/2024.

Đối với 4,91 triệu tấn giảm phát thải còn lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói rằng phía WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tiếp cận với các đối tác tiềm năng để thương mại, trong đó có phương án thí điểm đấu giá kết quả giảm phát thải.

Trường hợp thực hiện theo phương thức thí điểm đấu giá, báo cáo đề xuất giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn xây dựng phương án thí điểm đấu giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn chung các Bộ và điạ phương đều đồng thuận việc chuyển nhượng bổ sung cho WB. Chỉ có Bộ Tài chính và một số địa phương đề nghị xem xét về mức giá chuyển nhượng hoặc xem xét phương án chuyển nhượng cho đối tác khác ngoài WB.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thấy rằng kết quả giảm phát thải chuyển nhượng cho WB là kết quả tạo ra trong quá khứ (giai đoạn 2018-2019), nên rất khó có thể tìm kiếm các đối tác khác để thực hiện trao đổi, thương mại… Do vậy, việc xây dựng kế hoạch sử dụng đối với lượng giảm phát thải 4,91 triệu tấn carbon còn lại là cần thiết.

Trước đó, ngày 21/3, Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng. Theo WB, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp của WB.

Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon cần được bắt đầu ngay từ bây giờ
Ông Muthukumara S. Mani, Chuyên gia trưởng về kinh tế môi trường và biến đổi khí hậu vùng Đông Nam Á, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, TP.HCM có cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư