Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Dự án 19 tỷ USD của PVN là có cơ sở
Thanh Hương - 19/12/2022 08:26
 
Theo Bộ Công thương, đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc nghiên cứu đầu tư Tổ hợp lọc hóa dầu và Kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn với quy mô 19 tỷ USD là có cơ sở.

Nhập khẩu xăng dầu và hóa dầu tiếp tục tăng

Theo Bộ Công thương, tổng lượng xăng dầu sản xuất trong nước hiện khoảng 14 triệu tấn/năm, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu hiện tại trong nước. Đối với các sản phẩm hóa dầu là PP và PE, phần trong nước sản xuất được khoảng 2,55 triệu tấn, cũng mới đáp ứng được trên 50% nhu cầu. Lượng xăng dầu và sản phẩm hóa dầu thiếu hụt và phải đáp ứng bằng nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng đến năm 2045, với 12 triệu tấn xăng dầu/năm và 3,5 triệu tấn sản phẩm hoá dầu/năm.

Tới cuối năm 2021, sức chứa của các kho xăng dầu trên cả nước là 6,4 triệu m3 và đều là kho thương mại do các doanh nghiệp quản lý. Các kho này về cơ bản chỉ đáp ứng được nhu cầu kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp. Lượng sức chứa cho Nhà nước thuê để bảo quản hàng dự trữ quốc gia không nhiều, chỉ chiếm từ 5-10%. Ngoài ra, các dự án kho dự trữ dầu thô quốc gia tại Dung Quất, Quảng Ngãi (1 triệu m3), tại Nghi Sơn, Thanh Hóa (1 triệu m3), hay tại Long Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu (1 triệu m3) đều chưa được triển khai.

Theo PVN, dự kiến Tổ hợp lọc hóa dầu và Kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu sẽ sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu dầu thô, khí và condensate trong nước. Nguyên liệu dầu thô thiếu hụt sẽ nhập khẩu từ Trung Đông, Mỹ, tùy vào quy mô công suất tổ hợp. Tổ hợp được chia làm 2 phần là Dự án Lọc hóa dầu và Dự án Kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu.

PVN dự kiến thời điểm đủ điều kiện hồ sơ để đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là tháng 1/2023. Tiếp đó là lập Báo cáo nghiên cứu khả thi từ tháng 6-12/2023 và tới quý I/2024 sẽ có phê duyệt quyết định đầu tư. Sau đó, sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu EPC và xây dựng trong thời gian từ tháng 1/2024 đến tháng 12/2027.

Khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư của cả Tổ hợp trong giai đoạn I từ 12,5 đến 13,5 tỷ USD và giai đoạn II là 4,5 - 4,8 tỷ USD.

Bởi vậy, theo Bộ Công thương, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, nguy cơ đứt gãy nguồn cung năng lượng, giá năng lượng tăng cao, thì việc đảm bảo an ninh năng lượng, trong đó có nguồn cung xăng dầu, nâng năng lực dự trữ dầu thô và xăng dầu quốc gia là hết sức cần thiết. Đồng thời, Bộ đề nghị Chính phủ chỉ đạo PVN tiếp tục triển khai nghiên cứu dự án, bổ sung các nội dung được các bộ, ngành góp ý kiến.

Trong góp ý của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc PVN kiến nghị bổ sung dự án lọc hóa dầu với công suất 12-13 triệu tấn/năm, tiến độ đầu tư 2024-2027 vào quy hoạch là phù hợp với chiến lượng phát triển năng lượng quốc gia, chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, quy hoạch ngành dầu khí Việt Nam và phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu dùng xăng dầu trong nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Chính phủ xem xét, thông qua trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Trong báo cáo quy hoạch này, định hướng phát triển và phân bố không gian hạ tầng năng lượng có nhắc tới việc tiếp tục duy trì hình thức thuê kho tại các kho xăng dầu đầu mối tại các khu vực/vùng với kho sản phẩm xăng dầu.

Còn kho dầu thô sẽ theo hướng ưu tiên bố trí xây dựng hệ thống các kho dự trữ gần hoặc liền kề các nhà máy lọc dầu để thuận lợi cho việc cung ứng trong trường hợp khẩn cấp cho các nhà máy lọc hóa dầu. Quy mô mỗi kho là 1 triệu m3 tại Dung Quất, Nghi Sơn và Long Sơn.

Xem xét tính bền vững

Theo góp ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, với định hướng chuyển dịch năng lượng xanh hiện nay của Chính phủ nhằm hướng tới các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch như hydro xanh, ethanol xanh…, chủ đầu tư cần xem xét tính bền vững của dự án trong dài hạn, cũng như xác định quy mô hợp lý của dự án để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong quá trình phân tích cơ hội đầu tư, cần nhận định và cân nhắc thận trọng tác động của việc phát sinh các nguồn khí thải đến chất lượng môi trường không khí khu vực, khả năng chịu tải của môi trường không khí, ảnh hưởng tới các vùng nuôi trồng thủy hải sản khu vực vịnh Gềnh Rái và sức chịu tải của khu vực biển. Đồng thời, cần đánh giá hiện trạng về nguồn nước, tình trạng ô nhiễm nguồn nước có xét tới kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản năm 2020.

Chia sẻ quan điểm nếu đầu tư thêm nhà máy lọc hóa dầu, sẽ góp phần nâng cao năng lực sản xuất trong nước, chủ động nguồn cung, đáp ứng một phần nhu cầu thị trường sản phẩm năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị Bộ Công thương làm rõ sự cần thiết đầu tư của dự án. Đồng thời, đề nghị PVN tính toán, xác định quy mô, tiến độ đầu tư phù hợp, đề xuất bổ sung dự án vào các quy hoạch ngành liên quan.

Trong đề nghị này, PVN cần đánh giá tình hình thăm dò, khai thác dầu khí trong nước, khả năng sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu ổn định, lâu dài làm nguyên liệu đầu vào của dự án, đảm bảo mục tiêu gia tăng giá trị sử dụng tài nguyên dầu khí, phù hợp với nhu cầu sử dụng sản phẩm lọc hóa dầu trong nước lẫn an ninh năng lượng quốc gia.

Tất nhiên, vấn đề chuyển dịch năng lượng cũng được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đặt ra trong quá trình tính toán dự án.

Góp ý cho quy mô vốn đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, với khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án rất lớn, giai đoạn I là 12,5-13,5 tỷ USD; giai đoạn II là 4,5-4,8 tỷ USD, PVN cần báo cáo về khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển của mình tới năm 2030 để đảm bảo khả năng, nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm dầu khí, nhiệm vụ được Chính phủ giao, cũng như phương án huy động vốn đầu tư.

Cơ hội thoát bế tắc cho Chuỗi dự án khí điện Lô B quy mô 15 tỷ USD
Bộ Công thương đã thống nhất với kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư