Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dự án Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Long An: Đấu thầu… rối như canh hẹ!
Ngọc Tuấn - 25/07/2016 08:44
 
Không chỉ đình đám về chậm tiến độ, Dự án Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Long An, công trình trọng điểm có vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, còn đang lùm xùm bởi công tác lựa chọn nhà thầu, với những khúc mắc khiến việc đấu thầu các gói thầu dự án này... rối như canh hẹ.

Triệt hạ nhà thầu… bằng mọi cách

Sau khi yêu cầu cung cấp hàng nhập ngoại của gói thầu số 26 (cung cấp máy phát điện 1500 KVA - phụ kiện) bị UBND tỉnh Long An “tuýt còi”, hồ sơ mời thầu của gói thầu này được chỉnh sửa và mời thầu trở lại. Tuy nhiên, theo ý kiến từ các nhà thầu, hồ sơ mời thầu (HSMT) tiếp tục nảy sinh “gai góc”, khiến việc đấu thầu chưa đi đến hồi kết. Được phê duyệt tại quyết định số 07/QĐ-SYT của Sở Y tế tỉnh Long An, HSMT gói thầu 26 được phát hành ngày 26/1/2016 và có 4 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). Ngày 13/6/2016, nhà thầu Công ty cổ phần Sáng Ban Mai (SBM) nhận được thông báo không trúng thầu từ chủ đầu tư.

Theo thông báo của chủ đầu tư, nhà thầu SBM bị loại bởi 4 lý do: cam kết bảo lãnh tín dụng không hợp lệ do thiếu ủy quyền kèm theo; nhân sự chủ chốt không đúng chuyên ngành; thông số kỹ thuật của tổ máy phát điện thể hiện tại hồ sơ dự thầu sai lệch với catalog đính kèm; đầu phát điện và tổ máy phát điện không tương thích.  

Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi Long An sau 5 năm triển khai. Ảnh: Ngọc Tuấn
Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi Long An sau 5 năm triển khai. Ảnh: Ngọc Tuấn

Tuy nhiên, những lý lẽ được SBM đưa ra lại khác hoàn toàn với nhận định của tư vấn chấm thầu. Theo đó, SBM cho rằng, bảo lãnh tín dụng của họ hoàn toàn hợp lệ và phù hợp với các quy định ủy quyền, phân cấp tại Ngân hàng Ngoại thương. Về nhân sự chủ chốt, HSDT của SBM cung cấp đủ 3 kỹ sư như HSMT yêu cầu. 

Về thông số kỹ thuật, HSMT yêu cầu công suất liên tục 1500 KVA/1200 KVA tiêu hao nhiên liệu mức 75% tải liên tục ≤ 226 lít/giờ, 50% tải liên tục ≤ 162 lít/giờ. Nhà thầu SBM tham gia dự thầu tổ máy GENPACS GP1650S, công suất 1500 KVA/1200 KVA có mức tiêu hao nhiên liệu 75% tải liên tục ≤ 225 lít/giờ, 50% tải liên tục ≤ 160 lít/giờ (có kèm theo catalog) là hoàn toàn đáp ứng kỹ thuật mà HSMT yêu cầu. Đặc biệt, về tiêu chí đầu phát điện, HSMT yêu cầu công suất liên tục 1500 KVA tại cấp tăng nhiệt là cấp F (105 độ C chế độ liên tục, 125 độ C chế độ dự phòng), cao hơn mức tiêu chuẩn thông thường là cấp H. Theo nhà thầu, đây là yêu cầu đặc biệt cao, do đó, SBM dự thầu tổ máy GP1650S đặc biệt với đầu phát LEROYSOMER model LSA 52.3S5, công suất 1700 KVA tại cấp tăng nhiệt cấp F. Việc lựa chọn đầu phát điện có công suất lớn hơn yêu cầu HSMT là tốt hơn cho tổ máy phát điện. Với lý giải trên, nhà thầu cho rằng, đánh giá vô lý như vậy, chỉ có thể là sự chủ ý loại bỏ nhà thầu này.

Không đồng ý và cho rằng, chủ đầu tư tìm mọi cách “triệt hạ” mình, ngày 8/7/2016, nhà thầu SBM tiếp tục có văn bản khiếu nại kết quả chấm thầu. Ngoài ra, SBM còn chỉ ra sự bất nhất trong việc đánh giá HSDT, thay vì trả lời cho khiếu nại “không có kỹ sư tốt nghiệp các chuyên ngành tự động hóa cung cấp điện hoặc các ngành kỹ thuật điện điều khiển”, thì chủ đầu tư lại bất ngờ xoay sang “nhân sự chủ chốt không đạt về yêu cầu kinh nghiệm”. Không chỉ có vậy, SBM còn chỉ ra rằng, ngoài việc kỹ sư của họ có thời gian kinh nghiệm cao hơn yêu cầu của HSDT, thì yêu cầu “cán bộ kỹ thuật có 7 năm kinh nghiệm” không dựa trên bất kỳ quy định pháp lý nào.

Trước những bức xúc của nhà thầu SBM, trong buổi làm việc với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Y tế Long An khẳng định, việc chấm thầu là chính xác. Đối diện với sự kiên quyết của chủ đầu tư, đại diện nhà thầu SBM nói: “Theo quy trình, chúng tôi đang khiếu nại lên UBND tỉnh Long An. Chúng tôi cũng để ngỏ khả năng khiếu nại đến Cục Quản lý Đầu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nếu những khiếu nại của chúng tôi không được xem xét khách quan, đúng luật”.

Với những diễn biến nêu trên, kịch bản việc đấu thầu gói số 26 sẽ không sớm “an bài” và không loại trừ khả năng phức tạp trong thời gian tới. 

Tư vấn… không thuộc luật

Trước việc phải thực hiện dự án có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp, UBND tỉnh Long An đã yêu cầu Sở Y tế lựa chọn tư vấn đấu thầu đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện. Tuy nhiên, khi Công ty cổ phần Quản lý xây dựng Thăng Long được Sở Y tế tỉnh Long An chọn là đơn vị tư vấn lập HSMT gói thầu số 20 (cung cấp, lắp đặt thang máy), các nhà thầu tham dự gói thầu này đã không tránh khỏi nghi ngại về sự ưu ái này. Sự nghi ngại đó xuất phát từ việc, ngay trước đó, hồ sơ mời thầu do công ty này lập đã bị UBND tỉnh chỉ đạo “tạm dừng để rà soát vì có sai sót”.

Và sự nghi ngại của các nhà thầu đã trở thành hiện thực, khi HSMT gói 20 (phát hành ngày 13/7/2016) đã bị chỉ ra vô số “sạn”.

HSMT gói thầu 20 được Sở Y tế tỉnh Long An phê duyệt theo Quyết định số 165/QĐ-SYT ngày 1/7/2016. Theo đó, chủ đầu tư mời thầu cung cấp 13 bộ thang máy tải gường bệnh, tải khách. Tùy từng loại cụ thể gói thầu yêu cầu thang máy có tải trọng từ 825 kg - 1600 kg, từ 4 đến 8 điểm dừng, vận tốc từ 60 m/phút - 90m/phút, điều khiển đơn hoặc nhóm đôi, sản phẩm mới 100%, sản xuất năm 2016 trở về sau… Và điều đáng nói nhất ở gói thầu này là, 13 bộ thang máy phải là hàng “nhập khẩu 100% nguyên đai nguyên kiện, có đặc tính kỹ thuật kèm theo”. 

Ngoài ra, đại diện nhà thầu TNE còn “điểm mặt” hàng loạt bất hợp lý trong HSMT. Chẳng hạn, vị trí Chỉ huy trưởng phải có tới 11 loại chứng chỉ khác nhau; hãng thang máy phải có chứng nhận là hội viên của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam; nhà thầu phải có doanh thu trung bình tối thiểu 52 tỷ đồng/năm, với yêu cầu 3 hợp đồng kinh nghiệm tương tự, trong đó có ít nhất 1 hợp đồng có giá trị tối thiểu 30 tỷ đồng. Cùng những yêu cầu trên, HSMT còn cài thêm điều kiện “thiết bị được sản xuất đạt tiêu chuẩn EU, G7 và đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn EN 81” vào Mục 42 về điều kiện ký kết hợp đồng.

“Những mâu thuẫn trong HSMT khiến tôi không tin vào mắt mình, khi trong mục ưu đãi nhà thầu đưa ra nguyên tắc nhà thầu được hưởng ưu đãi khi cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên. Tuy nhiên, trong phần yêu cầu phạm vi cung cấp lại là hàng nhập khẩu 100% nguyên đai, nguyên kiện”, nhà thầu TNE nói và cho biết thêm, với gói thầu này, nếu hàng hóa trong nước được tham gia bình đẳng và trúng thầu thì giá gói thầu chỉ là 15 tỷ đồng, trong khi hàng nhập từ Trung Quốc có chi phí khoảng 23 tỷ đồng và hàng xuất xứ EU là trên 33 tỷ đồng. “Việc HSMT đưa điều kiện hàng nhập khẩu 100% là hành vi phân biệt đối xử với hàng hóa sản xuất trong nước. Hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu này có thể sẽ làm thiệt hại hàng tỷ đồng cho ngân sách nhà nước”, vị đại diện này nêu ý kiến.

Trước những bất cập nêu trên, trong buổi làm việc với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn (ngày 20/7/2016), Giám đốc Sở Y tế Long An khẳng định, Sở sẽ xem xét để chỉnh sửa ngay những bất cập và thông báo tới các nhà thầu, nhưng yêu cầu hàng nhập khẩu là chủ trương của… UBND tỉnh Long An!.

Cần nói thêm rằng, sau hàng loạt cảnh báo của Báo Đầu tư Online - Baodaut, đây tiếp tục là một hành động phớt lờ Quyết định 8249/QĐ - BCT mà Bộ Công thương đã ban hành bổ sung Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được.

Đấu thầu cung cấp thang máy Bệnh viện Lao tỉnh Kiên Giang: Lãnh đạo vào cuộc, hàng Việt… có cửa sống!
Vừa phát đi thông báo và bán hồ sơ mời thầu, cuộc đua giành quyền cung cấp hệ thống thang máy cho Bệnh viện Lao tỉnh Kiên Giang đã “nóng”. Tuy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư