Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Nguy cơ vỡ trận
Anh Minh - 27/03/2018 10:04
 
Nhà đầu tư Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ còn 2 tháng để thu xếp xong nguồn vốn tín dụng nếu không muốn bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hợp đồng.

Tối hậu thư

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa chính thức gia hạn thời gian ký kết hợp đồng tín dụng cho Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo đề nghị của doanh nghiệp dự án là CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trong văn bản gửi nhà đầu tư vào giữa tuần trước, Bộ GTVT chấp thuận gia hạn thời hạn ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng, tổ chức tín dụng đến hết ngày 31/5/2018. “Hết thời hạn này, nếu doanh nghiệp dự án chưa ký được hợp đồng vay đủ 100% phần vốn vay để thực hiện Dự án, thì Bộ GTVT sẽ chấm dứt Hợp đồng BOT, tịch thu Bảo lãnh thực hiện hợp đồng và xử phạt theo các quy định hiện hành”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết.

Hoạt động thi công trên công trường xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận diễn ra theo kiểu cầm chừng
Hoạt động thi công trên công trường xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận diễn ra theo kiểu cầm chừng

Khởi động từ tháng 2/2015, Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được kỳ vọng hoàn thành trước năm 2020. Việc huy động vốn tín dụng (khoảng 8.100 tỷ đồng) được nhà đầu tư cam kết hoàn thành vào ngày 10/10/2017, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tại văn bản gửi Bộ GTVT vào tháng 2/2018, ông Dương Hồ Minh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền) khẳng định, việc nhà đầu tư bất lực trong việc ký hợp đồng tín dụng như cam kết, là đủ điều kiện để chấm dứt hợp đồng BOT.

Bế tắc trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng khiến công tác thi công trên công trường theo kiểu cầm chừng. Khối lượng thực hiện tính đến đầu tháng 3/2018 chỉ đạt khoảng 100 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư Dự án này lên tới 9.600 tỷ đồng.

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ công trình được tổ chức vào đầu tháng 3/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã bày tỏ quan ngại lớn, bởi với tiến độ và tình hình hiện nay, nguy cơ dự án không thể hoàn thành theo tiến độ mà bộ này đã báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội. 

Nút thắt trần lãi suất

Theo ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận hiện nhà đầu tư đã đạt thỏa thuận với 4 ngân hàng là VietinBank, BIDV, Agribank, VPB để tài trợ vốn tín dụng cho Dự án. Tuy nhiên, để ký hợp đồng tín dụng chính thức với các ngân hàng, Dự án phải được áp dụng Thông tư số 75/2017TT-BCT của Bộ Tài chính về quản lý tài chính tại các dự án PPP - một điều kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư.

Do nguồn vốn tín dụng chiếm khoảng 85% cơ cấu tổng mức đầu tư của Dự án, nêncác ngân hàng lo ngại nhà đầu tư không có nguồn để trả phần bù lỗ. Đây là tình trạng khá phổ biến đối với một số dự án BOT triển khai sau năm 2016.

Nhận thấy sự bất cập này, Bộ Tài chính đã có Thông tư 75/2017- TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 55/2016/TT-BTC, cho phép nâng trần lãi suất vốn vay từ 1,3 lần lên 1,5 lần lãi suất phát hành Trái phiếu Chính phủ hoặc áp dụng mức lãi suất cho vay bình quân trung hạn và dài hạn tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Oái oăm ở chỗ, Thông tư số 75 lại không đề cập các điều khoản chuyển tiếp cho các dự án đã ký kết hợp đồng BOT, nhưng đang trong giai đoạn triển khai thi công, trong đó có Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Được biết, vào ngày 4/1/2018, tại cuộc họp về xử lý các vướng mắc trong xác định lãi suất vốn vay đối với hai dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Bắc Giang - Lạng Sơn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện, việc sửa đổi bổ sung Thông tư 55/2016/TT-BTC ngày 23/3/2016 và Thông tư 75/2017/TT-BTC ngày 21/7/2017 phù hợp với quy định hiện hành và yêu cầu thực tế, trong đó có quy định chuyển tiếp đối 2 dự án nêu trên. Tuy nhiên, đến nay đã sau hơn 2 tháng, việc xử lý vướng mắc trong xác định lãi suất vốn vay tại 2 dự án BOT này vẫn “dậm chân tại chỗ”.

“Nếu Bộ Tài chính không sớm cởi nút thắt này, thì dù gia hạn thêm 2 tháng, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng khó có thể ký được hợp đồng tín dụng cho Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Khi đó, Dự án sẽ bị đổ vỡ gây hệ lụy xấu cho cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước”, một chuyên gia dự đoán.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ bắt đầu hoạt động từ 2019
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra các Dự án đầu tư xây dựng đường cao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư