Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dự án cầu Cát Lái chưa hẹn ngày khởi động
Ngọc Tuấn - 19/05/2021 10:19
 
Được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch từ năm 2017, song đến nay, Dự án Xây dựng cầu Cát Lái chưa có tiến triển đáng kể, bởi chưa chốt được phương án hướng tuyến.
Dự án Xây dựng cầu Cát Lái chưa chốt được phương án hướng tuyến.

Dự án Xây dựng cầu Cát Lái với mục tiêu thay thế phà Cát Lái kết nối trực tiếp TP. Thủ Đức (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) được xem là dự án quan trọng cho vùng Đông Nam bộ, giúp hình thành tuyến kết nối thứ 2 giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với TP.HCM, bên cạnh tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với TP.HCM thực hiện Dự án Xây dựng cầu Cát Lái. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng 3 phương án hướng tuyến để các cơ quan chức năng TP.HCM xem xét, lựa chọn phương án phù hợp. Trong 3 phương án, TP.HCM chấp thuận phương án nào thì tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai phương án đó.

Tuy nhiên, hơn một năm qua, sau nhiều lần họp bàn, TP.HCM và tỉnh Đồng Nai vẫn chưa “chốt” được phương án hướng tuyến nào. Khúc mắc lớn nhất là các phương án được đề xuất chưa giải quyết thấu đáo những ảnh hưởng đến hoạt động của cảng Cát Lái, cũng như điều tiết lưu lượng phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Thị Định ra vào nút giao Mỹ Thủy.

Mới đây, Thông báo số 3815/TB-SGTVT ngày 16/4/2021 của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM nhận định, phương án 2 về cơ bản đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động hiện hữu của cảng Cát Lái, cũng như tiết giảm lưu lượng giao thông trên đường Nguyễn Thị Định ra vào nút giao Mỹ Thủy. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm một số điểm.

Theo phương án 2 (Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải là đơn vị tư vấn thiết kế), chiều dài tuyến của Dự án Xây dựng cầu Cát Lái là hơn 10,6 km. Trên tuyến sẽ bố trí các nút giao cắt tại các vị trí giao cắt với đường Vành đai 2 (nút giao khác mức), nút giao cắt với đường Phạm Thái Bường và đường ĐT.25C (nút giao ngã tư giao bằng) và tại cuối dự án kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành bằng nút giao ngã ba dạng trumpet (dạng loa kèn).

Với phương án trên, hướng tuyến cầu Cát Lái được xác định có điểm đầu giao cắt với đường Vành đai 2 tại cầu Kỳ Hà 3 và 4, tuyến đi dọc theo hành lang xanh của rạch Ngọn Ngay và vượt sông Đồng Nai. Sau khi sang phía Đồng Nai, tuyến đi qua khu vực đất nông nghiệp thuộc các xã Phú Hữu và Phú Đông (huyện Nhơn Trạch) và cắt qua đường ĐT.25C, kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành tại điểm cuối.

Theo đơn vị tư vấn thiết kế, phương án 2 với dạng thức nút giao với đường Vành đai 2 là nút ngã ba liên thông tuy không tạo được kết nối trực tiếp với khu trung tâm TP.HCM, nhưng có khối lượng giải phóng mặt bằng ít. Đồng thời, phương án này ảnh hưởng ít tới các dự án hiện hữu như Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B, Khu công nghiệp Cát Lái và khu trung tâm môi trường Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đặc biệt, tổng mức đầu tư của Dự án là thấp nhất.

Việc chưa chốt được phương án hướng tuyến khiến hàng loạt thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án Xây dựng cầu Cát Lái chưa thể “chạy”, vì đầu chưa xuôi, thì đuôi chưa thể lọt. Bởi vậy, mốc thời gian bấm nút khởi động Dự án chưa thể được ấn định và số phận dự án trọng điểm này còn chênh vênh.  

Dù về cơ bản, phương án 2 đã khắc phục được các tồn tại khi xây dựng cầu Cát Lái, nhưng Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho rằng, còn có một số điểm cần phải rà soát, đánh giá để điều chỉnh, bổ sung thành phương án tối ưu. Đó là việc xác định vị trí kết nối của các nhánh lên xuống cầu trên mặt cắt ngang đường vành đai 2, đảm bảo tổ chức giao thông thuận lợi, đảm bảo hành lang an toàn cầu; rà soát đánh giá khả năng thông hành của tuyến vành đai 2 trên cơ sở ưu tiên các làn xe đi thẳng, đảm bảo không gây ùn tắc giao thông trên đường vành đai 2...

Được biết, đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất phân chia Dự án Xây dựng cầu Cát Lái thành 2 dự án thành phần. Dự kiến, tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án khoảng 9.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP.HCM tham gia khoảng 1.300 tỷ đồng.

Hiện liên doanh Tổng công ty IDICO và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 đã đề nghị đầu tư cầu Cát Lái theo hình thức đối tác công - tư. UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, trình UBND tỉnh xem xét, chấp thuận để làm cơ sở đăng tải thông tin lựa chọn nhà đầu tư, lập đề xuất dự án theo quy định.     

Phương án điểm kết nối cầu Cát Lái của Đồng Nai ảnh hưởng quy hoạch TP.HCM
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, phương án hướng tuyến xây cầu Cát Lái của Đồng Nai làm thay đối phương án kết nối giao thông các tuyến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư