Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dự án “tai tiếng” Xơ sợi Đình Vũ: Đã nhắc tới chuyện thoái vốn nhà nước
Hải Yến - 31/05/2018 08:04
 
Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ dù mới được đưa vào vận hành trở lại một thời gian ngắn, nhưng được kỳ vọng kinh doanh tốt để sớm thoái được vốn nhà nước.

Sống lại và thoái vốn 

Sau nhiều lần lỡ hẹn, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) đã khởi động lại một phần Phân xưởng DTY vào ngày 20/4/2018. Với việc đưa dây chuyền kéo sợi Filament của Nhà máy vào sản xuất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như các cổ đông đang đi những bước thận trọng trong việc tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ khó khăn để dần đưa nhà máy này vận hành trở lại một cách ổn định, hiệu quả.

PVTEX đang đi những bước thận trọng để dần đưa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vận hành trở lại một cách ổn định, hiệu quả. Ảnh: Đ.T
PVTEX đang đi những bước thận trọng để dần đưa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vận hành trở lại một cách ổn định, hiệu quả. Ảnh: Đ.T

Tại phiên giải trình trước Quốc hội tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng cho hay, sau hơn 1 tháng đưa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vận hành trở lại, PVTEX đã ký hợp đồng để bao tiêu sản phẩm của Nhà máy với các đối tác trong và ngoài nước. Một phần dây chuyền sản xuất vừa được vận hành trở lại đang trong quá trình vận hành theo đúng kế hoạch và PVTEX dự kiến đưa vào hoạt động toàn bộ các dây chuyền sản xuất còn lại trong cuối năm 2018.

Cụ thể, PVTEX đã tiến hành ký Biên bản ghi nhớ hợp tác sản xuất - kinh doanh với Liên danh Tập đoàn An Phát cùng Tập đoàn Reliance Industry Ltd. (Ấn Độ) đang hoạt động trong lĩnh vực lọc hóa dầu và xơ sợi cùng Công ty Fortrec Chemicals & Petroleum Pte. Ltd. (Singapore) chuyên cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực xơ sợi.

Với kinh nghiệm quản lý sản xuất trong lĩnh vực nhựa công nghiệp, Tập đoàn An Phát đã tiến hành làm việc với các đối tác trong và ngoài nước có kinh nghiệm trong việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm polyester để thống nhất phương án cùng hợp tác sản xuất với PVTEX trong thời gian tới.

“Ngành công thương sẽ xem xét để tiếp tục thực hiện các biện pháp thoái vốn nhà nước khỏi dự án này khi hoạt động kinh doanh bắt đầu có hiệu quả”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Có lạc quan quá sớm?

Kỳ vọng thoái vốn nhà nước khỏi dự án có quy mô trên 7.000 tỷ đồng vừa mới khởi động trở lại sau gần 3 năm dừng hoạt động dẫu là mong muốn cháy bỏng của ngành công thương, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

“Chúng ta hoàn toàn có thể tính đến phương án thoái vốn và đưa dự án ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ khi được tái cơ cấu đúng hướng và có sự vào cuộc đồng bộ, hết mình từ các bên liên quan”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết khi lấy dẫn chứng một dự án “anh em” thua lỗ khác là Gang thép Thái Nguyên đang thực hiện đúng lộ trình và đã thoái được 1.000 tỷ đồng vốn nhà nước của Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). 

Số liệu của PVN cho thấy, trong năm 2017, PVTEX đã lỗ thêm 584 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế tới cuối năm 2017 lên con số 3.830 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.578 tỷ đồng, nợ phải thu 56,6 tỷ đồng, trong khi tổng nợ phải trả là 7.302 tỷ đồng. Với hiện trạng hết sức khó khăn của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ trước thời điểm đưa vào vận hành trở lại một phần phân xưởng sợi, mục tiêu hiện nay là làm sao để Nhà máy vận hành ổn định và tiêu thụ sản phẩm tốt. 

Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ
Tổng vốn đầu tư: 325 triệu USD, tương đương hơn 7.000 tỷ đồng.
Cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN, nắm giữ trên 75% vốn cổ phần) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo).

Để khởi động lại Nhà máy ở quy mô hiện tại, tổng số tiền hỗ trợ tối thiểu là gần 41,98 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 8 tỷ đồng là chi tạm ứng hỗ trợ bổ sung lưu động từ nguồn quỹ tương trợ dầu khí để sản xuất - kinh doanh sợi DTY và POY. 

Số tiền 33,98 tỷ đồng còn lại là khoản chi có hoàn trả nhằm đáp ứng nhu cầu kinh phí tối thiểu thực hiện kế hoạch khởi động lại Nhà máy. Số tiền này sẽ được chi vào việc trả nợ cho Khu công nghiệp Đình Vũ, theo phán quyết của tòa án và một nhà cung cấp khác, nhằm đáp ứng yêu cầu về điện, nước… cho Nhà máy vận hành (khoảng 22,98 tỷ đồng) và chi phí tối thiểu duy trì hoạt động của Nhà máy trong khoảng thời gian 3 tháng (11 tỷ đồng).

PVN cũng đã lường hết được những khó khăn, trở ngại có thể xảy ra khi Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ hoạt động trở lại, bởi nguồn vốn cung ứng trên chỉ có thể giúp Nhà máy duy trì khoảng 3 tháng. Sau giai đoạn này, các cổ đông phải hỗ trợ bằng cách bơm thêm vốn để Nhà máy tiếp tục sản xuất, kinh doanh, theo phương án đã được duyệt. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là sẽ không cấp thêm một đồng vốn nào cho cả 12 dự án thua lỗ và Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ cũng không ngoại lệ.

Đại diện PVTEX cho hay, sau 10 ngày khởi động sản xuất, tính đến ngày 30/4/2018, Nhà máy đã sản xuất 46,7 tấn sợi, trong đó 94% sản phẩm sản xuất đạt loại A. Kết quả vận hành ban đầu cho thấy, máy móc hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm tốt, được khách hàng đánh giá cao. 

Trong tháng 5 này, PVTEX cũng chạy đủ 6 dây chuyền của phân xưởng kéo sợi và cho ra 200 tấn sợi sản phẩm. “Các cổ đông và PVTEX đang xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu, nhằm từng bước khởi động lại toàn bộ Nhà máy và đưa Nhà máy thoát khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ của ngành công thương”, Ban lãnh đạo PVTEX cho hay.

Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ sẽ "ra lò" 200 tấn sợi trong tháng 5
Sau 10 ngày đưa vào vận hành trở lại, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã sản xuất gần 47 tấn sợi, trong đó có 94% sản phẩm đạt chất lượng loại A.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư