Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II: Đội giá đầu tư 2.000 tỷ đồng
Duy Hữu - 19/12/2014 07:51
 
Khó khăn trong giải phóng mặt bằng (do không xác định được nguồn gốc đất) đã đẩy Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II vào tình trạng chậm tiến độ, khiến chi phí đầu tư bị đội vốn thêm 2.000 tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Metro Bến Thành - Suối Tiên chênh 7.000 tỷ chưa "cập nhật"
Các đại dự án đường sắt đô thị: Đội vốn, không hẹn ngày về đích
Thanh tra lương tại doanh nghiệp công ích
'Chủ tịch DN công ích nhận lương tiền tỷ là sai phạm'
"Choáng" với lương GĐ Công ty Thoát nước đô thị: 2,6 tỷ đồng/năm

Người dân bức xúc vì thi công “rùa”

Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định 4315/QĐ-UBND ngày 28/9/2006. Mục tiêu đầu tư của Dự án là chống ngập úng Thành phố trong lưu vực sông Tô Lịch do nước mưa; cải thiện môi trường cho lưu vực sông Tô Lịch, là cơ sở để hoàn thiện và phát triển hạ tầng, tạo cảnh quan đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của Hà Nội.

Đây là bước tiếp theo của Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn I, nhằm đáp ứng các mục tiêu và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội, bảo vệ môi trường Thủ đô. Chủ đầu tư Dự án là Sở Xây dựng Hà Nội, đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án Thoát nước Hà Nội.

Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II: Đội giá đầu tư 2.000 tỷ đồng
Mặt bằng là một trong những nguyên nhân khiến Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II chậm tiến độ, khiến chi phí đầu tư bị đội vốn thêm 2.000 tỷ đồng

Cũng theo Quyết định 4315, thời gian thực hiện Dự án từ tháng 12/2006 đến tháng 10/2010.

Đến ngày 12/6/2008, UBND TP. Hà Nội lại ra Quyết định 2304/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư và kế hoạch đấu thầu của Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II”.

Quyết định đã bổ sung một số hạng mục đầu tư của Dự án, gồm: cống hóa mương Vôi Ba Nhất chiều dài khoảng 250 m trên địa bàn quận Hai Bà Trưng nối ra sông Sét; Cống hóa mương Giáp Nhị chiều dài khoảng 150 m và cải tạo cầu L1 trên địa bàn quận Hoàng Mai; Cống hóa mương Phương Mai từ phố Lương Định Của đến sông Lừ dài khoảng 320 m trên địa bàn quận Đống Đa… Cải tạo, nạo vét một số hồ như hồ Hạ Đình, hồ Đầm Chuối. Xây dựng kênh E dài khoảng 1.000 m nối từ hồ Linh Đàm vào hạ lưu sông Kim Ngưu. Cải tạo tuyến cống cũ Lò Đúc, xây dựng tuyến cống Trần Khát Chân…

Vì phát sinh thêm một số hạng mục, nên thời gian thực hiện Dự án được điều chỉnh đến hết năm 2011. Vậy nhưng đến nay đã hết năm 2014, Dự án vẫn còn một số đoạn tuyến dở dang và không biết đến khi nào mới xong.

Có thể kể đến một số đoạn tuyến chậm tiến độ của Dự án như đoạn từ đầu cầu Trung Tự đến cầu Đông Tác thuộc địa bàn phường Kim Liên, theo kế hoạch phải hoàn thành vào cuối năm nay, nhưng đến giờ, vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng, sắt thép tập kết, đất đá, bụi mù mịt. Chính vì làm dở dang, nên nhiều người tranh thủ đổ phế thải xây dựng khiến tình trạng bừa bộn, ô nhiễm nặng nề.

Hay như đoạn mương Y cụ - Y khoa trên địa bàn phường Khương Thượng (Đống Đa), người dân cũng đang phải sống chung với tình trạng ô nhiễm trầm trọng trong nhiều năm qua. Mỗi khi trời nắng nóng, mùi mương bốc lên nồng nặc, còn khi gặp phải những trận mưa lớn và dai dẳng, nước mương dềnh lên, ngập vào tận nhà. Đoạn cống hóa dang dở trở thành nơi tập kết rác, ngổn ngang vật liệu xây dựng. Con đường bê tông men theo mương vỡ nát nhiều đoạn.

Một trong những điểm còn chưa thực hiện xong là đoạn cống hóa mương Phương Mai. Theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư, hiện trên đoạn mương này khá bừa bộn, công trình đang làm dở dang, vào mùa mưa đường lầy lội rất bẩn, mùa khô, thì bụi bặm; rác rưởi vứt tràn lan mất vệ sinh.

Bà Nguyễn Thị Thanh, một người dân sống ở khu vực trên cho biết: “Khu vực cống này khởi công từ cuối năm 2013. Khi mới khởi công, nhà thầu cam kết sau 3-4 tháng sẽ hoàn thành. Nhưng trên thực tế, tiến độ rất chậm. Đường bị chắn bớt để thi công, nên rất chật chội, bụi ngập đường”.

Chị Nguyễn Hương Ly, một người dân sống ở ngõ 167 - Phương Mai, nơi có đoạn mương đang thi công cho biết, tháng trước, đơn vị thi công làm vỡ đoạn ống cấp nước sạch của 7 hộ dân trong ngõ, các hộ dân kiến nghị, nhưng họ lờ đi. Các hộ phải tự bỏ tiền (mỗi hộ 500.000 đồng) để làm lại đường nước.

Đội giá đầu tư 2.000 tỷ đồng

Theo Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội, nguyên nhân chính khiến Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II chậm tiến độ là do giải phóng mặt bằng, mà vướng nhất là khâu xác định nguồn gốc đất. Việc quản lý đất đai nhiều năm không chặt chẽ, nhất là đất ở các rìa sông, nơi xen kẹt, nên rất khó cho việc lên phương án bồi thường.

Theo dự toán ban đầu, Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị của Dự án đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Phần đội giá nhiều nhất là đối ứng do chi phí giải phóng mặt bằng (trước kia, chi phí giải phóng mặt bằng dự trù hơn 1.000 tỷ đồng, thì nay bị đội lên 3.000 tỷ đồng).

Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội cho biết, Dự án đã điều chỉnh thời hạn hoàn thành đến cuối năm 2015.

Trở lại với công tác thi công tuyến cống hộp Phương Mai mà nhân dân khu vực này đang bức xúc, phóng viên Báo Đầu tư được ông Nguyễn Phúc Hợi, chuyên viên Ban Quản lý cho biết: Tuyến cống hộp Phương Mai là một phần trong Gói thầu số 3 “Cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực sông Tô Lịch, Lừ, Sét” thuộc Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II. Nhà thầu là Tổng công ty cổ phần Sông Hồng. Tuyến cống này dài 312 m, khổ cống 2x2 m, mặt đường thiết kế rộng 2,75 m bằng bê tông xi măng. Ngoài ra, Dự án còn hạng mục rãnh thu nước thải nhà dân 2 bên, có cột điện chiếu sáng và cây xanh.

Nhà thầu đã thi công từ tháng 10/2013, theo kế hoạch, hết năm 2014, phải hoàn thành toàn bộ, nhưng đến nay, còn rất nhiều đoạn dở dang. Hiện Dự án mới thi công được khoảng 150 m cống hộp.

“Nguyên nhân chậm tiến độ là do mặt bằng giao chậm. Khi khởi công công trình (tháng 10/2013), nhà thầu mới chỉ nhận được 75 m do phường Phương Mai bàn giao, đến tháng 2/2014 nhận thêm 100 m nữa, đến tháng 7/2014 mới nhận hết mặt bằng”, ông Hợi nói và cho biết, đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 sẽ thi công xong tuyến cống (chưa có đường và hè).

Chủ đầu tư giải thích như vậy, nhưng dư luận đang đặt câu hỏi: Tại sao khi tiến hành làm công trình, chủ đầu tư không lường trước các khó khăn để có kế hoạch rõ ràng? Hơn nữa, cứ chậm là lại “gia hạn”, thì đến bao giờ công trình mới hoàn thành và liệu đến hết năm 2015, Dự án có hoàn thành hay lại phải gia hạn thêm?

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư