Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Dự kiến thay đổi một số quy định cách ly và điều trị bệnh nhân Covid-19
D.Ngân - 11/05/2023 17:39
 
Bộ Y tế liệu sẽ có những thay đổi như thế nào trong điều trị bệnh nhân Covid-19, quy định cách ly với người mắc Covid-19?

TS.Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, hiện nay, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đang xem xét các nội dung về các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và cách ly đối với người bệnh Covid-19. 

Bộ Y tế liệu sẽ có những thay đổi như thế nào trong điều trị bệnh nhân Covid-19, quy định cách ly với người mắc Covid-19?

Về cơ bản, các chuyên gia cũng thống nhất là sẽ có một số điều chỉnh, tập trung chủ yếu vào việc sử dụng thuốc kháng virus, một số thuốc kháng thể đối với Covid-19 theo các khuyến cáo và các bằng chứng mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các báo cáo khoa học trên thế giới.

Với câu hỏi cần làm gì để giảm và hạn chế thấp nhất tử vong do Covid-19 khi mà trong thời gian qua số mắc có xu hướng gia tăng và vẫn ghi nhận một số ca tử vong, ông Khoa cho rằng, qua phân tích nhận thấy rằng, tất cả các ca bệnh tử vong đều là những người bệnh có nguy cơ cao, bệnh nền, cao tuổi hoặc là có rất nhiều bệnh kèm theo, và bản thân bệnh nhân cũng đã có tình trạng nặng từ trước.

Chuyên gia cũng nhận thấy không phát hiện một trường hợp nào mà tử vong ở trên người bệnh mà không có bệnh nền hay là người trẻ tuổi không có bệnh nền. 

Tỷ lệ tử vong hiện nay so với số nằm viện, ở đây là con số ước tính - con số này chưa thể hiện đúng bản chất, dao động khoảng 0,47% trong số bệnh nhân nằm viện. 

Cần nhấn mạnh rằng những bệnh nhân Covid-19 phải nằm viện có nghĩa là những bệnh nhân có bệnh nền, có triệu chứng nặng thì mới nhập viện;

Những trường hợp nhẹ, hoặc triệu chứng chưa đến mức phải can thiệp y tế nhiều thì hầu hết là điều trị tại nhà hoặc là được theo dõi tại các cơ sở y tế mà không phải bệnh viện.

Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Việt Nam từ trước đến nay ghi nhận ở mức 0,37, thấp hơn nhiều tỷ lệ chung của thế giới là 0,99%, nghĩa là chỉ bằng khoảng một phần ba so với tỷ lệ chung của thế giới. 

Đây là một số liệu thể hiện rất nhiều nỗ lực của hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Việt Nam trong công tác điều trị bệnh Covid-19 trong suốt 3 năm qua, với việc chuyển đổi rất kịp thời các hình thức từ cách ly tuyệt đối, điều trị 100% tại bệnh viện cho đến triển khai các cơ sở điều trị theo mô hình tháp ba tầng, và sau đó là triển khai điều trị, theo dõi, giám sát tại nhà.

Đây là thành quả mà suốt một thời gian chúng ta đã thích ứng một cách rất linh hoạt đối với công tác điều trị Covid-19. Đồng thời, trong dịch Covid-19 năng lực chuyên môn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng đã được nâng cao hơn. 

Rất nhiều bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh đã có thể quản lý điều trị được các trường hợp suy hô hấp nặng, triển khai được kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực hồi sức, cấp cứu. 

Covid-19 vừa là thách thức, cũng là một cơ hội cho việc nâng cao năng lực cho các cơ sở khám chữa bệnh Việt Nam.

Để giảm tử vong do Covid-19, theo TS.Nguyễn Trọng Khoa, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện các nội dung.

Thứ nhất, tiếp tục cảnh giác với Covid-19, phát hiện sớm các trường hợp bệnh.

Các đơn vị hồi sức, đơn vị chạy thận, đơn vị có những bệnh nhân nặng đang điều trị ở bệnh viện phải theo dõi, giám sát chặt chẽ để sớm phát hiện những ca bệnh, cách ly ra khỏi khu vực đang điều trị, tránh để lây nhiễm vào các bệnh nhân đang điều trị cùng đơn vị. Bởi vì, nếu xảy ra lây nhiễm,  thường lây nhiễm vào bệnh nhân có bệnh nền, nguy cơ cao, như vậy tỉ lệ tử vong có thể gia tăng; 

Thứ hai, tiếp tục tăng cường năng lực cho hồi sức cấp cứu. Cục Quản lý khám, chữa bệnh tiếp tục cập nhật kế hoạch, huy động sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức quốc tế để đào tạo, huấn luyện về hồi sức cấp cứu đối với điều trị Covid-19, đặc biệt là vấn đề thở máy, vấn đề hệ thống oxy cho các cơ sở y tế.

Thứ ba, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục theo dõi, giám sát và tăng cường hội chẩn với tuyến trên khi điều trị ca bệnh nặng, đảm bảo có sự liên thông chặt chẽ giữa các tuyến, chỉ chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết và có sự liên hệ trước để có thể chủ động điều trị ca bệnh nặng, mang đến hiệu quả cao nhất; hạn chế chuyển tuyến trong trường hợp số ca bệnh tăng cao.

Ngoài ra, khi những bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM quá tải thì bắt buộc các tỉnh, địa phương phải giữ bệnh nhân lại điều trị.

Thứ tư, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm để hạn chế dịch bệnh lây lan trong bệnh viện; yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh nghiêm túc thực hiện cách ly những ca bệnh Covid-19, triển khai áp dụng mang khẩu trang cho tất cả các khu vực lâm sàng, khu vực có người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối việc mang khẩu trang theo quy định; 

Đặc biệt, chú trọng bảo vệ cho những đối tượng có nguy cơ cao; trong trường hợp đến khám có dấu hiệu, triệu chứng của Covid-19 phải tiến hành xét nghiệm bằng cả phương pháp khẳng định là PCR và dùng test nhanh để chẩn đoán sớm, cách ly ngay.

Thứ năm, theo dõi, đánh giá các ca lâm sàng Covid-19 phải nhập viện, một số trường hợp phải gửi xét nghiệm, giải trình tự gene để phát hiện sớm những biến thể mới của vi rút. 

"Đặc biệt, các bệnh viện phải hết sức chú ý đến những trường hợp người bệnh nặng, người bệnh tử vong để có xét nghiệm giải trình tự gene, phát hiện sớm những biến thể. Đặc biệt lưu ý những trường hợp không mắc bệnh nền", ông Nguyễn Trọng Khoa yêu cầu.

Bao giờ Việt Nam công bố hết dịch Covid-19?
Xung quanh tuyên bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về dịch Covid-19, GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có trao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư