Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Du lịch Golf: “Mỏ kim cương” để hồi phục ngành kinh tế xanh
Hồ Hạ - Chí Cường - 12/07/2022 11:29
 
Hậu Covid-19, du lịch golf được ví như “mỏ kim cương”, nếu khai thác tốt, ngành kinh tế xanh Việt Nam có thể hồi phục mạnh mẽ.
(Ảnh: Chí Cường)
(Ảnh: Chí Cường)

Cơ hội trở thành “Thiên đường golf của châu Á”

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, du lịch golf là loại hình du lịch cao cấp, kết hợp chơi golf cùng tham quan điểm đến và nghỉ dưỡng. Hậu Covid-19, đây không chỉ là thị trường ngách thuộc phân khúc cao cấp, mang lại doanh thu cao, mà còn nằm trong xu hướng du lịch chăm sóc sức khoẻ

Hiện khắp “dải đất hình chữ S” có khoảng 100.000 người chơi golf và 100 sân golf đang hoạt động. Trong đó, 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế dọc đường biển dài 6.000 km, liền các khu nghỉ dưỡng sang trọng. Dự kiến đến năm 2025 sẽ có 200 sân golf 18 hố đi vào hoạt động (mỗi tỉnh hiện nay đều đang lên kế hoạch xây dựng 10-15 sân golf, thậm chí cá biệt có một số tỉnh có từ 30-50 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện pháp lý). 

Hai năm trở lại đây, dù ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều sân golf mới vẫn được khai trương tại Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Bình Thuận... Trước dịch, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sân golf và quần thể nghỉ dưỡng như FLC hay Vingroup với hàng loạt sân tại Quảng Ninh, Bình Định, Thanh Hóa, Hội An, Phú Quốc... Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều sân golf đẹp liền các khu nghỉ dưỡng biển đã hoạt động nhiều năm trước tại Quảng Nam, Khánh Hòa, Huế...

Trao đổi với phóng viên báo Đầu tư, ông Đỗ Chí Công, Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Tổng giám đốc SB Invest cho hay: “Có rất nhiều tập đoàn đầu tư golf hàng đầu thế giới đang tìm kiếm cơ hội đầu tư sân golf xanh theo tiêu chuẩn châu Âu tại Việt Nam. Họ không chỉ có kinh nghiệm cả trăm năm trên bản đồ golf thế giới mà còn có tiềm lực tài chính rất hùng hậu, sẵn sàng đầu tư các dự án tiêu chuẩn 6 sao, 5 sao vào Việt Nam khi đã đánh giá được tiềm năng phát triển của ngành golf Việt Nam”.

CEO SB Invest Đỗ Chí Công nhận định, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và cơ hội để trở thành “Thiên đường golf của châu Á”. (Ảnh: Hồ Hạ)  

Với bờ biển dài hơn 3.260 km, địa hình đa dạng 3/4 đồi núi, Việt Nam là đất nước có lợi thế phát triển các loại hình du lịch phong phú, trong đó có du lịch golf. “Thực tế cho thấy, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và cơ hội để trở thành “Thiên đường golf của châu Á”. Không có nơi nào trên thế giới có được sự phát triển golf nhanh và đồng bộ như ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây”, ông Đỗ Chí Công nhận định.

Cũng theo CEO SB Invest, Việt Nam có 3 thế mạnh để phát triển du lịch golf. Thứ nhất là vị trí địa lý thuận lợi, địa hình đa dạng. Thứ hai là số lượng người chơi golf tăng trưởng theo cấp số nhân. Và thứ ba là sự phát triển vượt bậc về hạ tầng sân golf. Các sân golf tại Việt Nam có chất lượng tốt, đẳng cấp, đều do những golfer nổi tiếng thế giới thiết kế, có sự khác biệt dựa trên lợi thế về đặc điểm địa hình và các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa để hấp dẫn khách du lịch yêu thích chinh phục nhiều sân golf độc đáo, nhiều thách thức và trải nghiệm khác biệt, ở những vị trí đẹp, gắn liền các khu nghỉ dưỡng trải dọc ba miền Bắc, Trung, Nam.

(Ảnh: Chí Cường)
Dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 200 sân golf 18 hố đi vào hoạt động. (Ảnh: Chí Cường)

“Điểm đến Golf tốt nhất thế giới”

Tổng Giám đốc VGS Media-Golf News Nguyễn Hoàng Minh cho biết, năm 2019-2020, số lượng người chơi golf thống kê được vào khoảng 26 nghìn người; năm 2021 con số này đã tăng lên 51 nghìn người dù đang trong giai đoạn ảnh hưởng dịch. Vượt qua hàng loạt đối thủ “nặng ký” về du lịch golf như Dubai, Mỹ, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia…

Trong hai năm 2019 và 2021, Việt Nam đã được công nhận là “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới”, đồng thời 5 năm liên tiếp (từ 2017 - 2021) được vinh danh “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á” theo bình chọn của World Golf Awards, giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực golf trên thế giới. Đây là những minh chứng cho thấy du lịch golf Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm lực và năng lực cạnh tranh để thu hút du khách cả ở thị trường trong nước và quốc tế. “Việt Nam là nơi thị trường golf đang hồi sinh”, ông Đỗ Chí Công nhận định.

Hiện nay, Hàn Quốc là thị trường golf lớn thứ ba thế giới (hơn 3 triệu người trên sân) chỉ xếp sau Mỹ (ước tính 28,8 triệu) và Nhật bản (khoảng 10 triệu). Ngân hàng KB Kookmin Hàn Quốc ghi nhận, doanh số bán hàng tại các sân golf từ tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đối tượng chi tiêu cho môn thể thao “nhà giàu” này là người trẻ, ở độ tuổi 20 - 30, tăng mạnh. Với sự lên ngôi của xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe, giới khách du lịch siêu giàu và trung lưu Hàn Quốc hiện ưa chuộng các điểm đến biệt lập với đánh golf là trải nghiệm đi kèm không thể thiếu.

Trùng hợp, thị trường khách du lịch golf chính đến Việt Nam hiện nay là khách Hàn Quốc, tiếp đến là Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. “Nếu nhìn vào số liệu khách du lịch golf trên phạm vi toàn cầu và định hướng thị trường khách quốc tế trọng điểm đến Việt Nam trong thời gian tới, du lịch golf Việt Nam còn có dư địa lớn để phát triển, thu hút nhiều khách đến từ các thị trường du lịch golf của Mỹ, Tây Âu và Đông Bắc Á”, ông Đỗ Chí Công nhận định và cho rằng, giải pháp nâng cao chất lượng, hạ tầng dịch vụ, đầu tư những sân golf độc đáo hơn... là những điều cần thực hiện để golf tour phát triển. 

Theo quan điểm của ông Tom Bosschaert, CEO Except, Công ty Tư vấn Quy hoạch phát triển bền vững lâu đời nhất Hà Lan thì hiện nay xu hướng thiết kế thi công sân golf trên thế giới đã thay đổi rất nhiều và nhằm tăng cường tính bền vững của sân golf, hỗ trợ và phát triển các nghiên cứu nhằm tạo ra một môi trường trong sạch hơn cùng với việc cải thiện trải nghiệm chơi cho các golfer. 

Những thay đổi này bao gồm bảo tồn nguồn nước, phân phối thuốc trừ sâu và dinh dưỡng một cách hợp lý, nhân giống các loại cỏ sử dụng ít tài nguyên hơn và tạo điều kiện chơi tốt hơn. “Việt Nam là thị trường mới nổi về golf trên thế giới nên đó cũng là lợi thế để các nhà đầu tư đi tắt, đón đầu xu thế sân golf xanh phát triển bền vững”, ông Tom Bosschaert nhận định.

Ông Tom Bosschaert, CEO Except cho rằng, Việt Nam là thị trường mới nổi về golf trên thế giới nên đó cũng là lợi thế để các nhà đầu tư đi tắt, đón đầu xu thế sân golf xanh phát triển bền vững. (Ảnh: Hồ Hạ)

Khác với khách du lịch truyền thống, khách tham gia du lịch golf thường đến và quay lại nhiều lần, bên cạnh mức phí để chơi golf, họ còn chi trả cho các dịch vụ khách sạn, nhà hàng đẳng cấp… Vì thế, phát triển du lịch golf không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh du lịch mà còn thu hút được đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp. Đây cũng là loại hình phù hợp với giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay vì đáp ứng được các tiêu chí an toàn, bảo đảm giãn cách, tránh tập trung đông người. Đó là các lý do khiến nhiều nước xác định du lịch golf là “con gà đẻ trứng vàng” của ngành kinh tế xanh.

“Mỏ kim cương” của ngành kinh tế xanh

Còn nhớ, khi “Cá mập trắng” Greg Norman, tay golf huyền thoại thế giới, xuất hiện trên video quảng bá du lịch Việt Nam, với chiếc mũ và nụ cười quen thuộc, anh nói: “Người ta thường đến Việt Nam vì phong cảnh, văn hoá và đồ ăn. Tôi đến đây vì tất cả những điều đó, nhưng hơn thế là để được chơi ở một trong những sân golf tốt nhất thế giới”. Đó là khi người ta hiểu rằng, du lịch Việt Nam đã ở một giai đoạn khác hẳn với thời kỳ mới là vẻ đẹp tiềm ẩn.

Đi sau so với Thái Lan, Malaysia, nhưng các sân golf Việt Nam có ưu thế là đẹp, mới, đa dạng địa hình, do nhiều golfer nổi tiếng thế giới thiết kế. Còn sân golf ở Nhật Bản đẹp hơn nhưng không thể hoạt động trong mùa đông. Do đó, đến Việt Nam để chơi golf là một lựa chọn hợp lý.

Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm du lịch golf ở Việt Nam chưa đa dạng do lượng sân golf còn ít, tỉ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf chưa cao. Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam Lê Hùng Nam cho biết, trong khu vực, Thái Lan đang là điểm đến chơi golf của Đông Nam Á với lượng du khách quốc tế chơi golf chiếm 9% lượng khách mỗi năm, nhưng ở nước ta, tỷ lệ này chỉ chiếm 1%.

.
CEO Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa, bên cạnh hoàn thiện các loại hình sân golf, cần kết hợp chơi golf với các hoạt động du lịch mang tính thế mạnh của từng địa phương để tạo sự khác biệt, hấp dẫn. (Ảnh: Hồ Hạ)

Lý giải điều này, CEO Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho rằng, Việt Nam chưa có những công ty du lịch chuyên khai thác du lịch golf. Trong khi các nước như Thái Lan, Malaysia đã hình thành các tour trọn gói giá tốt gắn với du lịch golf nhờ sự vào cuộc hỗ trợ từ Chính phủ, hệ thống cung ứng dịch vụ khách sạn, nhà hàng, lữ hành… thì ở nước ta vẫn thiếu những chính sách tạo điều kiện phát triển golf chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, sự liên kết các đơn vị quản lý sân golf với các công ty lữ hành vẫn lỏng lẻo nên chưa có những sản phẩm du lịch golf đặc sắc, du khách quốc tế còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin về các tour du lịch gắn với loại hình thể thao này.

Du khách tham gia du lịch golf không chỉ chơi golf mà còn có nhu cầu trải nghiệm du lịch tại điểm đến. Vì thế, để tạo sức hút cho du lịch golf, theo CEO Phạm Duy Nghĩa cho rằng, bên cạnh hoàn thiện các loại hình sân golf, cần kết hợp chơi golf với các hoạt động du lịch mang tính thế mạnh của từng địa phương để tạo sự khác biệt, hấp dẫn về mặt văn hóa và trải nghiệm. Ngoài ra, Việt Nam cần tập trung tổ chức những giải đấu golf chuyên nghiệp và nghiệp dư, các hội thảo, khóa đào tạo, huấn luyện về golf để thu hút những người chơi golf và du khách thật sự quan tâm đến môn thể thao này ở cả trong, ngoài nước.

.
"Thời gian tới, chúng ta phải thực hiện nhanh, tự tin, thúc đẩy du lịch golf để thu hút du khách", Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh. (Ảnh: Hồ Hạ)

Một yếu điểm khác của du lịch golf Việt Nam là sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và sân golf còn lỏng lẻo, du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác như MICE, caravan, chưa có các giải thưởng chuyên nghiệp, các sân golf chưa liên kết với nhau cũng như chưa có các giải pháp về xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch golf bài bản. Bên cạnh đó, các chương trình golf tour hiện đang khai thác còn hạn chế, chưa phong phú về nội dung do thị trường golf còn khá mới mẻ, các doanh nghiệp lữ hành trong nước còn thiếu thông tin về thị trường khách.

Để khai thác hiệu quả “mỏ kim cương” golf tour, Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, các địa phương, doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh giao lưu, kết nối giữa các câu lạc bộ golf; các địa phương cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành trong kết nối các sân golf, từ đó mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm. 

“Thời gian tới, chúng ta phải thực hiện nhanh, tự tin, thúc đẩy du lịch golf để thu hút du khách. Nếu không nắm bắt tốt các cơ hội, chúng ta sẽ để tuột mất và du khách có thể tìm tới những nơi khác”, ông Siêu nhấn mạnh. 

Covid-19 đã và đang làm thay đổi tư duy du lịch toàn cầu theo hướng phát triển mạnh mẽ du lịch thể thao. Đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam khai thác “mỏ kim cương” golf tour cũng như tung ra các chính sách cởi mở, hấp dẫn để trở thành “tổ ấm” của các nhà đầu tư sân golf thế giới.

Năm 2019, du lịch golf đã góp phần vào thành công chung của du lịch Việt Nam. Hậu Covid-19, nhu cầu của khách du lịch chơi golf còn lớn hơn vì đây là sản phẩm hợp xu thế nhờ an toàn, tránh tập trung đông người, đặc biệt thu hút khách chi tiêu cao. Chúng ta đang có cơ hội tái cơ cấu, làm mới ngành du lịch thì du lịch golf là một phần rất hấp dẫn. Những năm qua, số lượng khách du lịch chơi golf đang tăng. Du lịch golf trong bối cảnh bình thường mới được đánh giá là loại hình Việt Nam cần khai thác mạnh.
- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư