Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Du lịch miền Trung gồng mình tìm hướng tồn tại
Hoàng Anh - 05/03/2021 20:47
 
Ngành du lịch miền Trung tiếp tục lâm vào tình cảnh khó khăn, các doanh nghiệp đang gồng mình tìm hướng tồn tại.
.
Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, dù đã chuẩn bị rất nhiều chương trình để đón dòng khách nội địa, tuy nhiên chỉ có khoảng 30.000 lượt du khách đến Thành phố trong thời gian này. Ảnh: Chí Cường

 

Khó khăn chưa thấy lối ra

Miền Trung mùa này biển đẹp, trời xanh và nắng vàng, nhưng khác với cảnh tấp nập du khách trước đây, những bãi biển, điểm du lịch lại vắng lặng một cách nao lòng. Tại Đà Nẵng, tuyến đường biển được ví là “con đường tỷ đô” giờ hắt hiu, khi phần lớn nhà hàng, khách sạn đã đóng cửa, bãi biển đông nghịt khách du lịch trước đây, giờ chỉ còn lác đác. Rất nhiều khách sạn ở Đà Nẵng đã treo biển thông báo cho thuê hoặc bán, khi không thể tiếp tục gắng gượng để tồn tại, sau hơn một năm bão Covid-19 ập đến.

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, trong dịp Tết, thị trường du lịch miền Trung tưởng đã gượng dậy, khi nhiều tour du lịch được lên kế hoạch, các doanh nghiệp khấp khởi tổ chức lại hoạt động để đón khách. Nhưng “bóng ma Covid-19” bất ngờ bùng phát ở một số địa phương nên mọi hoạt động đều đứng hình.

“Những tưởng đã thấy ánh sáng cuối đường hầm, nhưng rồi lại chìm trong thất vọng, khi hơn 90% du khách đã hủy tour Tết”, ông Dũng chia sẻ.

Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, dù đã chuẩn bị rất nhiều chương trình để đón dòng khách nội địa trong dịp Tết, tuy nhiên chỉ có khoảng 30.000 lượt du khách đến Thành phố trong thời gian này, chủ yếu là khách đi lẻ, đi theo nhóm gia đình và tự đặt dịch vụ. Con số này rất thấp so với những năm trước đây.

Không riêng Đà Nẵng, ngành du lịch ở các tỉnh miền Trung đang đối diện với khó khăn vô cùng lớn, nên việc đóng cửa, ngừng kinh doanh là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Thuê cửa hàng kinh doanh trong phố cổ Hội An, gia đình chị Nguyễn Thảo Ly mỗi tháng phải trả chi phí mặt bằng là 40 triệu đồng. Nếu như trước, việc kinh doanh mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình, thì bây giờ chị Ly đang lo sốt vó, khi không có du khách. “Nguồn thu nhập chính của gia đình là từ khách du lịch, mà tình cảnh này thì chắc đóng cửa thôi”, chị Ly than thở.

Đại dịch Covid-19 giáng một đòn chí mạng vào thủ phủ du lịch Hội An, đẩy hàng chục ngàn người lao động trong ngành du lịch mất việc, không ít cửa hàng, khách sạn và nhà hàng đã đóng cửa để cắt lỗ.

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thông tin, gần 99% doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã đóng cửa hoạt động. “Tình hình du lịch ở Quảng Nam rất bi đát và dự báo sẽ càng khó khăn hơn trong năm 2021. Dịch bệnh kéo dài làm kiệt quệ nguồn tài chính của doanh nghiệp”, ông Thanh nói.

Cơ cấu và định hướng lại

Covid-19 buộc các địa phương và doanh nghiệp du lịch ở miền Trung phải cơ cấu và định hướng lại. Theo ông Cao Trí Dũng, hoạt động du lịch chỉ trở lại khi quốc tế khống chế được dịch bệnh.

“Miền Trung vẫn là điểm đến ưa thích của du khách, nên chắc chắn thị trường sẽ phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhưng hiện doanh nghiệp du lịch rất khó khăn, cần tiếp tục được hỗ trợ về lãi suất ngân hàng và các gói giải cứu của Chính phủ. Dịch bệnh cũng đã làm thay đổi thói quen du lịch của du khách, nên cần phải xây dựng những sản phẩm mới, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, tăng chất lượng dịch vụ nhưng giá phải hợp lý. Việt Nam đã nhập về những lô vắc xin đầu tiên, nên những người lao động trực tiếp phục vụ, đón tiếp du khách cần được ưu tiên tiêm phòng để tạo điểm đến an toàn cho du khách”, ông Dũng đề xuất.

Ông Dũng cũng tin tưởng,  khi dịch bệnh được khống chế, du lịch sẽ tiếp tục là lĩnh vực tăng trưởng. Doanh nghiệp có phương án hoạt động tốt, đón đầu cơ hội phục hồi sau đại dịch thì chắc chắn sẽ tồn tại và phát triển.

Về phía chính quyền các địa phương miền Trung cũng đang vào cuộc quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo ra các sản phẩm mới và có tính trải nghiệm. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, Thành phố phối hợp chặt chẽ với hai địa phương là Huế và Quảng Nam để tạo liên kết vùng, xây dựng chương trình điểm đến hấp dẫn giữa ba địa phương.

“Chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch và kích cầu năm 2021, trong đó tập trung thu hút khách từ thị trường nội địa; thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch, Đề án Phát triển kinh tế ban đêm… Thành phố sẽ nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động du lịch”, bà Hạnh chia sẻ.

Tương tự, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng thống nhất quan điểm, liên kết phát triển du lịch vùng là giải pháp quan trọng, hiệu quả cho phục hồi, phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tính liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, xúc tiến và quảng bá du lịch nhằm tạo bước đột phá để chuyển từ phát triển du lịch từng địa phương sang phát triển du lịch vùng.

“Hộ chiếu vaccine” tiếp sức phục hồi du lịch quốc tế
“Hộ chiếu vaccine” đang được nhiều quốc gia xem như giải pháp quan trọng để mở biên, từng bước bình thường hóa, phục hồi hoạt động du...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư