Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Du lịch miền Trung loay hoay tìm sự khác biệt
Phước Tuần - 29/08/2022 16:22
 
Sở hữu nhiều bãi biển tuyệt đẹp, nhiều di sản văn hóa, cùng hệ thống hạ tầng giao thông dần phát triển, song du lịch miền Trung nhiều năm nay vẫn chưa tạo điểm nhấn đủ mạnh để bứt phá.
 Miền Trung được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên du lịch phong phú

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Du lịch miền Trung nổi tiếng và dần tạo thương hiệu từ hệ thống sản phẩm du lịch, như con đường di sản, con đường xanh Tây Nguyên, tour du lịch biển, tour du lịch văn hóa sinh thái... dựa trên thế mạnh, tiềm năng tài nguyên du lịch của dải đất miền Trung.

Vẫn biết xây dựng được thương hiệu mới khiến du khách nhớ tới bản sắc riêng từng điểm đến, từ đó tạo sự hấp dẫn khác biệt, nhưng dường như, bài toán tìm “điểm nhấn cho du lịch miền Trung” hay tạo thương hiệu riêng hiện vẫn chưa có lời giải thích hợp. Đây chính là trăn trở của nhà quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực du lịch tại các tỉnh miền Trung.

Nhắc đến du lịch miền Trung, nơi được thiên nhiên, lịch sử ban tặng nguồn tài nguyên du lịch quá phong phú và đa dạng, ngoài những trung tâm du lịch lớn đã có thương hiệu quốc tế như Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Đà Lạt…, những năm gần đây, miền Trung nổi lên nhiều điểm đến mới, thu hút lượng du khách nội địa rất lớn như Đồng Hới, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Cửa Lò…

Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty Lữ hành Huetourist cho rằng, du lịch miền Trung có một số điểm đến đang dần tạo thương hiệu riêng cho mình như phố cổ Hội An với du lịch cộng đồng - làng nghề, Quảng Bình với du lịch hang động, Huế với du lịch di sản văn hóa, Nha Trang với du lịch biển đảo, Đà Nẵng với du lịch MICE… Tuy nhiên, thật sự, các thương hiệu tuyến, điểm du lịch vẫn chưa có sứt hút mạnh đối với thị trường quốc tế. Sự liên kết các tuyến, điểm, liên kết vùng vẫn rời rạc, mang tính độc lập, dẫn đến phát triển của du lịch vùng còn hạn chế.

Theo ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng, miền Trung cần định vị giá trị cốt lõi cho du lịch trong quá trình phát triển để tạo thương hiệu riêng. Giá trị cốt lõi phải tính đến sự phù hợp với nguồn khách tiềm năng. Chẳng hạn, giá trị cốt lõi cho du lịch miền Trung trong dài hạn là giá trị văn hóa truyền thống gắn với tài nguyên sinh thái (biển, đảo, sông núi...).

Việc lựa chọn sản phẩm du lịch trọng tâm của địa phương trong dài hạn phải dựa vào điều kiện về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở cung ứng dịch vụ và nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, phải tính đến sự phù hợp của sản phẩm điểm đến với các nguồn khách tiềm năng.

Liên kết để cùng phát triển

Các địa phương như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Bình, Khánh Hòa… đang phát huy mô hình liên kết giữa công ty lữ hành với các đơn vị lưu trú, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng khác nhau trong cùng một chuyến bay để đa dạng hóa nguồn khách và triển khai các chính sách đặc biệt, đồng hành và vận động các doanh nghiệp cùng chung tay kích cầu, mở cửa đón khách.

Mới đây, tại miền Trung đã diễn ra nhiều diễn đàn, hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương miền Trung - Tây Nguyên. Gần đây nhất là Hội nghị sơ kết Diễn đàn Phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cùng các lãnh đạo ngành du lịch các địa phương miền Trung, tổ chức tại TP. Quảng Ngãi. Hay trước đó là hội nghị liên kết phát triển 6 tỉnh Bắc Trung bộ…

Các chuyên gia cho rằng, miền Trung có nhiều cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hóa, lịch sử nổi trội, giàu tiềm năng phát triển du lịch. Nhiều giải pháp được lãnh đạo các tỉnh, thành phố và hiệp hội du lịch, chuyên gia đưa ra, nhằm hợp tác, thúc đẩy phát triển du lịch.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, các địa phương miền Trung cần tiếp tục nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, chất lượng, hiệu quả; tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh.

“Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần chủ động hơn nữa việc đẩy mạnh mở cửa thị trường du lịch quốc tế, thông qua 2 trung tâm du lịch lớn của cả nước là Hà Nội và TP.HCM, phù hợp với chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Cơ cấu lại thị trường khách du lịch để tập trung quảng bá, xúc tiến các thị trường tiềm năng và làm mới các sản phẩm du lịch để phục vụ nhu cầu của du khách”, ông Siêu lưu ý.

Chia sẻ vấn đề này, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Thực hiện thành công các nội dung hợp tác, liên kết phát triển du lịch sẽ là đòn bẩy quan trọng và cơ hội cho ngành du lịch tăng tốc, bứt phá, nhằm thực hiện mục tiêu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; qua đó góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi nhanh và bền vững kinh tế - xã hội”.

Còn nhiều dư địa để phát triển

Miền Trung vẫn còn rất nhiều tiềm năng du lịch, nếu khai thác và có hướng đi đúng, thì đây sẽ là “mỏ vàng” trong nền kinh tế địa phương, tiêu biểu như thương hiệu du lịch MICE đẳng cấp tại Đà Nẵng, du lịch hang động tại Quảng Bình. Ngoài ra, dải đất miền Trung còn sở hữu hàng loạt hòn đảo nghỉ dưỡng quá đẳng cấp chưa khai thác hiệu quả, như Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý…

Ông Đoàn Văn Việt cho rằng, dư địa và tiềm năng phát triển du lịch ở miền Trung là rất lớn. Để sự liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM, Hà Nội với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành liên kết điển hình, vùng động lực phát triển, điểm đến thu hút du lịch hàng đầu Việt Nam, các địa phương cần quan tâm một số vấn đề. Đó là khai thác sản phẩm liên kết đặc thù cấp vùng; phát triển thị trường và quảng bá, xúc tiến du lịch; chú trọng thu hút đầu tư du lịch, hợp tác công - tư; nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, các địa phương tập trung phát triển thị trường và quảng bá, xúc tiến du lịch truyền tải thông điệp “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam” đối với thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường nội địa. Chú trọng thu hút đầu tư hợp tác công - tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhận định, để nắm bắt được thời cơ, bứt phá và gia tăng lợi thế cạnh tranh trong khu vực cũng như trên thế giới, ngành du lịch miền Trung rất cần sự ủng hộ, phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính quyền, các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn thể nhân dân.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Quảng ngãi tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư

- Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm quản lý về du lịch, có thương hiệu mạnh đầu tư cơ sở dịch vụ du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, tổ hợp giải trí có chất lượng cao, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế tại tỉnh, nhằm tạo sự đột phá về hạ tầng dịch vụ du lịch, tạo sức hút nổi trội của du lịch tỉnh, tạo cú hích để du lịch tăng trưởng nhanh, đột phá.

Quảng Bình định hình thương hiệu du lịch hang động

- Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình

Sắp tới, Sở Du lịch sẽ cùng các đơn vị duy trì kết nối thường xuyên, liên tục với các đối tác trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh cập nhật thông tin, hình ảnh, video về du lịch Quảng Bình, đặc biệt là du lịch hang động, một thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hoá các sản phẩm để đưa ngành du lịch của tỉnh nhà sớm phục hồi và phát triển.

Huế xây dựng thương hiệu thành phố festival

- Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế

Nhiều năm qua, Thừa Thiên Huế cùng nhiều tỉnh, thành phố miền Trung ký kết hợp tác để thúc đẩy phát triển du lịch. Ngành du lịch Huế dần chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu thành phố festival dựa trên những thế mạnh về văn hoá, di sản. Các chương trình festival được tổ chức quanh năm, nhằm mang đến cho du khách những giá trị văn hóa của thành phố di sản.

Đà Nẵng hướng đến du lịch golf

- Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng

Lễ hội Du lịch golf Đà Nẵng năm 2022 (Danang Golf Tourism Festival 2022) sẽ có nhiều hoạt động, trong đó trọng tâm là Giải golf Phát triển châu Á, Hội thảo quốc tế về phát triển du lịch golf, các hoạt động tham quan trải nghiệm và tập thử golf, các hoạt động quảng bá du lịch Đà Nẵng. Đây là tiền đề, bệ phóng để Đà Nẵng hướng đến phát triển lĩnh vực du lịch golf khu vực châu Á.

Du lịch miền Trung trở lại những ngày vui
Các tỉnh miền Trung có nhiều giải pháp khôi phục hoạt động du lịch và bước đầu đạt những kết quả khá ấn tượng từ những hoạt động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư