Thứ Tư, Ngày 23 tháng 04 năm 2025,
Du lịch vào mùa cao điểm: Báo động các chiêu trò lừa đảo
Linh Nguyễn - 23/04/2025 10:05
 
Mùa cao điểm du lịch đang trở thành “mùa gặt” của các đối tượng lừa đảo công nghệ cao, khi hàng loạt khách hàng nhẹ dạ bị dụ dỗ bởi combo du lịch siêu rẻ, click vào fanpage giả mạo và bị lừa chuyển tiền đặt cọc, thậm chí bị mất hết tiền trong tài khoản.
Xuất hiện nhiều hội/nhóm, fanpage giả mạo các resort, khách sạn nổi tiếng, công ty lữ hành… được lập ra để lừa đảo
Xuất hiện nhiều hội/nhóm, fanpage giả mạo các resort, khách sạn nổi tiếng, công ty lữ hành… được lập ra để lừa đảo

“Sập bẫy” fanpage giả mạo

Càng gần dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và mùa hè, các chiêu trò lừa đảo trong ngành du lịch càng nở rộ, đặc biệt là dưới hình thức quảng bá “combo nghỉ dưỡng giá rẻ”. Lợi dụng tâm lý háo hức đi chơi, nhiều đối tượng đã lập fanpage giả mạo các khách sạn, resort nổi tiếng, đầu tư hình ảnh bắt mắt, nội dung chuyên nghiệp và tung ra loạt ưu đãi hấp dẫn, khiến người dùng dễ mất cảnh giác.

“Combo 2 ngày 1 đêm chỉ 399.000 đồng/người, bao gồm xe đưa đón tận sân bay, vé tham quan miễn phí và buffet sáng” - những lời mời chào tương tự xuất hiện tràn lan trên Facebook, Zalo… và thường đi kèm yêu cầu đặt cọc trước 10 - 50% tổng giá trị. Sau khi nhận được tiền, các fanpage lừa đảo lập tức “bốc hơi”, để lại nạn nhân không biết kêu ai.

Không ít trường hợp còn bị kéo vào vòng lừa đảo tinh vi hơn, đối tượng tự xưng là nhân viên khách sạn gọi điện thông báo “giao dịch sai thông tin” và hướng dẫn khách bấm vào đường link hoàn tiền. Thực tế, đây là trang giả mạo nhằm đánh cắp mã OTP, rút cạn tiền trong tài khoản của người dùng.

Các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là sở du lịch các tỉnh, thành phố và hiệp hội ngành du lịch cần chủ động hơn nữa trong vai trò kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm việc cung cấp hướng dẫn chi tiết về các thủ tục bảo hộ thương hiệu, thường xuyên cập nhật và phổ biến thông tin về các chiêu trò lừa đảo mới nhất, đồng thời tích cực phối hợp với các nền tảng số để xây dựng cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cả người dân và các doanh nghiệp du lịch chân chính.

 - Ông Trần Lê Hồng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)

Không dừng lại ở các vụ lừa lẻ tẻ, tình trạng mạo danh doanh nghiệp du lịch để lừa đảo có tổ chức đang gây thiệt hại nghiêm trọng. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, tại Hà Nội, gần 40 người trong một nhóm Zalo đã cùng gửi đơn tố cáo Công ty du lịch A. (xin không nêu tên) có dấu hiệu gian lận. Trong số này, có người thiệt hại tới hàng trăm triệu đồng.

Theo phản ánh của nạn nhân, Công ty A. tiếp cận người dân với danh nghĩa đại lý bán vé máy bay, sau đó chuyển sang tư vấn mua “thẻ du lịch trọn đời” trị giá 69 triệu đồng với nhiều quyền lợi. Người dân ký hợp đồng mà không đọc kỹ điều khoản, khi phát hiện bị lừa và yêu cầu hủy hợp đồng, họ chỉ nhận lại sự im lặng.

Các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi. Không chỉ tạo mã đặt phòng giả với đầy đủ logo khách sạn, tên người đặt, thông tin tài khoản ngân hàng, đối tượng còn sử dụng mạng lưới đánh giá ảo bằng cách tạo các tài khoản Facebook giả để bình luận khen ngợi combo, làm tăng độ tin cậy cho trang giả mạo. Nhiều fanpage tung chiêu “chỉ còn 3 suất cuối”, “ưu đãi kết thúc trong hôm nay” để tạo cảm giác cấp bách, khiến khách hàng vội vã xuống tiền mà không xác minh kỹ.

Lá chắn giữa ma trận lừa đảo

Theo các chuyên gia an ninh mạng, hầu hết nạn nhân của các vụ lừa đảo du lịch đều rơi vào bẫy tâm lý ham rẻ và thiếu hiểu biết về xác thực thông tin. Việc đặt phòng trực tuyến ngày càng phổ biến do sự tiện lợi, nhu cầu tăng cao, nhất là từ sau đại dịch Covid-19 và các nhóm lừa đảo đang lợi dụng triệt để điều này. Trong bối cảnh đó, sự chủ động bảo vệ thương hiệu từ phía doanh nghiệp lưu trú là vô cùng cấp thiết.

Một trong những đơn vị đã chủ động ngăn chặn hiệu quả tình trạng giả mạo là Viet Orient Hospitality. Ông Nguyễn Văn Quảng, Tổng giám đốc Viet Orient Hospitality cho biết, Glenda Tower Mộc Châu từng bị fanpage giả mạo tấn công với lượng review gấp 2 - 3 lần trang chính thức. Tuy nhiên, nhờ có hồ sơ bảo hộ thương hiệu rõ ràng, doanh nghiệp đã làm việc trực tiếp với Facebook và nhanh chóng xử lý, gỡ bỏ trang giả sau vài giờ.

“Chúng tôi liên tục cập nhật thông tin sở hữu trí tuệ và xây dựng hồ sơ pháp lý đầy đủ.

Mỗi lần fanpage giả xuất hiện, Facebook đều xác định được đây là hành vi tái phạm và xử lý trong thời gian rất ngắn”, ông Quảng nói. Tổng giám đốc Viet Orient Hospitality cũng cảnh báo, nhiều cơ sở lưu trú nhỏ lẻ hoặc mới mở, chưa quan tâm đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ sẽ dễ rơi vào thế bị động khi bị mạo danh.

Không riêng doanh nghiệp lớn, nhiều khách sạn nhỏ như Summer Hotel (Cửa Lò, Nghệ An) cũng bị mạo danh. Đại diện khách sạn chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên đăng bài cảnh báo trên fanpage thật, đồng thời hướng dẫn khách phân biệt. Tuy nhiên, vẫn có người bị nhầm, do các fanpage giả mạo chạy quảng cáo và ‘bắt trend’ rất nhanh”.

Nhằm đối phó hiệu quả với vấn nạn tour du lịch bị giả mạo trên không gian mạng, theo ông Trần Lê Hồng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), các đơn vị kinh doanh lữ hành cần chủ động và quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ thương hiệu, bao gồm việc tăng cường các biện pháp an ninh mạng, đăng ký bản quyền thương hiệu và thiết lập một bộ phận chuyên trách giám sát các kênh truyền thông trực tuyến.

Song song đó, để được các nền tảng trực tuyến như Facebook bảo vệ, đơn vị cần chuẩn bị sẵn sàng các bằng chứng pháp lý vững chắc chứng minh quyền sở hữu thương hiệu, tạo nên “tuyến phòng thủ” vững chắc, góp phần bảo vệ uy tín và quyền lợi của doanh nghiệp trước những mối đe dọa tiềm ẩn.

Về phía người dân, cần kiểm tra kỹ lưỡng thông tin liên hệ, đối chiếu số điện thoại, email, tài khoản ngân hàng giữa fanpage và website chính thức, tuyệt đối không chuyển khoản vội vàng trước các yêu cầu đặt cọc gấp hoặc ưu đãi “giới hạn thời gian”, chỉ nên đặt phòng qua website chính thức hoặc các nền tảng uy tín như Agoda, Booking.com, Traveloka...

Đặc biệt, cần tránh bấm vào các đường link lạ, nhất là những link yêu cầu đăng nhập tài khoản ngân hàng hoặc cung cấp mã OTP; luôn lưu giữ các bằng chứng giao dịch như hóa đơn, tin nhắn, email để có thể trình báo cơ quan công an khi cần thiết.

Nở rộ các chiêu trò lừa đảo du lịch dịp cuối năm
Các doanh nghiệp lữ hành liên tục cảnh báo chiêu trò lừa đảo người dân và du khách dịp cuối năm bằng nhiều hình thức của các đối tượng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư