Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dự thảo Luật Quy hoạch chỉ còn lại vấn đề kỹ thuật
Mạnh Bôn - 18/09/2017 07:09
 
Toàn bộ nội dung Dự thảo Luật Quy hoạch đã được Chính phủ, Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra thống nhất sau khi giải trình, tiếp thu ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba. “Vấn đề còn lại là làm sao Luật Quy hoạch vào cuộc sống đúng ngày 1/1/2019, nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tư”, ông Đinh Thanh Tâm, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ.

Hôm nay (18/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Quy hoạch. Thưa ông, những vấn đề cần phải tiếp tục thảo luận là gì?

Thực ra, tại Kỳ họp thứ ba, sau khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Quy hoạch (ngày 26/5/2017), chúng tôi cùng với Cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) đã thực hiện giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và chỉ còn đúng 2 nội dung còn có ý kiến khác nhau.

.
Ông Đinh Thanh Tâm, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Một là, nội dung liên quan đến quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Thực ra, vấn đề chưa thống nhất chỉ nằm ở nội dung của 2 khoản thuộc 2 điều khác nhau.

Hai là, số lượng các luật cần phải sửa, nội dung sửa thế nào, bao giờ sửa cho phù hợp khi Luật Quy hoạch được thông qua. Chỉ tiếc là do thời gian có hạn, trong khi 2 nội dung này tương đối phức tạp, nên giải trình chưa thực sự thuyết phục, bởi vậy Luật Quy hoạch đã không được trình Quốc hội thông qua vào ngày 19/6/2017 tại Kỳ họp thứ ba như dự kiến ban đầu.

Sau khi kết thúc Kỳ họp Quốc hội thứ ba, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thẩm tra giải trình, tiếp thu nội dung liên quan đến quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh còn có ý kiến khác nhau. Hiện tại, nội dung này đã nhận được sự thống nhất của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, nên đã xử lý xong. Vì thế, tôi nghĩ, hôm nay, TVQH sẽ tập trung thảo luận xem sau khi Luật Quy hoạch được thông qua phải sửa bao nhiêu luật, sửa như thế nào, Chính phủ có bảo đảm trình Quốc hội sửa các luật để có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch không.

Như vậy, chỉ còn là vấn đề kỹ thuật sửa đổi, bổ sung các luật cho phù hợp khi Luật Quy hoạch được thông qua?

Trong Dự thảo Luật Quy hoạch trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba để dự kiến thông qua, ngoài Danh mục 38 quy hoạch ngành quốc gia quy định rõ quy hoạch nào do bộ, ngành nào chịu trách nhiệm xây dựng, còn có Danh mục 32 luật cần sửa đổi, bổ sung, trong đó đã liệt kê cụ thể luật nào sửa bao nhiêu điều, sửa những điều nào, khoản nào. Nhưng do Luật Quy hoạch chưa được thông qua, trong khi Quốc hội lại mới thông qua Luật Đường sắt, Luật Thủy lợi, Luật Dược đều có nội dung liên quan đến quy hoạch. Vấn đề phát sinh là có sửa 3 luật này không, sửa theo cách thức nào.

Thưa ông, vấn đề chắc đã có hướng xử lý?

Có sửa 3 luật mới được Quốc hội thông qua hay không trước hết là quyền của TVQH. Mục đích ban hành Luật Quy hoạch là tạo bước đột phá về thể chế trong công tác quy hoạch; góp phần quản lý hiệu quả, minh bạch các nguồn lực trong xã hội; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong đầu tư, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Với mục đích này, tất cả các luật có quy định không phù hợp đều được sửa đổi, bổ sung, vì vậy, tôi nghĩ rằng, TVQH sẽ đồng ý sửa 3 luật mới được thông qua.

Còn hướng xử lý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung một điều (Điều 69) vào Luật Quy hoạch để sửa 8 luật đang điều chỉnh hoạt động quy hoạch có nội dung đơn giản về kỹ thuật. Điều 69 quy định cụ thể sửa luật nào, sửa điều nào, khoản nào và nội dung sửa đổi.

Thế với các luật còn lại thì sao, thưa ông?

Đối với các luật còn lại có nhiều nội dung, chính sách phức tạp hoặc có liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh…, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp gửi danh mục luật cần phải sửa đổi, bổ sung để các bộ có liên quan rà soát, lập đề nghị xây dựng từng dự án luật hoặc dự án luật sửa đổi, bổ sung các luật thuộc lĩnh vực quản lý trình Chính phủ để Chính phủ trình TVQH điều chỉnh, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, đảm bảo có hiệu lực thi hành đồng bộ với Luật Quy hoạch.

Có nghĩa là, Luật Quy hoạch có vào cuộc sống được hay không, phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của các bộ, ngành?

Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến quy hoạch (các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, nhà ở…) được coi là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn 2016 - 2020, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ riêng các vấn đề liên quan đến quy hoạch, nếu Luật Quy hoạch được thông qua, theo đó, 32 luật (có thể là 35 luật) được sửa đổi, bổ sung, ít nhất có tới 80 giấy phép quy hoạch được bãi bỏ.

Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể các luật này trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tư pháp để đề xuất sửa đổi từng luật riêng hoặc sửa đổi, bổ sung một số luật thuộc lĩnh vực quản lý trong một luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi. Hiện tại, các bộ, ngành đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao để vừa đáp ứng được thời gian và chất lượng xây dựng luật, vừa bảo đảm tính khả thi của các luật khi được sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với hiệu lực của Luật Quy hoạch khi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tư tới đây.

TS. Phạm Sỹ Liêm: Luật Quy hoạch được coi là đột phá về thể chế
“Luật Quy hoạch là một trong những đạo luật đột phá cần sớm được thông qua, nền kinh tế mới có hy vọng bước qua bẫy thu nhập trung bình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư