Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Dù tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn phải thực hiện 5K
Dương Ngân - 08/05/2021 14:10
 
Theo các chuyên gia y tế, người dân không được chủ quan cho rằng, chỉ cần tiêm vắc-xin Covid-19 mà lơ là việc thực hiện 5K.

Dịch Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp với nhiều ổ dịch nghiêm trọng tại các bệnh viện. Hơn lúc nào hết, việc tuân thủ ý thức phòng dịch cần phải được mỗi người dân đặc biệt quan tâm, tránh tâm lý chủ quan.

Đến thời điểm hiện tại nước ta đã tiêm được hơn 800.000 mũi vắc-xin Covid-19 tại 19 tỉnh thành. Đã có nhiều phản ứng phụ xảy ra sau tiêm vắc-xin.

Bên cạnh đó, để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh, Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19.

Đến thời điểm hiện tại nước ta đã tiêm được hơn 800.000 mũi vắc-xin Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố. Đã có phản ứng phụ xảy ra sau tiêm vắc-xin, song đều nằm trong ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên, dư luận đang lo lắng khi có trường hợp bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn mắc Covid-19 sau tiêm vắc-xin. Đặc biệt ngày 7/5 đã xảy ra vụ việc đáng tiếc là nữ nhân viên y tế tại tỉnh An Giang tử vong sau tiêm vắc-xin Covid-19.

Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.

Thống kê trên diện rộng các phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, ghi nhận tại các điểm tiêm chủng cho biết đến nay có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ… Triệu chứng này hết sau 24h. Tỷ lên này thấp so với các nước trên thế giới.

Thời điểm hiện tại, nhiều câu hỏi đang được đặt ra về hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 của vắc-xin ra sao, ích lợi mang lại của vắc-xin so với việc không tiêm chủng.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiệu quả của vắc-xin phòng Covid-19 đã được thế giới công nhận. Tuy nhiên, không một loại vắc-xin nào đạt hiệu quả 100%.

“Vẫn có nguy cơ sau tiêm vắcx-xin, người tiêm vẫn có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nếu đã tiêm vắc-xin mà mắc Covid-19 thì bệnh sẽ nhẹ đi”, ông Cường nói.

Là một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêm chủng, TS. Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền bắc, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương biện giải, việc tiêm vắc-xin chính là bảo vệ người được tiêm khỏi mắc thể nặng và phải nhập viện.

Cho đến thời điểm này, theo TS. Thái, vắc-xin được sử dụng tại Việt Nam đã được chứng minh trên thực địa khi chưa có trường hợp tiêm đủ hai mũi nào bị bệnh nặng hay tử vong.

Giải đáp lo lắng của nhiều người về việc sau tiêm vắc-xin vẫn có thể mắc bệnh, TS. Thái cho biết, sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng các thể của Covid-19 đạt mức 50-70%. Ở liều thứ 2, hiệu quả bảo vệ lên tới trên 80%. 

Không chỉ vắc-xin Covid-19, theo đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thực tế tiêm chủng nhiều năm qua ở Việt Nam cũng như thế giới, đã cho thấy rất nhiều trường hợp được ghi nhận bị nhiễm virus sau khi tiêm vắc-xin, nhất là khi mới chỉ tiêm một mũi vắc-xin.

“Do không thể bảo đảm phòng nhiễm virrus 100%, người được tiêm vẫn có thể nhiễm và là nguồn lây cho những người khác", TS. Thái thừa nhận.

Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo, sau khi tiêm vắc-xin, kể cả mũi 1 hay đủ hai mũi, người được tiêm vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

Với Covid-19 hiện nay, đó là các biện pháp 5K của Bộ Y tế (đeo khẩu trang, thực hiện khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế).

Khẳng định quy trình tiêm chủng của Việt Nam rất chặt chẽ bảo đảm an toàn, người dân cần có niềm tin, người đứng đầu ngành Y tế cho hay các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ.

Bộ Y tế cũng quy định người tiêm được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đồng thời diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.

“Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Sau hết, dù đã tiêm hay chưa tiêm vắc-xin, trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng hiện nay, ý thức chống dịch của người dân cần được tăng cao để mỗi gia đình, cá nhân là một pháo đài chống dịch, để mỗi người không phải nói “giá như” sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra.

Dành hơn 12.000 tỷ đồng ngân sách mua vắc-xin phòng Covid-19
Đến hết ngày 31/1/2021, không kể các khoản đã được chuyển nguồn sang năm 2021 theo quy định, dự toán kinh phí ngân sách Trung ương năm 2020...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư