Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dự trữ nguồn hàng hóa Tết 2023 tăng 10-12%
Thế Hoàng - 09/12/2022 09:54
 
Dự trữ hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán 2023 tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước,tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường.
Nguồn cung hàng hóa Tết 2023 đã được các địa phương, doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ lo
Nguồn cung hàng hóa Tết 2023 đã được các địa phương, doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ lo xong.

Hàng Tết 2023 đã sẵn sàng

Theo Tổ Điều hành Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán 2023 sẽ sôi động hơn, dự trữ hàng hoá tại nhiều địa phương tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...

Nhu cầu  tiêu dùng hàng hóa Tết 2023 dự kiến sẽ tăng khoảng 8-10% so với năm ngoái, tuy hiên, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước.

Thông tin tại Hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão, ông Phạm Văn Duy – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2022, thời tiết khí hậu cơ bản thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, từ diện tích, năng suất sản lượng cơ bản vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, về lúa gạo, ước tính năm 2022, tổng sản lượng cả nước đạt 43,1 triệu tấn thóc, giảm 0,8% so với năm 2021, tương đương 382.000. Lượng thóc này cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước gồm 9,3 triệu tấn gạo; xuất khẩu 6,3-6,5 tấn gạo; sản lượng dành cho chế biến, chăn nuôi, dự phòng giống…

Đối với rau củ quả, sản lượng đạt 19 triệu tấn, tăng 670.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021, sản lượng thịt đạt 6,98 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021; Sữa tươi 1,16 triệu tấn; Trứng 18,4 tỷ quả…

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, để đảm bảo cung cầu và ổn định giá hàng hóa thiết yếu cho các kênh phân phối, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng Tết. Trong đó tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến… Với 46 trung tâm thương mại, 227 siêu thị và 3000 cửa hàng tiện ích, nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết tại TP.HCM tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết của doanh nghiệp tại địa phương tăng so với năm trước và đã được lên kế hoạch từ sớm. Tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến khoảng 1.850 tỷ đồng. Trong đó: 351,9 tấn gạo, nếp các loại; hơn 4.000 tấn thịt các loại, 645,7 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp, 287,6 tấn thực phẩm khô, 900 tấn rau củ quả các loại.

Việc chuẩn bị hàng hóa các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tại Hà Nội cũng đã xong. Ước tính tổng giá trị hàng hóa Tết 2023 đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2021. Cụ thể, dự trù lượng hàng hóa tính cho 3 tháng trước, trong và sau Tết: gạo 290.100 tấn; thịt lợn 57.900 tấn, Thịt gà: 19.200 tấn, thịt bò: 16,050 tấn, trứng gia cầm 387 triệu quả, rau củ 322.500 tấn; thực phẩm chế biến 15.900 tấn; thủy hải sản 15.900 tấn; trái cây 156.000 tấn... 

"Thành phố triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2022 (thời gian thực hiện từ tháng 7/2022 đến hết tháng 5/2023) với sự tham gia của 32 đơn vị sản xuất, kinh doanh, thực hiện cung ứng hàng hóa tới hơn 12.000 điểm bán trên toàn thành phố Hà Nội", Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Trần Thị Phương Lan cho hay.

Các doanh nghiệp phân phối cũng cơ bản chuẩn bị nguồn hàng dự trữ đảm bảo cho nhu cầu tăng cao dịp Tết.

Theo ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành khối cửa hàng Big C/GO khu vực Hà Nội và miền Bắc Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho hay: "Chúng tôi làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để dự báo số lượng sản xuất từ Quý 2/2022 và công tác dự trữ hàng hóa Tết đã được thực hiện từ đầu tháng 10. Bên cạnh kênh bán hàng tại điểm bán, doanh nghiệp  đẩy mạnh cung cấp hàng hóa Tết qua kênh thương mại điện tử, qua các app bán hàng của GO, Big C, Tops.”.

Lãnh đạo Bộ Công thương yêu cầu, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết chủ động kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; Dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý.

Các đơn vị kinh doanh thương mại cũng phải chủ động triển khai các chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo, vùng sâu vùng xa nhằm cung ứng tốt hàng hóa thuộc diện bình ổn thị trường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư