Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Đưa đường sắt Việt Nam hội nhập quốc tế
Thanh Chung - 28/08/2022 15:08
 
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt đường sắt liên vận quốc tế, nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng trong nước và duy trì hoạt động liên vận quốc tế.

Định hướng lâu dài của ngành đường sắt Việt Nam

Hội nghị Tổng giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 42 vừa diễn ra tại Đà Nẵng, với sự tham gia của 170 đại biểu và quan sát viên, trong đó có các đại biểu đến từ ngành đường sắt 8 nước ASEAN.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, đây hoạt động thường niên được ngành đường sắt các nước ASEAN luân phiên tổ chức. Đặc biệt là, đây là lần thứ 5, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng này.

Theo ông Mạnh, trong 2 năm qua, ngành đường sắt Việt Nam và các nước trong khu vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Tuy nhiên, ngành đường sắt đã thể hiện được vai trò cốt yếu của mình, là xương sống của nền kinh tế - xã hội, đảm bảo chuỗi cung ứng trong nước và duy trì hoạt động liên vận quốc tế. Tổng doanh thu của ngành đường sắt trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 77% so với cùng kỳ năm 2019.

“Trong suốt thời gian khó khăn đó, hàng trăm chuyến tàu đưa người từ vùng dịch về quê, hay những chuyến tàu miễn phí đưa các đoàn y bác sĩ, thiết bị, máy móc và hàng hóa cứu trợ chi viện cho vùng dịch…”, ông Mạnh chia sẻ.

Ông Mạnh mong muốn, thông qua sự kiện này, có thể xúc tiến việc hợp tác chặt chẽ hơn, kịp thời hơn để các bên liên quan có những kinh nghiệm cho riêng mình để triển khai thực hiện hiệu quả. “Chúng tôi định hướng tập trung phát triển vận tải hàng hóa, vận tải hành khách, nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt phục vụ khách du lịch”, ông Mạnh nói.

Đối với khu vực miền Trung, ông Mạnh đề xuất nâng cấp các nhà ga có kho, bãi đậu đạt tiêu chuẩn có thể kết nối với hệ thống giao thông khác nhằm vận chuyển hàng hóa thuận tiện.

Về vận tải đường sắt liên vận quốc tế, ông Mạnh cho biết: “Đường sắt Việt Nam đã kết nối được với các nước trên thế giới ở cửa khẩu Đồng Đăng và Lào Cai, do đó, ngành đường sắt đang đề xuất những giải pháp, định hướng và chương trình phát triển sắp đến để góp phần vào xây dựng bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng”.

Tái cơ cấu, tạo năng lực cạnh tranh

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu hoàn chỉnh kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch Mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đến năm 2030 là cải tạo, nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế.

Trong văn bản này, Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, trong đó ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế với Lào và Campuchia và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam cần tập trung phát triển đường sắt, vì đây là một trong ba trụ cột đột phá về phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

Theo ông Cảnh, trong thời gian tới, Bộ Giao thông - Vận tải cùng các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan sẽ chủ trì Đề án Tái cơ cấu đường sắt Việt Nam để tiếp tục phát triển đường sắt theo đúng quyết định của Trung ương, tiến tới đóng góp cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

“Đường sắt và đường biển là 2 loại hình giao thông hàng hóa với chi phí cước vận tải thấp. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước rất coi trọng việc phát triển hạ tầng giao thông đường sắt. Bộ Giao thông - Vận tải gần đây cũng đã trình Đề án Xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam theo hướng đảm bảo giảm khí thải, nối liền Hà Nội - TP.HCM và sẽ đi qua Đà Nẵng để tiếp tục phát triển kinh tế trong khu vực và toàn quốc thông qua hệ thống kết nối đường sắt với tất cả các trung tâm kinh tế”, ông Cảnh cho hay.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được "lệnh" không lỗ quá 550 tỷ đồng trong năm 2022
Đây là một trong những chỉ tiêu kinh doanh quan trọng mà đại diện chủ sở hữu giao Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư