Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Đường Quảng Ngãi được sức cầu nội địa hỗ trợ
Khắc Lâm - 05/06/2022 15:28
 
Sức cầu các nhóm hàng tiêu dùng phục hồi được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho triển vọng kinh doanh của CTCP Đường Quảng Ngãi, đồng thời giảm bớt áp lực do chi phí nguyên vật liệu tăng cao.
Sự phục hồi về sức cầu nội địa là động lực quan trọng hỗ trợ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thực phẩm đồ uống, trong đó có mảng sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi

Kết thúc quý đầu năm 2022, Đường Quảng Ngãi ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, với doanh thu thuần hợp nhất 1.813 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Sữa đậu nành tiếp tục là mảng kinh doanh dẫn dắt tăng trưởng của Công ty nhờ sự tăng trưởng cả về sản lượng và giá bán.

Cụ thể, sữa đậu nành mang lại 891,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp 49% cơ cấu doanh thu hợp nhất. Dù biên lợi nhuận gộp đã giảm 1,7 điểm % so với cùng kỳ chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu đầu gia tăng, nhưng mảng kinh doanh này vẫn đóng góp đến 74% lợi nhuận gộp của Đường Quảng Ngãi.

Mảng đường thu về 416 tỷ đồng doanh thu, chỉ tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước do sản lượng tiêu thụ sụt giảm trong bối cảnh thị trường đường trong nước biến diễn biến trầm lắng khi chờ đợi quyết định cuối cùng của Bộ Công thương về kết quả điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ các nước ASEAN. Biên lợi nhuận gộp mảng đường giảm 0,9 điểm % so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 11,3% trong quý I/2022 do chi phí nguyên liệu đầu vào và chi phí khấu hao tăng.

Mặc dù biên lợi nhuận gộp của cả 2 mảng kinh doanh chính đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng sự gia tăng tỷ trọng mảng sữa đậu nành có biên lợi nhuận cao hơn trong cơ cấu doanh thu vẫn giúp biên lợi nhuận gộp hợp nhất đạt 26,7%, cải thiện đáng kể so với mức 23,6% trong quý I/2021. Lợi nhuận gộp hợp nhất đạt 484 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, do chi phí bán hàng tăng mạnh khi Đường Quảng Ngãi đẩy mạnh các chi phí quảng cáo và khuyến mại thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, cùng thu nhập khác từ thanh lý vật tư, tài sản cố định giảm mạnh, nên lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 12,4% với 208 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng của lợi nhuận gộp. Lợi nhuận sau thuế đạt 175,8 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2021.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 8.000 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.008 tỷ đồng, giảm 19,6% so với thực hiện 2021. Như vậy, sau quý 1/2022, Đường Quảng Ngãi đã hoàn thành 17,5% mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Nhìn về triển vọng kinh doanh năm nay, sự phục hồi về sức cầu nội địa là động lực quan trọng hỗ trợ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thực phẩm đồ uống, trong đó có mảng sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi khi thu nhập thực của người dân được cải thiện và việc mở lại các dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch cùng các gói kích thích tài khóa lớn hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Đại diện Ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi cho biết, năm nay, Công ty sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh với các dòng thực phẩm và đồ uống mới khác để khai thác tiềm năng của thị trường đồ uống dinh dưỡng từ thực vật được đánh giá còn nhiều dư địa tăng trưởng. Tuy vậy, việc giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong xu hướng tăng mạnh của các loại hàng hóa nông sản kéo dài từ năm 2021 đến nay sẽ là khó khăn ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của Công ty.

Ngoài ra, biên lợi nhuận của mảng sữa đậu nành còn chịu thêm ảnh hưởng từ xu hướng tăng của giá đường. Dù Đường Quảng Ngãi cũng có mảng kinh doanh đường và sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi của giá đường và việc Bộ Công thương tiếp tục điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ một số nước, nhưng tỷ trọng đóng góp của mảng mía đường còn khá thấp trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận gộp của Công ty.

Điểm mạnh của Đường Quảng Ngãi hiện nay là tình hình tài chính tương đối lành mạnh. Công ty không có nợ vay dài hạn. Vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động chỉ chiếm 23,2% cơ cấu nguồn vốn đến cuối quý I/2022, với 2.414 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty có khoản tiền mặt 341 tỷ đồng và mục tiền gửi ngân hàng đạt 3.693 tỷ đồng đến cuối quý 1/2022. Lượng tiền dự trữ dồi dào một mặt giúp thu nhập từ lãi tiền gửi bù đắp cho chi phí lãi vay phát sinh hàng năm, mặt khác Công ty có thể chủ động trong các hoạt động kinh doanh và đầu tư.    

Đường Quảng Ngãi rơi vào tầm ngắm M&A của các ông lớn
Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đang rơi vào tầm ngắm trong chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A) của các “ông lớn” bằng nhiều con đường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư