Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đường sắt Việt Nam: Tự ý chia nhỏ các gói thầu mua sắm ray đường sắt, không đấu thầu công khai
Anh Minh - 22/08/2017 07:55
 
Nhiều công ty con của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tự ý chia nhỏ các gói thầu mua sắm ray đường sắt để chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp thay vì đấu thầu công khai.

Non kinh nghiệm?

Theo thông tin của Báo Đầu tư, cho đến thời điểm này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vẫn chưa gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan tới những sai sót trong quá trình mua sắm, đấu thầu đối với chủng loại ray P50 dài 25m có xuất xứ từ Trung Quốc trong kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2016.

Trước đó, trong Kết luận Thanh tra số 5615/TT - BGTVT được ban hành vào đầu tháng 6/2017, mốc báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu là trước ngày 30/7/2017. Trong Kết luận thanh tra đột xuất số 5615, Bộ GTVT đã phát hiện một loạt sai sót liên quan đến trình tự, thủ tục mua sắm, đấu thầu đối với loại ray P50 dài 25m có xuất xứ từ Trung Quốc của VNR và các công ty cổ phần ngành đường sắt.

Thay vì xuất xứ tại Liên bang Nga, chủng loại ray P50 dài 25m được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị xuất xứ Trung Quốc.
Thay vì xuất xứ tại Liên bang Nga, chủng loại ray P50 dài 25m được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị xuất xứ Trung Quốc.

Cần phải nói thêm rằng, công tác mua sắm loại vật tư đặc chủng này nằm trong Kế hoạch tổng thể Bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2016 có giá trị lên tới 2.190 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách do VNR thực hiện. Căn cứ kế hoạch được Bộ GTVT và nhu cầu thực tế, VNR chỉ đạo 8 công ty cổ phần đường sắt đã tổ chức các dự án mua sắm ray P50 dài 25m phục vụ công tác bảo dưỡng thường xuyên.

Mặc dù cùng nằm trong một đơn vị và hoàn toàn có thể tiến hành mua sắm tập trung, nhưng VNR lại giao cho các công ty con tự “loay hoay” mua sắm ray theo các hình thức khác nhau.

Theo ghi nhận của Thanh tra Bộ GTVT, trong số các đơn vị được VNR giao việc, Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước; 4 công ty cổ phần đường sắt (Yên Lào, Hà Lạng, Hà Hải, Nghệ Tĩnh) thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh; 3 công ty cổ phần đường sắt (Hà Ninh, Quảng Bình, Nghĩa Bình) thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và mua sắm trực tiếp.

Điều đáng nói là, một số cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu tại các đơn vị thành viên VNR không có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu; hầu hết các cá nhân của 8 đơn vị tham gia trực tiếp vào việc lập hồ sơ yêu cầu, đánh giá hồ sơ đề xuất không có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định tại Điều 16, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới các sai sót trong quá trình mua sắm ray P50 có giá trị hàng chục tỷ đồng.

Kết quả thanh tra cho thấy, có 2 đơn vị lựa chọn hình thức chào hàng cạnh tranh mua sắm ray P50 không đúng theo quy định tại khoản 1, Điều 57, Nghị định số 63/2014/NĐ - CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu (chỉ chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường áp dụng đối với gói thầu có giá trị không quá 5 tỷ đồng). Cụ thể, gói thầu do Công ty cổ phần Đường sắt Nghệ Tĩnh thực hiện có giá gói thầu 5,046 tỷ đồng và Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Bình (giá gói thầu là 5,216 tỷ đồng). Thay vì phải tiến hành đấu thầu rộng rãi trong nước, 2 đơn vị này lại lựa chọn hình thức chào hàng cạnh tranh.

Mặc dù cùng nằm trong một đơn vị và hoàn toàn có thể tiến hành mua sắm tập trung, nhưng VNR lại giao cho các công ty con tự “loay hoay” mua sắm ray theo các hình thức khác nhau.

Bên cạnh đó, mặc dù kế hoạch mua sắm, phương án giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2016 đã được Bộ GTVT phê duyệt, nhưng Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh đã tự ý chia nhỏ dự án thành 3 gói thầu, còn Công ty cổ phần Đường sắt Nghĩa Bình thì chia nhỏ thành 2 gói thầu để lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp thay vì tổ chức đấu thầu rộng rãi.

Theo Bộ GTVT, đây là việc làm là chưa phù hợp theo quy định tại điểm h, khoản 6, Điều 89 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật, nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu).

Hệ lụy trực tiếp của việc “thích” hình thức chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp là giá trúng thầu mua ray cao hơn hẳn so với giá qua đấu thầu cạnh tranh. Cụ thể, trong khi Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên tổ chức đấu thầu, nên giá mua ray P50 dài 25 m tại Ga Yên Viên là thấp nhất với giá là 28.418.721 đồng/thanh (không bao gồm phụ kiện, chi phí vận chuyển), thì các đơn vị khác lựa chọn theo hình thức chào hàng cạnh tranh có giá mua cao hơn, dao động từ 29,2 triệu đồng đến 33 triệu đồng/thanh.

Loạn giá

Theo Thanh tra Bộ GTVT, trong số 11 gói thầu do 8 công ty cổ phần đường sắt tổ chức đấu thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp ray P50 dài 25 m, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp Nam Việt (trúng 2 gói) và Công ty cổ phần Thương mại và Tư vấn Tân Cơ (trúng 9 gói). Cả hai nhà thầu cung cấp này đều là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, Công ty CP Thương mại và Tư vấn Tân Cơ, nhà thầu trúng 9 trong số 11 gói thầu mua ray P50 của Trung Quốc, có địa chỉ tại số 92 - phố Yết Kiêu (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội), có vốn điều lệ là 20 tỷ đồng; Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp Nam Việt có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, có địa chỉ tại P.206, Tòa nhà 24T2, đường Hoàng Đạo Thúy (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội).

Được biết, theo Phương án giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2016 được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1247/QĐ - BGTVT ngày 22/4/2016, chủng loại ray P50 dài 25m được ấn định xuất xứ từ Liên bang Nga.

Tuy nhiên, với lý do phía Nga ít sản xuất loại ray như yêu cầu, cự ly vận chuyển xa, nên vào tháng 6/2016, ông Đới Sỹ Hưng, Phó tổng giám đốc VNR đề nghị Bộ GTVT cho phép sử dung loại ray P50 dài 25 m được sản xuất tại các nước khác để thay thế.

Về vấn đề này, Thanh tra Bộ GTVT khẳng định, VNR đã chậm có văn bản báo cáo Bộ GTVT về nguồn gốc, xuất xứ, giá thành trước khi đưa vào sử dụng để điều chỉnh phương án giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

Liên quan tới vấn đề trên, Bộ GTVT yêu cầu Vụ Kết cấu hạ tầng phải kiểm điểm trách nhiệm trong tham mưu trình lãnh đạo Bộ ký Văn bản 7350/BGTVT - KCHT (Văn bản đồng ý cho phép VNR thay thế chủng loại ray P50 dài 25m xuất xứ Nga thành xuất xứ Trung Quốc; đồng thời cho phép VNR chào hàng cạnh tranh thay vì đấu thầu rộng rãi theo quy định).

“Cùng với việc khẩn trương rà soát những tồn tại, nghiêm khắc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan, VNR cần áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà thầu cung cấp ray phục vụ bảo dưỡng thường xuyên trong lĩnh vực bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt để công khai minh bạch, tiết kiệm ngân sách Nhà nước”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu.

Đề xuất di dời Ga Hà Nội, đường sắt liên tỉnh ra khỏi nội đô
Khẳng định đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm, với rất nhiều đường ngang giao cắt, gây ra nhiều xung đột và là nguyên nhân dẫn đến tình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư