Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Èo uột Quỹ bảo lãnh tín dụng
Mạnh Bôn - 22/09/2017 15:01
 
Chính phủ đang nghiên cứu lại mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quỹ Bảo lãnh tín dụng) nhằm bảo đảm hỗ trợ vốn cho đối tượng này theo đúng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
.
Từ năm 2002 đến nay, 27 Quỹ Bảo lãnh tín dụng mới cho vay được trên 4.161 tỷ đồng, tổng số tiền trả nợ thay cho doanh nghiệp không trả được nợ cho tổ chức tín dụng (trừ khoản bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển) ước vào khoảng 361 tỷ đồng.

Quỹ BLTD là một tổ chức tài chính, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận do UBND cấp tỉnh thành lập và quản lý để cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn bằng VND tại các tổ chức tín dụng được thành lập năm 2001 bằng Quyết định 193/2001/QĐ-TTg (hiện tại thực hiện theo Quyết định 58/2013/QĐ-TTg).

Theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết; không được từ chối bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ điều kiện được bảo lãnh.

Sau 15 năm hoạt động, hiện cả nước mới có 27 Quỹ Bảo lãnh tín dụng được thành lập trong số 63 tỉnh thành, với tổng vốn điều lệ ước vào khoảng 1.462 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp 1.318,4 tỷ đồng, các nguồn vốn khác, bao gồm vốn góp của tổ chức tín dụng; doanh nghiệp; hiệp hội ngành nghề; vốn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân (bao gồm cả vốn ODA) trong và ngoài nước cho mục tiêu phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có 143,6 tỷ đồng.

Với số vốn rất “hẻo” này, kể từ năm 2002 đến nay, 27 Quỹ Bảo lãnh tín dụng mới cho vay được trên 4.161 tỷ đồng, tổng số tiền trả nợ thay cho doanh nghiệp không trả được nợ cho tổ chức tín dụng (trừ khoản bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển) ước vào khoảng 361 tỷ đồng.

Theo TS.Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và Dự báo (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dù hoạt động không được như kỳ vọng, nhưng Quỹ Bảo lãnh tín dụng cũng đã góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, có vốn để duy trì hoạt động, mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của định chế tài chính này cũng như hoạt động bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển chưa được đánh giá cao do nguồn vốn của quỹ quá “mỏng”, chưa hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp.

“Có doanh nghiệp đã góp vốn vào quỹ, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã rút ra vì thấy hoạt động bảo lãnh không hiệu quả. Ngân hàng cũng không mấy thiết tha với hoạt động bảo lãnh nên rất hiếm có nhà băng nào rót vốn vào quỹ. Thậm chí khi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn, ngân hàng cũng không mấy quan tâm doanh nghiệp có được bảo lãnh hay không, cái mà ngân hàng quan tâm là khách hàng vay có tài sản bảo đảm và phương án kinh doanh, dự án đầu tư có hiệu quả không, có khả năng thu hồi vốn hay không”, ông Đức Anh cho biết.

Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Bắc Ninh, ông Nguyễn Phương Bắc cho biết, thậm chí doanh nghiệp cũng không quá mặn mà với việc được bảo lãnh.

Nguyên nhân, theo ông Bắc, hiện có quá nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã; doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh… nên tâm lý thích được hỗ trợ trực tiếp đã ăn sâu vào doanh nghiệp.

“Nếu đi khảo sát hỏi xem doanh nghiệp muốn được hỗ trợ gì, chắc chắn họ sẽ trả lời là muốn được hỗ trợ tài chính, được vay vốn giá rẻ, được hỗ trợ mặt bằng, được miễn giảm các loại thuế… nhưng tất cả các loại hỗ trợ này phải là “cho không, biếu không”, còn hỗ trợ gián tiếp thông qua bảo lãnh tín dụng hay các loại hỗ trợ gián tiếp khác mà doanh nghiệp phải có trách nhiệm với nguồn hỗ trợ thì họ đều không mặn mà”, ông Phương bình luận.

Theo ông Phương, Quỹ Bảo lãnh tín dụng muốn phát triển, ngoài việc phải thay đổi mô hình tổ chức hoạt động, quy chế bảo lãnh, quy trình bảo lãnh thì phải sắp xếp lại các khoản hỗ trợ trực tiếp để doanh nghiệp thay đổi suy nghĩ về hỗ trợ từ Nhà nước.

“Muốn có đất đai thì doanh nghiệp phải thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; muốn có vốn phải tiếp cận ngân hàng theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng sản xuất, tiếp cận vốn ngân hàng. Nếu doanh nghiệp vẫn còn tâm lý thiếu đất, thiếu vốn thì “vác đơn” đi xin thì Quỹ Bảo lãnh tín dụng khó có thể phát triển được”, ông Phương nhấn mạnh.

Trên thế giới, Quỹ Bảo lãnh tín dụng được hình thành theo mô hình tổ chức tài chính phi lợi nhuận của Chính phủ, hỗ trợ cho một nhóm đối tượng nhất định, trong từng thời kỳ nhất định. Ngoài đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, quỹ Bảo lãnh tín dụng còn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, thị trường, tư vấn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.

Ngoài ra còn có mô hình là quỹ Bảo lãnh tín dụng tư nhân do các hiệp hội ngành hàng huy động vốn từ thành viên và các nguồn vốn hợp pháp khác đứng ra bảo lãnh cho thành viên vay vốn ngân hàng. Quỹ này không chỉ là cầu nối giữa ngân hàng với thành viên mà cũng hỗ trợ thành viên về thông tin, thị trường, đào tạo…

Trong khi đó, Quỹ Bảo lãnh tín dụng của Việt Nam, theo ông Đặng Đức Anh, được tổ chức như công ty cổ phần, trong đó, Nhà nước nắm cổ phần chi phối, quyết định mọi vấn đề của quỹ nên không khuyến khích các nhà đầu tư khác tham gia.

“Hoạt động bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng có sự tham gia của chính quyền địa phương, ngành kế hoạch-đầu tư, tài chính, ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại, chi nhánh Ngân hàng Phát triển tại địa phương (cơ quan thực hiện điều hành hoạt động Quỹ BLTD theo hợp đồng)… cũng là nguyên nhân khiến Quỹ Bảo lãnh tín dụng hoạt động kém hiệu quả. Bởi thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, cái gì có quá nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức tham gia thì hiệu quả đạt được rất thấp”, ông Bắc bình luận.

Đà Nẵng tháo gỡ vướng mắc của Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ngày 14/3, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, UBND Thành phố vừa có văn bản gửi Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư