Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
EVN thoái mạnh vốn ngoài ngành
Thanh Hương - 01/10/2015 09:41
 
Năm tổng công ty điện lực trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thoái vốn thành công tại 23 đơn vị, thu về 648,4 tỷ đồng, thặng dư 38,1 tỷ đồng so với giá trị đầu tư ban đầu.
EVN sắp đấu giá công khai, bán nốt phấn vốn đang nắm giữ tại ngân hàng TMCP An Bình
EVN sắp đấu giá công khai, bán nốt phấn vốn đang nắm giữ tại Ngân hàng TMCP An Bình

Một báo cáo mới đây của EVN cho biết, tính đến hết quý II/2015, 5 tổng công ty điện lực (Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công ty Điện lực miền Trung) đã thoái vốn thành công tại 23 đầu mối doanh nghiệp.

Theo kế hoạch đặt ra, 5 tổng công ty điện lực trên cần phải hoàn thành toàn bộ việc thoái vốn tại 35 doanh nghiệp với tổng số vốn cần thoái là 1.043 tỷ đồng trong năm 2015. Như vậy, các tổng công ty điện lực còn 12 đầu mối doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn, với tổng số vốn còn phải thoái là 484 tỷ đồng theo phương án tái cơ cấu các tổng công ty điện lực đã được Hội đồng thành viên EVN phê duyệt.

Mặc dù kết quả thoái vốn của các tổng công ty điện lực khả quan, nhưng theo đánh giá của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, cũng còn nhiều khó khăn. Đó là tìm kiếm đối tác để thực hiện chuyển đổi hình thức, sắp xếp và chuyển nhượng vốn khi thị trường chứng khoán trong nước vẫn trầm lắng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp do tính đặc thù cao, nên ít nhà đầu tư quan tâm, ảnh hưởng đến tiến độ tái cơ cấu và thoái vốn theo lộ trình.

Một khó khăn khác nữa là theo Thông tư số 220/2013/TT-BTC, việc xác định giá khởi điểm khi thoái vốn phải được thẩm định thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá. Tuy nhiên, công việc này thường kéo dài, chứng thư thẩm định giá lại có giá trị chỉ từ 6 tháng đến 1 năm. Vì vậy, khi đấu giá không thành công phải đấu giá lại thì nhiều trường hợp chứng thư đã quá hạn sử dụng, phải thẩm định giá lại, làm ảnh hưởng đến hiệu quả việc thoái vốn.

Không chỉ các doanh nghiệp thành viên thực hiện thoái vốn mạnh mẽ mà ngay Công ty mẹ - EVN cũng đang đẩy nhanh tiến trình thoái vốn. 

Theo Đề án Tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012 - 2015, EVN sẽ phải thực hiện thoái vốn và giảm vốn tại 7 Công ty cổ phần (CTCP) đến hết năm 2015. Tính đến hết tháng 8/2015, tổng giá trị thoái vốn, giảm vốn ngoài ngành nghề kinh doanh chính của EVN đạt 958,318 tỷ đồng.

Cho tới hết năm 2014, EVN đã hoàn thành công tác thoái toàn bộ vốn ở 3 doanh nghiệp bất động sản là CTCP Đầu tư xây dựng Điện lực Việt Nam, CTCP Bất động sản Sài Gòn Vina và CTCP Bất động sản Điện lực miền Trung  bằng hình thức đấu giá công khai với giá trị cổ phiếu bằng hoặc cao hơn mệnh giá.

Ở thời điểm này, EVN đang khẩn trương tiến hành thoái vốn tại 4 doanh nghiệp là CTCP Bảo hiểm Toàn cầu, Ngân hàng TMCP An Bình, CTCP Đầu tư xây dựng Điện lực Việt Nam và Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance).

“EVN đang hoàn tất các bước chuẩn bị để tổ chức bán đấu giá công khai phần vốn còn lại của mình tại Ngân hàng TMCP An Bình trong tháng 10/2015”, nguồn tin từ EVN cho hay.

Trước đó, EVN đã chuyển nhượng thành công 25,2 triệu cổ phần nắm giữ tại đây cho CTCP Xuất nhập khẩu Hà Nội, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 21,27% xuống còn 16,02% vốn điều lệ của ABBank. Phần vốn còn lại hình thành từ lợi nhuận được chia bằng cổ phiếu, tiền mặt của EVN tại ABBank. Vào ngày 14/9/2015, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cũng đã chấp nhận hồ sơ công bố thông tin về việc thoái vốn tại ABBank, dọn đường cho EVN thoái nốt vốn đang nắm giữ tại đây.

Tại EVN Finance, hiện EVN đang làm việc với các nhà đầu tư muốn mua thỏa thuận 3,75 triệu cổ phần của EVN (chiếm 1,5% vốn điều lệ của EVN Finance) để đảm bảo tỷ lệ nắm giữ 15% vốn điều lệ tại công ty theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Hết năm 2014, sau khi hoàn tất chuyển nhượng 58,75 triệu cổ phần nắm giữ, tỷ lệ sở hữu của EVN tại EVN Finance đã giảm từ 40% xuống còn 16,5% vốn điều lệ.

Ở CTCP Bảo hiểm Toàn Cầu, EVN đang bổ sung hồ sơ công bố thông tin về thoái vốn theo yêu cầu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và triển khai thực hiện các bước thoái vốn tiếp theo theo quy định ngay sau khi Bộ Công thương phê duyệt mức giá khởi điểm để bán đấu giá cổ phần của EVN tại đây. Hiện EVN đang nắm giữ 20% vốn điều lệ tại CTCP Bảo hiểm Toàn Cầu sau khi đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 22,5% xuống thông qua chuyển nhượng 1 triệu cổ phần cho Công ty International ERGO.

Doanh nghiệp cuối cùng cần thoái vốn là CTCP Chứng khoán An Bình cũng đang được EVN xúc tiến làm việc với các nhà đầu tư để bán nốt số cổ phần chưa bán hết tại đây. Trước đó các thủ tục thoái toàn bộ vốn của EVN theo phương án đấu giá công khai toàn bộ 11,49 triệu cổ phần theo phê duyệt của Bộ Công Thương đã được EVN triển khai từ năm 2014. Sau khi được sự chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, EVN đã thực hiện công bố về đợt đấu giá bán cổ phần của EVN tại ABS. Tuy nhiên phiên đấu giá bị hủy do hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền đặt cọc mua cổ phần nhưng không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự.

Áp lực thoái vốn nhà nước lớn dần
8 tháng, các doanh nghiệp cả nước thoái được 8.391 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 12.384 tỷ đồng, song mục tiêu trong 4 tháng còn lại của năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư