Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
EVNNPT tăng tốc hoàn thành mục tiêu chiến lược
Minh Hoàng - 26/09/2020 20:22
 
Mục tiêu chiến lược của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia Việt Nam (EVNNPT) là trở thành một trong 4 tổ chức truyền tải điện hàng đầu ASEAN ngay trong năm 2020.
Công tác đầu tư được EVNNPT đẩy mạnh với mục tiêu tăng mức độ an toàn và tính ổn định cho lưới truyền tải.
Công tác đầu tư được EVNNPT đẩy mạnh với mục tiêu tăng mức độ an toàn và tính ổn định cho lưới truyền tải

Đối mặt với khó khăn

Tại cuộc họp kiểm điểm thực hiện kế hoạch năm 2020 và triển khai các giải pháp hoàn thành toàn diện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của EVNNPT giữa tháng 9/2020, nhiều giải pháp quyết liệt tiếp tục được đưa ra nhằm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch này.

Với thực tế năm 2020 có nhiều thách thức từ Covid-19, phát triển phụ tải thấp dẫn đến sản lượng sụt giảm rất mạnh, nên trong 8 tháng đầu năm, chỉ tiêu sản lượng điện truyền tải của EVNNPT mới đạt 137,221 tỷ kWh so với kế hoạch 215,109 tỷ kWh được giao, đạt 63,79%. Kết quả này tuy tăng 1,77% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tốc độ tăng trưởng này là khá thấp so với chỉ tiêu 7,7% được giao.

Theo đánh giá của EVNNPT, nếu tình hình này tiếp tục diễn biến trong các tháng cuối năm 2020 sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu, lợi nhuận và các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ở chỉ tiêu tổn thất điện năng truyền tải, trong 4 năm qua, EVNNPT đã đạt kết quả khích lệ khi đạt được kế hoạch EVN giao. Tính đến hết 8 tháng của năm 2020, chỉ tiêu tổn thất điện năng truyền tải đạt 2,11%, thấp hơn 0,04% so với kế hoạch EVN giao.

Tuy nhiên, tổn thất điện năng toàn EVNNPT đang tăng dần từ tháng 7 trở lại đây do phương thức vận hành truyền tải cao từ Bắc vào Nam khi các nhà máy thủy điện khu vực miền Bắc phát cao, dẫn tới có nguy cơ vượt kế hoạch EVN giao nếu phương thức vận hành trong các tháng cuối năm vẫn diễn biến bất lợi như thời gian vừa qua.

Đây cũng là một vấn đề đang được EVNNPT tập trung đưa ra các giải pháp cụ thể để giảm thiểu tổn thất điện năng, phấn đấu năm 2020 duy trì được kết quả thực hiện như năm 2019 là 2,15%.

Trong công tác sửa chữa lớn, mặc dù đã chủ động tập trung tổ chức triển khai thực hiện ngay từ quý III của năm trước năm kế hoạch, nhưng do ảnh hưởng của Covid-19, hoạt động này cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như: các hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị nhập khẩu bị chậm tiến độ cấp hàng do nhiều nhà sản xuất trên toàn cầu ngưng hoạt động sản xuất; tiến độ thi công các công trình bị ảnh hưởng do các quy định bắt buộc về cách ly xã hội. Ước cả năm 2020, EVNNPT sẽ thực hiện được 790 tỷ đồng về sửa chữa lớn, đạt 83,98% kế hoạch EVN giao.

Cho tới thời điểm hiện nay, EVNNPT cũng đang quản lý 81 trạm biến áp 220 kV không người trực, chiếm 63,8% số trạm biến áp 220 kV hiện hữu.

Tăng tốc đầu tư

Từ năm 2016 trở lại đây, công tác đầu tư đã được EVNNPT chú trọng và đẩy mạnh với mục tiêu tăng mức độ an toàn và tính ổn định cho lưới truyền tải. Dẫu vậy, với thực tế triển khai các công trình điện bị chậm trễ trong nhiều năm qua do việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, nên tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, tổng khối lượng đầu tư xây dựng toàn EVNNPT có thể đạt 92.791 tỷ đồng, bằng 88,4% kế hoạch 5 năm được giao.

Cũng để phục vụ hoạt động đầu tư, công tác thu xếp vốn đã được đẩy nhanh. EVNNPT đã ký hợp đồng tín dụng thu xếp vốn cho 7 dự án với tổng số tiền vay là 3.755 tỷ đồng. Đã triển khai công tác thu xếp vốn cho 38 dự án với tổng số tiền vay là 16.090 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong năm 2020, EVNNPT đã phát hành hồ sơ yêu cầu  thu xếp vốn cho dự án đường dây 500 kV Đức Hòa - Chơn Thành với số tiền 50 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) theo hình thức chào cạnh tranh trong nước và nước ngoài, không có bảo lãnh Chính phủ. Kết quả, Ngân hàng Fubon (Đài Loan) xếp hạng thứ nhất và được lựa chọn cung cấp khoản vay. Đến thời điểm hiện nay, hai bên đã thương thảo xong các điều kiện vay cơ bản.

Năm nay, EVNNPT được giao khởi công 37 dự án và sau 8 tháng đã khởi công 15 dự án. Trong các dự án còn lại, có 9 dự án chưa duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi và 6 dự án chưa được phê duyệt thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công. Dẫu vậy, EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ để khởi công thêm 7 dự án ngoài kế hoạch.

Hiện EVNNPT đã đóng điện 23 trong tổng số 59 dự án của năm nay. Dự kiến, đến cuối năm 2020, sẽ tổ chức đóng điện thêm 24 dự án đã có trong kế hoạch cùng 4 dự án ngoài kế hoạch.

Với thực tế sản lượng truyền tải điện giảm nhiều, có nguy cơ mất hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu cũng khiến EVNNPT đang quyết liệt rà soát ngay chi phí để đảm bảo cân đối tài chính cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2020 và hoàn thành toàn diện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Trước đó, ngày 17/9/2020 tại buổi họp Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040, ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNNPT đã yêu cầu các đơn vị, các ban tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ bản nhằm phấn đấu ngay trong năm 2020 hoàn thành mục tiêu chiến lược là một trong 4 tổ chức truyền tải điện hàng đầu ASEAN.

EVNNPT căng mình lo truyền tải điện
Ông Lưu Việt Tiến, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) trao đổi về những thách thức trong vận hành để đảm bảo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư