Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Fed tung gói hỗ trợ đặc biệt, chứng khoán Nhật Bản hưởng lợi
Lê Quân - 24/03/2020 01:18
 
Chứng khoán châu Á tăng vọt trong phiên giao dịch sáng 24/3 khi các quốc gia tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dẫn đầu sóng tăng điểm tại khu vực khi vọt lên 5,74% trong phiên giao dịch sáng nay 24/3. Ảnh: AFP
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dẫn đầu sóng tăng điểm tại châu Á khi vọt lên 5,74% trong phiên giao dịch sáng nay 24/3. Ảnh: AFP

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dẫn đầu làn sóng tăng điểm tại khu vực châu Á khi vọt lên 5,74%. Đáng chú ý trong rổ Nikkei 225, cổ phiếu “nặng ký” của hãng bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Fast Retailing và tập đoàn công nghệ Softbank bật tăng lần lượt 9,3% và 16,85%. Chỉ số Topix sáng nay cũng ghi nhận mức tăng 2,58%.

Sắc xanh cũng phủ rộng thị trường chứng khoán Hàn Quốc với chỉ số Kospi tăng mạnh 5,62%. Không “dữ dội” như sóng tăng điểm tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, chứng khoán Trung Quốc đại lục có mức lên điểm đáng ghi nhận với chỉ số Shanghai Composite tăng thêm 1,62% còn Shenzhen Composite tăng mạnh hơn với 1,678%. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng 3,67% ngay những giờ đầu giao dịch với cổ phiếu của tập đoàn công nghệ Tencent bật lên 5%.

Chứng khoán Australia cũng ghi nhận sắc xanh với chỉ số S&P/ASX 200 vọt lên 3,3%. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng hơn 3,82%.

Diễn biến tích cực trên các sàn chứng khoán châu Á xuất hiện sau thông tin Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố các chương trình mua tài sản không xác định thời hạn. Theo đó, Fed sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ vay vốn cần thiết để hỗ trợ thị trường hoạt động trơn tru, đồng thời thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ nhằm cải thiện các điều kiện tài chính và nền kinh tế nói chung.

“Fed không những đã cam kết mua nợ, gồm có chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp chính phủ và thế chấp nhà ở, mà còn lần đầu tiên cam kết mua các chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp thương mại”, ông Ray Attrill, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại Ngân hàng Quốc gia Australia bình luận.

“Không giống như thời khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008 - 2009) khi mà Fed giới hạn định mức mua vào mỗi tháng, lần này Fed không đưa ra hạn mức mua vào”, ông Attrill nói.

Trong khi đó, Đức chuẩn bị công bố các biện pháp lớn nhằm kích thích kinh tế trong bối cảnh số ca tử vong do Covid-19 tại châu Âu tăng cao. Cả châu Âu và Mỹ đều ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh những tuần gần đây.

Dù Fed có động thái kích thích nền kinh tế chưa từng có trong tiền lệ, nhưng chứng khoán phố Wall đêm qua chưa thể hồi phục mạnh mà ghi nhận diễn biến trái chiều. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đóng cửa tăng 582,05 điểm lên 18.591,93 điểm - mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 11/2016 trong khi S&P 500 mất 2,9% và đóng phiên với 2.237,40 điểm, còn Nasdaq Composite giảm 0,3% về mức 6.860,67 điểm.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác giảm từ mức 102,213 về 101,701. Đồng yên Nhật Bản trượt giá so với hôm qua 23/3 và giao dịch ở mức 110,34 JPY/USD. Đô la Australia mạnh lên và trao tay 1 AUD “ăn” 0,5917 USD.

Giá dầu trên thị trường châu Á sáng nay đi lên với dầu thô Brent giao kỳ hạn quốc tế tăng 4,03% lên 28,12 USD/thùng còn dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ vọt lên 4,88% lên 24,50 USD/thùng.

Thị trường chứng khoán: Nhà đầu tư cần cẩn trọng và tiết kiệm
Tâm lý nhà đầu tư lúc này chia thành những nhóm chính. Một là nhóm thu hồi tiền mặt và đứng yên đợi dịch bệnh được kiểm soát. Nhóm thứ hai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư