Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Fintech - tâm điểm để startup Việt hút vốn ngoại
H.T - 10/08/2017 20:38
 
Khi công nghệ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thì lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đang được xem là miếng bánh hấp dẫn thu hút vốn ngoại đầu tư vào các startup trong nước.
Công ty F88 đã huy động được 10 triệu USD từ Mekong Capital.
Công ty F88 đã huy động được 10 triệu USD từ Mekong Capital.

Fintech - làn sóng mới tạo nguồn cho các thương vụ M&A

Báo cáo hàng quý của KPMG cho thấy, trong quý I/2017, tổng vốn đầu tư trên toàn cầu vào lĩnh vực fintech đạt 3,2 tỷ USD, với 260 thương vụ. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 33 thương vụ, với tổng giá trị là 492 triệu USD.

Việt Nam không năm ngoài xu thế đó. Theo số liệu ước tính của Topica Founder Institute, năm 2016, tổng vốn đầu tư vào các start-up trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam đạt 129 triệu USD, chiếm 63% tổng giá trị hợp đồng khởi nghiệp. Các công ty có tuổi đời rất trẻ như Payoo, VNPT E-pay, M-Service (Momo) và F88 dẫn đầu về giá trị thương vụ hoàn tất.

Vậy các vòng gọi vốn của fintech ra sao? Đây có thể là một làn sóng mới tạo nguồn cho các thương vụ M&A khủng trong tương lai.

Ông Christian Konig, chuyên gia trong lĩnh vực fintech, sáng lập Fintech Meetup Vietnam và Fintechnews.sg, sau khi tham dự với tư cách làm diễn giả tại sự kiện hội tụ các chuyên gia, nhà đầu tư hàng đầu trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, đã cho thấy một cái nhìn rất lạc quan về sự tăng trưởng của thị trường này.

Ông dự đoán, các nhà đầu tư lớn như Alipay, Apple pay, hay Samsung pay sẽ gia nhập thị trường qua nhiều kênh khác nhau. Các sản phẩm trong thị trường này cũng sẽ rất đa dạng từ insurtech cho bảo hiểm, weathtech tư vấn đầu tư, nên các start-up trong lĩnh vực này sẽ từng bước trở nên chuyên nghiệp hơn và có thể đa dạng dịch vụ, chia nhỏ sản phẩm để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất bằng cách kết hợp với các tổ chức tài chính như ngân hàng, bảo hiểm.

Vòng gọi vốn: Series A chiếm ưu thế

Tính đến đầu năm 2017, có tới 70% số hợp đồng đã được tập trung vào vốn hạt giống (Seed-fund) và Series A, với khoảng 29,1 triệu USD. F88 là chuỗi cửa hàng cầm đồ có trụ sở tại Hà Nội và các khoản cho vay các tài sản đa dạng như ô tô, xe máy, điện thoại di động, máy tính xách tay và đồ trang sức đã huy động được 10 triệu USD từ Mekong Capital.

Khi nói đến Series B, MoMo một dịch vụ ví điện tử đã tăng 28 triệu USD từ Goldman Sachs và Standard Chartered. Series B, Series C, đầu tư thiên thần (Angel) và vòng mua lại chiếm lần lượt là 8%, 4%, 4% và 14%.

Giá trị thương vụ và sự quan tâm từ khối ngoại

Đây là điều có thể dự đoán khi fintech luôn được nhận định là thị trường tiềm năng để phát triển, các quỹ đầu tư mạo hiểm gia tăng rót vốn vào các thị trường có dân số trẻ và vẫn chủ yếu sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng truyền thống.

Mới đây, hai quỹ Hàn Quốc là Korea Investment Partners (KIP) và Mirae Asset Venture Investment đầu tư vào ứng dụng Appota – một sản phẩm của Việt Nam với giá trị 10 triệu USD. Thỏa thuận đầu tiên này sẽ được sử dụng để thúc đẩy giai đoạn phát triển tiếp theo của Appota với trọng tâm chính tập trung vào fintech.

Tháng 11/2016, Champion Crest, quỹ đầu tư của Credit China Fintech Holding từ Hong Kong, đã mua 51% cổ phần của Amigo Technologies JSC với giá 12,73 triệu USD.

Được biết, Amigo Technologies (công ty phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và giải pháp cho các dịch vụ tài chính cá nhân tại Việt Nam) là một trong 5 nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất tại Việt Nam theo thị phần.

Ông Phang Yew Kiat, Phó chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Credit China Fintech cho biết, thỏa thuận này là một phần trong kế hoạch mở rộng ra nước ngoài của Hãng. "Việc mua lại Amigo Technologies đánh dấu một mốc quan trọng trong chiến lược quốc tế của Credit China Fintech và là bước đi đầu tiên cho việc mở rộng nhóm này ra bên ngoài Trung Quốc”, ông Phang Yew Kiat nói.

Cũng trong năm 2016, giá trị thương vụ giữa M_Service, chủ sở hữu và điều hành MoMo, một ứng dụng thanh toán di động được vinh danh tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2016, nhận được 28 triệu USD từ Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Goldman Sachs.

Như vậy, có thể thấy, các start-up với các sản phẩm tài chính luôn giành được quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư.

Quỹ đầu tư gần 30 triệu USD tìm kiếm startup Fintech để rót vốn
Một ngân hàng ở Thái Lan đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm gần 30 triệu USD đầu tư vào các startup lĩnh vực Fintech trên toàn thế giới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư