Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Fintech cần “cú hích” từ chính sách
Lê Quân - 17/10/2019 15:15
 
Thanh toán điện tử cần cú hích từ cơ chế, chính sách để sớm đưa những ứng dụng công nghệ tài chính (fintech) mới nhập cuộc, tạo sức bật cho thị trường.
.
Để thanh toán điện tử bùng nổ, rất cần những chính sách nhanh và mạnh của Nhà nước.

Nội - ngoại đua nhau

Công ty TNHH FlyHigh (Hàn Quốc) đang chuẩn bị ra mắt ứng dụng BankBe tại Việt Nam, một nền tảng ngân hàng di động tích hợp các tài khoản ngân hàng của người dùng.

Khác với ví điện tử và dịch vụ Internet Banking hiện nay, BankBe hỗ trợ khách hàng truy cập nhiều tài khoản ngân hàng cùng một lúc để thực hiện thanh toán, chuyển tiền và cho phép đổi tiền Won (KRW) sang VND và ngược lại trên thiết bị di động để thanh toán ở Việt Nam hoặc Hàn Quốc.

Ông Humphrey Kang, Giám đốc điều hành FlyHigh đánh giá, thị trường Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi như tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động và truy cập Internet rất cao. Ngoài ra, cơ cấu dân số trẻ cũng là lợi thế lớn.

Còn ở trong nước, Trung tâm Fintech (Tổng công ty Truyền thông VNPT - Media) đang nhắm đến “miếng bánh” của thị trường thanh toán điện tử thông qua dự án khai phá thị trường nông thôn với dịch vụ Mobile Money trên cơ sở tận dụng hệ sinh thái khách hàng rộng khắp của VNPT.

Nói về thời điểm ra mắt ứng dụng, cả đại diện FlyHigh và Trung tâm Fintech đều cho biết là đang đợi phê duyệt dự án.

Chính sách đối với cái mới còn chậm

Để hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và phát triển các công ty fintech, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc về lĩnh vực fintech. NHNN cũng dự kiến triển khai 6 vấn đề trọng tâm liên quan đến fintech, tạo cơ sở để nghiên cứu hoàn thiện hệ sinh thái và khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này.

Tại Hội thảo “Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” diễn ra tuần qua, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ thanh toán, Phó trưởng ban chỉ đạo Fintech NHNN cho biết, dự thảo Đề án Cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động fintech (Regulatory Sandbox) đã được cơ quan này trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2019.

Sandbox cho phép các công ty khởi nghiệp fintech và tổ chức đổi mới sáng tạo khác được thực hiện thử nghiệm trực tiếp các dịch vụ trong môi trường được kiểm soát và giám sát chặt chẽ. Song, không phải đối tượng nào cũng được áp dụng cơ chế sandbox. Tham gia sandbox, công ty fintech phải chịu sự giám sát và triển khai trong phạm vi, thời gian hữu hạn, cùng với đó, phải đáp ứng các điều kiện gia nhập.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 150 doanh nghiệp fintech hoạt động, trong đó 31 công ty hoạt động trong lĩnh vực thanh toán. Ngoài chuyện cần chính sách giúp đẩy mạnh thanh toán điện tử và fintech, thì cần tháo gỡ điểm nghẽn chính hiện nay là lo ngại của người tiêu dùng về chất lượng của dịch vụ thanh toán và sản phẩm thương mại điện tử.

Trước hết, đây phải là giải pháp fintech sáng tạo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, hoặc giải pháp fintech được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao. Giải pháp được thiết kế quản lý rủi ro tốt; có phương án xử lý, khắc phục các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm.

Ngoài ra, giải pháp phải được công ty fintech hoặc tổ chức thực hiện các biện pháp đánh giá phù hợp và chính xác chức năng, công dụng và tính hữu ích; là giải pháp có tính khả thi và tính thương mại cao, có kế hoạch cung ứng ra thị trường cụ thể sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm. Yêu cầu khác nữa, đây phải là giải pháp mà hoàn toàn chưa có, hoặc một phần giải pháp chưa có quy định pháp lý điều chỉnh.

Xem ra, cơ chế pháp lý cho fintech vẫn còn phải chờ, bởi lộ trình triển khai mới ở bước 1 - trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Cơ chế quản lý thử nghiệm fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Sau đó, trên cơ sở quyết định của Thủ tướng, NHNN sẽ “ngồi lại” cùng các bộ, ngành có liên quan để xây dựng nghị định về cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Cuối cùng mới là triển khai xem xét và chấp thuận tham gia sandbox.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, về mặt chủ trương, chính sách cho fintech là rất đúng, nhưng phản ứng và thực thi chính sách của chúng ta đối với những cái mới còn khá chậm.

“Để thanh toán điện tử bùng nổ, rất cần những chính sách nhanh và mạnh của Nhà nước. Các điều kiện cho công ty fintech gia nhập sandbox cần hài hòa lợi ích của các bên, vừa thuận cho Nhà nước quản lý dòng tiền và đánh thuế, nhưng cũng tránh gây khó cho doanh nghiệp”, chuyên gia này nói.

3 năm, số lượng fintech tăng 4 lần
Tại Hội thảo khoa học về fintech hôm nay (12/9), NHNN cho biết, số lượng fintech ở nước ta đã tăng gần 4 lần. Cụ thể, năm 2016 cả nước mới có 40...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư