Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xây dựng cơ chế thử nghiệm cho fintech
Hữu Tuấn - 25/08/2019 09:39
 
Theo Dự thảo Đề án Cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động fintech, tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại các fintech Việt Nam sẽ ở mức 30% hoặc 49%.
Cả thị trường fintech có 27 ví điện tử, thì hơn 90% thị phần thuộc về 5 doanh nghiệp lớn nhất có sở hữu nước ngoài từ 30- 90%.
Cả thị trường fintech có 27 ví điện tử, thì hơn 90% thị phần thuộc về 5 doanh nghiệp lớn nhất có sở hữu nước ngoài từ 30- 90%.

Khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện

Sau một thời gian ngắn phát triển, thị trường fintech Việt hiện có gần 150 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ đạo là lĩnh vực thanh toán (có 30 tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép). Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cả thị trường fintech có 27 ví điện tử, thì hơn 90% thị phần thuộc về 5 doanh nghiệp lớn nhất và cả 5 ví này đều có sở hữu nước ngoài từ 30- 90%.

“Thực tế trên đặt ra quan ngại lớn rằng, lĩnh vực thanh toán, thị trường tiền tệ có thể bị thao túng từ các nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ, an ninh dữ liệu quốc gia”, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết tại buổi toạ đàm về chính sách quản lý fintech diễn ra mới đây.

Thị trường fintech phát triển mạnh mẽ, nhưng khung khổ pháp lý vẫn chưa hoàn thiện. Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, hiện mới chỉ có 2 văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của fintech là Nghị định số 101/2012/NĐ-CP  của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và Thông tư số 39/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán. Hai văn bản này đang được điều chỉnh, sửa đổi để phù hợp với tình hình mới.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng cơ chế thí điểm đối với dịch vụ cho vay ngang hàng, đề án thử nghiệm với hoạt động fintech và đề án thí điểm Mobile Money.

“Trong giao dịch điện tử, có rất nhiều loại dịch vụ đã xuất hiện, nhưng chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nào. Vì thế, chúng tôi cho rằng, cơ chế sandbox (thử nghiệm chính sách mới) rất phù hợp để khuyến khích những dịch vụ mới ra đời, phát triển thị trường theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp mới làm những gì mà pháp luật không cấm”, ông Tuấn đề xuất.

Còn theo ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dù tiềm năng lớn, nhưng đối với fintech, Việt Nam mới chỉ khai phá ở mức độ thấp và khuôn khổ pháp lý còn sơ khai, chủ yếu là một số đề án mang tính vĩ mô và quy định về thanh toán như: Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025; Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020…

“Chúng ta hầu như chưa có khung khổ pháp lý quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm/dịch vụ; mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty fintech; bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân”, ông Hà Huy Tuấn đánh giá.

Cơ chế sandbox cho fintech

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Đề án Cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động fintech (Regulatory Sandbox). Ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết, mục đích của Đề án là tạo cơ chế thực hiện giải pháp với sản phẩm mới theo hình thức fintech. Cơ quan quản lý đã đặt ra các yêu cầu, phạm vi, tiêu chí nhất định đối với doanh nghiệp được tham gia thử nghiệm và có trách nhiệm giám sát chặt chẽ hồ sơ của doanh nghiệp xin tham gia để kiểm soát rủi ro, tránh tác động xấu cho người sử dụng cuối cùng.

Đối với vấn đề room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, ông Sơn cho biết, dự kiến ban đầu, cơ quan soạn thảo để mức room ngoại tại các doanh nghiệp fintech là 30%, bằng room của lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đã đưa ra 2 phương án là 30% hoặc 49% để xin ý kiến cộng đồng người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước…, sau đó đề xuất Chính phủ xem xét, phê duyệt.

“Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các trung gian thanh toán thông qua sở hữu do nắm giữ trực tiếp và cả sở hữu gián tiếp. Cơ quan quản lý đã tính tới trường hợp các tổ chức nước ngoài nắm giữ cổ phần thông qua pháp nhân tại Việt Nam, nên tỷ lệ sở hữu tối đa sẽ bao gồm cả phần nắm giữ gián tiếp tại các fintech thanh toán”, ông Sơn cho biết.

Đặc biệt, đối với những trung gian thanh toán, ví điện tử đã chuyển nhượng, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ 30-100%, cơ quan soạn thảo đề xuất áp dụng quy định không hồi tố, giữ nguyên tỷ lệ sở hữu này.

Được biết, thời gian thử nghiệm sandbox cho fintech dự kiến là 2 năm, thay vì 6 tháng như tại quốc gia khác. Các doanh nghiệp tham gia thử nghiệm sandbox sẽ phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định, nếu vi phạm sẽ bị “tuýt còi”.

Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thanh toán điện tử

Ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng phòng Giám sát các hệ thống thanh toán (Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước)

Trong giai đoạn 2019-2020, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực thanh toán, đặc biệt là thanh toán điện tử; hoàn thiện cơ chế quản lý thử nghiệm cho doanh nghiệp fintech sau khi Thủ tướng thông qua đề án; tiếp tục nghiên cứu và xây dựng cơ sở pháp lý cho vay ngang hàng (P2P); xây dựng thông tư về giao diện lập trình mở OpenAPI; sửa đổi quy định xác thực khách hàng điện tử…

Dòng tiền ‘nóng’ đổ vào fintech
Hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực trung gian thanh toán, tài chính - công nghệ (fintech) đang khiến lĩnh vực này trở nên nóng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư