Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
FLC, Thế giới Di động có thủ lĩnh mới; Hiếu Nguyễn xuất hiện cùng IPP Air Cargo
Khánh An tổng hợp - 03/04/2022 08:08
 
FLC và Bamboo Airvway dần kiện toàn nhân sự sau khi lãnh đạo bị khởi tố. Thế giới Di động có tân tổng giám đốc. Hiếu Nguyễn lộ diện cùng IPP Air Cargo. REE tham vọng doanh thu hàng tỷ USD

Ông Đặng Tất Thắng đảm nhiệm chức Chủ tịch FLC, Chủ tịch Bamboo Airways

Ông Đặng Tất Thắng sẽ chính thức đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và Công ty cổ phần hàng không Tre Việt từ 31/3/2022 cho đến khi có quyết định mới của ĐHĐCĐ và HĐQT.

.
Vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways hiện do ông Đặng Tất Thắng đảm nhiệm

Thông tin từ Tập đoàn FLC cho biết, cuộc họp ĐHCĐ gần nhất của FLC và Bamboo Airways, ĐHĐCĐ sẽ xem xét bầu bổ sung, kiện toàn cơ cấu thành viên HĐQT của cả hai doanh nghiệp này. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways sẽ do ông Đặng Tất Thắng đảm nhiệm.

Quyền cổ đông FLC, cổ đông Bamboo Airways tương ứng với toàn bộ cổ phần ông Trịnh Văn Quyết sở hữu tại hai doanh nghiệp và các tài sản, quyền tài sản khác của ông Quyết được bà Vũ Đặng Hải Yến thực hiện thay ông Quyết theo Giấy uỷ quyền được ông Quyết ký trước đó.

Ông Đặng Tất Thắng tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Xây dựng và Quản lý Dự án tại Đại học Northumbria (Vương quốc Anh) và là gương mặt lãnh đạo quen thuộc tại FLC, Bamboo Airways. Tại Bamboo Airways, ông hiện là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. 

Tại FLC, ông đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc kể từ năm 2014 và được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT FLC nhiệm kỳ 2021 – 2026 từ tháng 4/2021.

Trước đó, Ngày 29/3/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Liên quan đến vụ việc, FLC đã có thử gửi cổ đông, khách hàng và đối tác chính thức  trên website công ty. 

Theo nội dung thông cáo, vụ việc có liên quan đến việc cá nhân ông Trịnh Văn Quyết thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán trong thời gian gần đây và vẫn đang trong quá trình điều tra ban đầu, chưa có kết luận chính thức. Ông Trịnh Văn Quyết đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra làm rõ các vấn đề liên quan.

Cục Hàng không Việt Nam cũng có văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, đã xem xét, đánh giá tác động pháp lý, cơ cấu tổ chức hoạt động, nguồn lực, khả năng duy trì hoạt động và kế hoạch, định hướng phát triển của Bamboo Airways sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam. Theo đánh giá của Cục Hàng không VN, quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch HĐQT (ông Trịnh Văn Quyết) chỉ trong phạm vi hoạt động của HĐQT, không can thiệp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng hàng không.

Theo đó, vốn chủ sở hữu hiện tại của Bamboo Airways nói chung và trong trường hợp tài sản của ông Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa vẫn đảm bảo đáp ứng điều kiện để duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định về vốn tối thiểu theo quy tại Nghị định 89 của Chính phủ (700 nghìn tỷ đồng).

Chủ tịch Hạnh Nguyễn và cậu út Hiếu Nguyễn chuẩn bị bay cùng IPP Air Cargo

.
Ông Nguyễn William Hiếu (bìa trái) là 1 trong 4 cổ đông chủ chốt của  IPP Air Cargo

Công ty cổ phần IPP Air Cargo do ông Nguyễn Hạnh làm Chủ tịch HĐQT sẽ là hãng bay đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt.

Cùng với ông Hạnh Nguyễn và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương do ông là đại diện, IPP Air Cargo có 3 cổ đông khác là  bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu. Bà Lê Hồng Thủy Tiên là người đại diện theo pháp luật của hãng hàng không này.

Với việc là 1 trong 4 cổ đông chủ chốt, IPP Air Cargo gần như là dự án đầu tiên mà vai trò của Nguyễn William Hiếu (Hiếu Nguyễn) - con trai út của ông Johnathan Hạnh Nguyễn được thể hiện rõ nét trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn IPPG.

Trước khi "chung lưng" cùng cha thành lập IPP Air Cargo, Hiếu Nguyễn đã nằm trong ban lãnh đạo, đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc Phát triển kinh doanh IPPG, phụ trách IPPTech, eDigi, các lĩnh vực công nghệ và AI, logistics và các dự án Thành phố thông minh của Tập đoàn.

Theo thông tin của baodautu.vn, Bộ Giao thông – Vận tải đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo.

Tại văn bản này, Bộ Giao thông – Vận tải đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép bộ này được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air CArgo.

Trước đó, vào cuối tháng 2/2022, Bộ Giao thông – Vận tải đã nhận được báo cáo thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air Cargo của Cục Hàng không Việt Nam.

Cụ thể, doanh nghiệp có số vốn điều lệ 300 tỷ đồng do ông Nguyễn Hạnh làm Chủ tịch HĐQT xin được cấp Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa với số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên là 5 tàu bay, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 10 tàu bay. Chủng loại tàu bay sẽ đưa vào khai thác là B737/B777/A330 và các loại tàu bay tương đương.

Mạng đường bay nội địa mà IPP Air Cargo kết nối trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên (Lâm Đồng, Pleiku), Hải Phòng, Quảng Ninh... với trung tâm trung chuyển hàng hóa Hà Nội, TP.HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, châu Âu.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, hiện nay tại thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không có 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách và chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.

Tại Quyết định số 318/QĐ - TTg ngày 4/3/2014 của Thủ tướng thì sẽ phát triển đội tàu bay chở hàng hóa khoảng 8 - 10 chiếc. Như vậy, việc thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng khóa mà IPP Air Cargo đề xuất là phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Bên cạnh đó, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa của IPP Air Cargo cũng được Bộ GTVT đánh giá là đầy đủ, đáp ứng các quy định về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác và tổ chức bộ máy đảm bảo khai thác tàu bay quy định tại Nghị định số 89, đủ điều kiện để được xem xét cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa theo quy định.

"Khai quốc công thần" Trần Huy Thành Tùng của Thế giới Di động ngồi ghế tân Tổng giám đốc  

.
Ông Trần Huy Thanh Tùng (đứng giữa), Tân tổng giám đốc Thế giới di động

HĐQT Thế giới di động đã bổ nhiệm ông Trần Huy Thanh Tùng làm tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty.

Ông Trần Huy Thanh Tùng sinh năm 1970, từng tốt nghiệp Đại học Kinh Tế TP.HCM. Ông là thành viên HĐQT, từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong Thế giới Di động như kế toán trưởng, giám đốc tài chính, trưởng Ban kiểm soát, chủ tịch Ủy ban Kiểm toán.

Dù khá kín tiếng so với các nhân vật gạo cội khác tại Thế giới di động, ông Trần Huy Thanh Tùng là 1 trong 5 "khai quốc công thần" làm nên lịch sử Thế giới di động gồm: Trần Lê Quân, Nguyễn Đức Tài, Đinh Anh Huân, Điêu Chính Hải Triều và Trần Huy Thanh Tùng.

Trước đó, Công ty cổ phần Thế giới di Động vừa công bố thông tin ông Trần Kinh Doanh đã có đơn xin từ nhiệm khỏi vị trí Thành viên HĐQT theo nguyện vọng cá nhân. Thời gian từ nhiệm kể từ ngày ĐHCĐ phê duyệt theo Luật doanh nghiệp.

Về phía ông Doanh, trước đó đầu tháng 1/2022, MWG đã có thông báo về việc ông Trần Kinh Doanh xin rút khỏi hoạt động điều hành trực tiếp chuỗi Bách Hóa Xanh. Sau 6 năm xây dựng và phát triển, ông Doanh được HĐQT MWG ghi nhận là đã hoàn thành sứ mệnh đưa Bách Hóa Xanh lọt vào top 3 chuỗi bán lẻ chuyên về thực phẩm và hàng tiêu dùng có doanh thu lớn nhất Việt Nam với mạng lưới hơn 2.000 cửa hàng; trở thành kênh bán lẻ online chuyên về thực phẩm và hàng tiêu dùng duy nhất lọt tốp 10 website thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam và đạt điểm hòa vốn EBITDA ở cấp độ toàn công ty trong năm 2021.

Trước khi quyết định rút lui hoàn toàn khỏi Thế giới Di động, ông Trần Kinh Doanh cũng đã xin rút khỏi Bách Hóa Xanh trong những ngày cuối cùng của năm 2021, cũng với lý do cá nhân. Thông báo lúc bấy giờ của Thế Giới Di Động cho biết, ông Trần Kinh Doanh sẽ rút khỏi hoạt động điều hành trực tiếp chuỗi Bách Hóa Xanh, nhưng sẽ tiếp tục gắn bó và đóng góp các ý tưởng, chiến lược để phát triển Tập đoàn với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị của Thế Giới Di Động. Thế nhưng, chỉ sau 3 tháng, ông Doanh cũng đã rút khỏi Hội đồng quản trị công ty.

Sau khi ông Doanh rút khỏi vị trí CEO, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT đã tham gia tiếp quản dẫn dắt chuỗi này. Chia sẻ cùng nhà đầu tư mới đây, ông Tài cho hay ông sẽ chỉ điều hành chuỗi Bách Hóa Xanh tới hết năm 2022. Trong thời gian này, Tập đoàn cũng sẽ tìm một nhân sự mới thay thế, đảm bảo cho việc dẫn dắt Bách Hóa Xanh mở rộng ra toàn quốc trong năm tới.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch REE tham vọng doanh thu hàng tỷ USD vào năm 2025

,
 Đại hội đồng cổ đông năm 2021 của REE được tổ chức ngày 31/3/2022

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2021, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) bày tỏ tham vọng vốn hóa thị trường REE sẽ gấp đôi hiện tại và doanh thu hàng tỷ USD vào năm 2025.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh, doanh thu hợp nhất đạt 5.810 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020, và lợi nhuận sau thuế đạt 1.855 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm trước. Năng lượng và nước là hai mảng đóng góp chính vào sự tăng trưởng của doanh thu, tăng 159% lên 3.055 tỷ đồng (năm 2021) từ 1.178 tỷ đồng (năm 2020).

Nợ vay ròng hợp nhất đạt 9.230 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2021, tương đương mức đòn bẩy ròng 56,4% - tăng 26,8% so với mức 29,6% trong năm 2020.

Năm 2022, REE thông qua kế hoạch 9.280 tỷ đồng doanh thu, tăng 59% và 2.064 tỷ lãi sau thuế, tăng trưởng 11% so với năm 2021. Đảm bảo kinh doanh hiệu quả nhằm đạt thu nhập trên vốn chủ sở hữu (ROE) tối thiểu 15%/năm.

Với kết quả trên, REE sẽ chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25%, bao gồm 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.

Là người chèo lái REE từ những ngày đầu tiên cho tới khi trở thành một tập đoàn tiếng tăm như hiện nay, bà Thanh được nhiều người biết tới. Bà từng trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen) và là một trong 80 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Theo Nghị định 72/2017/NĐ-CP, Chủ tịch HĐQT sẽ không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng giám đốc) của cùng một công ty đại chúng từ ngày 1/8. Năm 2020, bà Thanh đã rời ghế tổng giám đốc sau 30 năm lãnh đạo.

Theo bà Thanh, năng lượng tái tạo là mảng đầu tư chiến lược của REE. Hiện, danh mục của REE chỉ có một công ty nhiệt điện và còn lại đều là năng lượng sạch như điện gió, mặt trời, thủy điện. REE sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư mảng năng lượng tái tạo. Mặt khác, nhân sự là thành viên HĐQT mới có nhiều kinh nghiệm trong mảng này và được kỳ vọng đóng góp nhiều phát triển sắp tới của doanh nghiệp.

REE đặt mục tiêu năm 2025, vốn hóa thị trường REE sẽ gấp đôi hiện tại và doanh thu hàng tỷ USD, tăng mạnh so với mức 10.000 tỷ hiện tại.

Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng cho IPP Air Cargo gia nhập thị trường hàng không
Công ty cổ phần IPP Air Cargo do ông Nguyễn Hạnh làm Chủ tịch HĐQT sẽ là hãng bay đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư