Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
"Game hóa" đào tạo nhân sự chuyên nghiệp thời 4.0
Lê Quân - 28/02/2021 14:30
 
Ông Filippo Bortoletti, Giám đốc cấp cao Bộ phận Kinh doanh quốc tế tại Công ty Tư vấn đầu tư đa quốc gia Dezan Shira&Associates có những chia sẻ về các bước chuẩn bị nhân lực cho chuyển đổi số.

Trong các bước chuẩn bị nhân lực cho chuyển đổi số, ông Filippo Bortoletti, Giám đốc cấp cao Bộ phận Kinh doanh quốc tế tại Công ty Tư vấn đầu tư đa quốc gia Dezan Shira & Associates lưu ý, sau khi đánh giá trình độ lao động nội bộ và xác định những khoảng trống cần lấp đầy, doanh nghiệp Việt cần ra quyết định xây dựng trình độ nhất định đối với nhân sự nội bộ và tiến hành thuê ngoài để đảm đương những nhiệm vụ cụ thể khác. 

Ông Filippo Bortoletti, Giám đốc cấp cao Bộ phận Kinh doanh quốc tế tại Công ty Tư vấn đầu tư đa quốc gia Dezan Shira & Associates

Thưa ông, chất lượng lao động quyết định thành bại trong chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 ra sao?

Chuyển đổi số và sự phát triển của công nghiệp 4.0 hoàn toàn phụ thuộc vào đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực, hay còn gọi là vốn con người. Cho nên, việc kiến tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện số hóa và tự động hóa các quy trình phải được xem là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.

Việt Nam đã và đang cải thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thu hút đầu tư chất lượng cao vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo không là chưa đủ, vì nhân lực cũng đóng vai trò then chốt trong triển khai các công nghệ thời 4.0.

Nếu không tận dụng hiệu quả các lao động có kỹ năng sẵn có trên thị trường, doanh nghiệp trong nước khó có thể tiến hành quá trình số hóa và tự động hóa, vì sẽ có những khoảng trống không thể lấp đầy và những nhiệm vụ không thể thực thi. Nhìn chung, những thách thức lớn với Việt Nam trong phát triển các công nghệ 4.0 là thiếu người tài, nguồn vốn và chậm cải cách quy định pháp luật. Ngoài nguồn hỗ trợ tài chính thông qua các quỹ và khoản vay ưu đãi, Chính phủ cần tăng cường đầu tư vào giáo dục để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục điều chỉnh các quy định pháp luật cho phù hợp thực tiễn, vì điều này quyết định môi trường kinh doanh thân thiện, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và nhà phát triển công nghệ. Nó không chỉ giúp thu hút đầu tư nước ngoài, mà còn thu hút cả nguồn nhân lực có trình độ từ khu vực.

Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã được khởi công xây dựng tại Hà Nội. Ông kỳ vọng gì từ trung tâm này?

Nếu thành công, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ là cái nôi về đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Đây sẽ là “địa chỉ đỏ” về hỗ trợ phát triển các ứng dụng công nghệ 4.0, cũng như thu hút doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, trung tâm này được xây dựng nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động R&D và đổi mới sáng tạo, đồng thời đưa ra cơ chế quản lý thử nghiệm (regulatory sandbox) với những ưu đãi hấp dẫn để thu hút nhân tài và vốn đầu tư, cũng như thúc đẩy kết nối giữa các đơn vị đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy quá trình cung cấp các ưu đãi cho hoạt động R&D và đổi mới sáng tạo không chỉ cho doanh nghiệp trong Trung tâm, mà mở rộng cho các doanh nghiệp khác trên lãnh thổ. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thảo luận về danh sách các lĩnh vực tiềm năng có thể được hưởng lợi từ những ưu đãi thuế đặc biệt.

Bên cạnh các ưu đãi, để thu hút nguồn vốn mới và duy trì tăng trưởng đầu tư trong nước, Chính phủ cần tăng cường tính minh bạch và đảm bảo doanh nghiệp nước ngoài có sân chơi bình đẳng và dễ đoán.

Thế giới đã ghi nhận các tập đoàn tư nhân như Microsoft, GE, Siemens… có bước tiến lớn trong phát triển công nghệ 4.0. Vắng bóng trong danh sách này, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì cho hành trình tiến lên 4.0?

Đầu tiên, tôi cho rằng, họ cần xây dựng một chiến lược công nghệ phù hợp, hiểu thấu tác động tiềm năng của số hóa và tự động hóa tới hoạt động của mình, rồi xây dựng chiến lược khai thác các cơ hội từ triển khai công nghệ 4.0. Một chiến lược như vậy có thể giúp họ xác định rõ bộ tiêu chí trình độ kỹ năng cần thiết để thực thi nhiệm vụ trong tương lai.

Sau đó, doanh nghiệp nên đánh giá trình độ lao động trong đơn vị mình và xác định những khoảng trống cần được lấp đầy để tiến hành số hóa. Cùng với đó, cũng cần đánh giá lại nguồn nhân lực và hạ tầng đào tạo hiện có, tìm hiểu xem lực lượng lao động hiện tại có sẵn sàng thay đổi không. Sau khi làm rõ được những vấn đề này, cần ra quyết định xây dựng trình độ nhất định ở lao động nội bộ và tiến hành thuê ngoài để đảm đương những nhiệm vụ khác.

Đối với việc xây dựng năng lực nội bộ, doanh nghiệp cần xem xét lại các bộ phận đào tạo của mình và có thể “game hóa” đào tạo các nhân viên chuyên nghiệp - một xu hướng quản lý mới cho phép doanh nghiệp đưa các ứng dụng công việc ngoài đời thực vào một trò chơi nhằm giúp các nhân viên tham gia tìm hiểu, nghiên cứu và chơi để tăng năng suất làm việc.

Sau cùng, doanh nghiệp Việt Nam, hơn lúc nào hết, cần có chính sách nhân sự tốt để thu hút và giữ chân người tài, bởi rất có khả năng xảy ra tình trạng khan hiếm lực lượng lao động có trình độ ở một số lĩnh vực. Cạnh tranh lao động có thể sẽ rất khốc liệt ngay khi nhập cuộc 4.0 và kéo dài cho đến khi lực lượng lao động có thể thích ứng với những thay đổi mới.

Chạy đua M&A vì áp lực chuyển đổi số
Nhu cầu đặt ra về tốc độ số hóa đã khiến nhiều doanh nghiệp nghiêng về chiến lược mua lại thay vì tự xây dựng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư