Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 08 tháng 08 năm 2024,
Gần 60% bệnh nhân không biết mình bị tăng huyết áp
D.Ngân - 08/08/2024 12:16
 
Có tới gần 60% người Việt Nam từ 18 tuổi trở lên bị tăng huyết áp nhưng không biết tình trạng bệnh của bản thân. Trong khi đó, đối với những bệnh nhân tăng huyết áp, chỉ có 20% kiểm soát được tình trạng bệnh.

Theo chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành về tăng huyết áp tại một hội thảo gần đây về căn bệnh này đã chỉ rõ, người Việt Nam trong độ tuổi từ 18 trở lên, có tới 31,2% bị tăng huyết áp; 44,7% thuộc diện tiền tăng huyết áp.

Có tới gần 60% người Việt Nam từ 18 tuổi trở lên mắc tăng huyết áp không biết tình trạng bệnh của bản thân.

Đối với bệnh nhân tăng huyết áp kèm theo đái tháo đường, biến chứng tim mạch, mạch máu ngoại vi, thận và mắt… gia tăng đáng kể.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2023, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở khu vực châu Á, bao gồm Việt Nam, lên tới 28,3%. Tuy nhiên, có tới 50% người bệnh chưa có nhận thức tốt về tăng huyết áp.

Một nghiên cứu về bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng tại Việt Nam được thực hiện với 23.307 người từ 18 tuổi trở lên cũng cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân bị tăng huyết áp chiếm hơn 33%, trong đó chỉ có hơn 52% người biết mình bị bệnh. Ngoài ra, có hơn 20% người bệnh không điều trị tăng huyết áp và hơn 41% chưa kiểm soát huyết áp.

Mặc dù có nhiều biện pháp và chương trình hành động nhưng tỷ lệ bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam vẫn chưa được khống chế. Rất đáng lo ngại khi tăng huyết áp có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Tuy nhiên, do căn bệnh này không có triệu chứng, không lây nhiễm nên nhiều người vẫn chưa quan tâm đúng mức về sự nguy hiểm tiềm ẩn của nó.

Báo cáo Điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam (STEP) năm 2021, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên là 26,2%.

Trong đó, nhóm tuổi từ 50 đến 69 tuổi có tỷ lệ mắc tăng huyết áp cao nhất với 51,9%. Tăng huyết áp tiến triển âm thầm và gây ra các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, bệnh mạch vành, suy tim, tổn thương thận và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Còn theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới có khoảng 17 triệu ca tử vong do các bệnh tim mạch, trong đó 9,4 triệu ca do biến chứng từ tăng huyết áp. Dự kiến sắp tới con số này sẽ còn nhiều hơn do dân số toàn cầu đang gia tăng và già hóa.

Ðây là gánh nặng ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội toàn cầu, do di chứng bệnh tật cũng như chi phí điều trị.

Vì vậy, mỗi người trên 18 tuổi hãy đến các cơ sở y tế để được đo huyết áp, kiểm tra huyết áp nhằm phát hiện sớm theo dõi và tư vấn kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Mức huyết áp mục tiêu cần đạt được là 140/80 mmHg hoặc thấp hơn tùy theo bệnh lý đi kèm hoặc đặc điểm riêng của từng người.

Biến chứng của tăng huyết áp thường rất nặng nề, để lại những di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Thế nhưng, số liệu nghiên cứu cho thấy, có khoảng 50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp.

Thực tế là nhiều người còn chủ quan, chưa chú trọng đến việc đo huyết áp và chủ động tầm soát. Điều đó khiến cho số người bệnh được chẩn đoán vẫn chiếm tỷ lệ thấp.

Khi người bệnh mắc tăng huyết áp nếu không được điều trị và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tổn thương nặng các cơ quan đích và gây ra biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, phình tách thành động mạch chủ, suy tim, suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong.

Để quản lý tăng huyết áp toàn diện, theo các bác sỹ, cần có sự phối hợp của nhân viên y tế, bệnh nhân và việc quản lý của bệnh viện.

Đối với nhân viên y tế, đầu tiên là phải đo huyết áp chính xác. Không chỉ khoa, phòng tim mạch mà nhân viên y tế của các chuyên khoa khác cũng cần phải nắm được các phân độ tăng huyết áp và huyết áp mục tiêu.

Riêng đối với bác sỹ điều trị phải được đào tạo, hiểu biết sâu rộng về tăng huyết áp và hệ lụy của nó; đồng thời liên tục cập nhật kiến thức và sử dụng các thuốc phối hợp để nâng cao tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu.

Đối với bệnh nhân, người bệnh phải tuân thủ việc thăm khám thường xuyên; uống thuốc đúng toa, đủ liều, đều đặn mỗi ngày. Ngoài ra, người bệnh cần nhận thức được các con số huyết áp, chủ động liên hệ với nhân viên y tế khi huyết áp bất thường.

Về phía bệnh viện phải bảo đảm cung ứng đủ thuốc và mở rộng các dịch vụ chăm sóc, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh tăng huyết áp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư