Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Hà Nội
Gắn biển nhiều công trình chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô
Hồng Minh - 10/10/2023 21:08
 
Ngày 10/10, nhiều quận, huyện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Lễ gắn biển công trình cấp thành phố và cấp quận chào mừng 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023).

Long Biên: Gắn biển 3 công trình

Nhân dịp chào mừng 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), kỷ niệm 20 năm thành lập quận Long Biên (6/11/2003 - 6/11/2023), ngày 10/10, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Long Biên tổ chức Lễ gắn biển công trình cấp TP là Công viên Ngọc Thụy; công trình cấp quận là chùa Xuân Đỗ Hạ và Dự án tuyến đường 25 m nối từ đê sông Hồng đến đường gom cầu Thanh Trì.

Các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển công trình Công viên Ngọc Thụy, thuộc phường Ngọc Thụy

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, công trình cấp TP là Công viên Ngọc Thụy được HĐND quận Long Biên phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 174/NQ-HĐND.

Dự án được khởi công tháng 12/2022, hoàn thành đầu tháng 10/2023; có tổng mức đầu tư 190 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích khu đất 6,86 ha. 

Các hạng mục của dự án được đầu tư đồng bộ gồm: Hồ điều hòa, công viên, vườn hoa kết hợp không gian công cộng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Dự án đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục sau 11 tháng thi công, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình.

Công viên Ngọc Thụy hoàn thành góp phần tạo điểm nhấn về kiến trúc và cảnh quan đô thị; tạo nên không gian xanh - sạch - đẹp - hiện đại; hứa hẹn là điểm vui chơi, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao thường xuyên, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

Lãnh đạo TP. Hà Nội và quận Long Biên thực hiện nghi thức gắn biển tuyến đường 25m nối từ đê sông Hồng đến đường gom cầu Thanh Trì.

Trong khi đó, công trình cấp quận là chùa Xuân Đỗ Hạ (phường Cự Khối, quận Long Biên) và tuyến đường 25 m nối từ đê sông Hồng đến đường gom cầu Thanh Trì, phường Cự Khối, được HĐND quận Long Biên thông qua tại Nghị quyết số 14/NQ-HĐND.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích nghệ thuật Chùa Xuân Đỗ Hạ được HĐND quận Long Biên thông qua với tổng mức đầu tư 31,96 tỷ đồng. 

Sau khi được tu bổ, chùa Xuân Đỗ Hạ sẽ là nơi tổ chức các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, các hoạt động văn hóa, lịch sử, sinh hoạt của nhân dân, đồng thời cũng là nơi các Phật tử, nhân dân trong và ngoài địa phương đến tham quan, hành lễ.

Còn Dự án tuyến đường 25m nối từ đê sông Hồng đến đường gom cầu Thanh Trì có tổng mức đầu tư 159,38 tỷ đồng; với chiều dài 1220 m, mặt cắt ngang 25 m. 

Dự án khởi công tháng 4/2017, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ hình thành trục giao thông quan trọng và kết nối nhiều tuyến đường khác trên địa bàn phường Cự Khối, tạo trục chính kết nối đường đê tả Hồng với nút giao đi khu vực huyện Gia Lâm, Hưng Yên và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tạo điều kiện khai thác quỹ đất hai bên đường và khu vực lân cận. 

Tuyến đường hoàn thành cũng sẽ góp phần tạo bước đột phá về diện mạo mới, văn minh đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn phường Cự Khối nói riêng và quận Long Biên nói chung. 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, phát triển bền vững, TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm đầu tư giải quyết các vấn đề xã hội, tập trung phát triển văn hóa, giáo dục và y tế để Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh và lan tỏa văn hóa của cả nước. 

Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả phát triển toàn diện mà quận Long Biên đã đạt được sau 20 năm xây dựng và phát triển, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà đánh giá, Long Biên đã trở thành một trong những quận “đáng sống” của TP, là đơn vị tiên phong đi đầu trên nhiều lĩnh vực. 

Trong đó, quận đã đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng các công viên, cây xanh, vườn hoa, hồ nước trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và tạo nền tảng quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác đầu tư và quản lý, khai thác hiệu quả sau đầu tư, tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng đô thị, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận Long Biên, bà Vũ Thu Hà đề nghị quận tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Long Biên cần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng, đẩy mạnh công tác quản lý đô thị, đầu tư phát triển phục vụ yêu cầu phát triển văn hóa, xã hội.

Đồng thời, phát huy tinh thần chủ động và thực hiện tốt việc phân cấp, ủy quyền nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với các cơ quan, đơn vị của quận; tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính và thực thi công vụ trong giải quyết công việc theo Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/8/2023 của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội gắn với chủ đề công tác năm của thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, duy trì xếp hạng nhóm các đơn vị dẫn đầu TP.

Box: Sau 20 năm thành lập và phát triển, quận Long Biên đã trở thành quận văn minh đô thị, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cơ bản đồng bộ. 

Năm 2023, quận đã tập trung đầu tư xây dựng mới 3 vườn hoa, 2 công viên - hồ nước (trong đó có Công viên Ngọc Thụy); cải tạo sửa chữa 15 vườn hoa, cây xanh; thực hiện công tác duy tu duy trì 39 vườn hoa, dải phân cách; đảm bảo cảnh quan đô thị, tạo điểm nhấn về kiến trúc, đồng thời triển khai các phương án cải tạo môi trường, không gian xanh, sạch, nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân trên địa bàn quận. 

Đến nay, Long Biên cũng đã thực hiện đầu tư 51 di tích được xếp hạng (trong đó 40 di tích được đầu tư bằng nguồn ngân sách quận, 4 bằng nguồn ngân sách phường, 7 bằng nguồn xã hội hóa). 

Trong năm 2023, UBND quận đang thực hiện công tác đầu tư, tu bổ tại các di tích: Chùa Linh Ứng (Chùa Ngô) - phường Thạch Bàn; Đình, Chùa Thanh Am - phường Thượng Thanh; Chùa Xuân Đỗ Hạ - phường Cự Khối.

Mỹ Đức: Thông xe kỹ thuật dự án cầu đập tràn Quan Sơn

Cùng ngày, huyện Mỹ Đức tổ chức lễ thông xe kỹ thuật dự án cầu đập tràn Quan Sơn. Công trình được huyện Mỹ Đức chỉ đạo hoàn thành nhằm chào mừng 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức Nguyễn Thị Thanh Hường, cầu đập tràn hồ Quan Sơn - đoạn xã Hợp Tiến là dự án giao thông trọng điểm của huyện Mỹ Đức.

Công trình hoàn thành không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa; tăng cường năng lực bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn huyện Mỹ Đức.

Với tổng mức đầu tư hơn 288 tỷ đồng, cầu đập tràn Quan Sơn dài 402 m, rộng 21 m, gồm các hạng mục: xây dựng cầu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu; nền, mặt đường đầu cầu, đường gom, thoát nước, kênh tiêu, tường chắn, điện chiếu sáng, an toàn giao thông...

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang yêu cầu các đơn vị liên quan của huyện tiếp tục hoàn thành các hạng mục phụ trợ của công trình; tổ chức quản lý công trình giao thông kết hợp phòng, chống thiên tai bảo đảm an toàn, hiệu quả…

Hoài Đức: Công bố, gắn biển tên đường Lý Phục Man 

Cũng trong ngày 10/10, UBND huyện Hoài Đức tổ chức Lễ công bố tên đường Lý Phục Man và các tuyến đường trên địa bàn.

Theo Quyết định số 287/QĐ-UBND ngày 11/1/2023 và 4136/QĐ-UBND ngày 17/8/2023 của UBND TP. Hà Nội, huyện Hoài Đức có 17 tuyến đường được đặt tên. 

Đó là: Kim Thìa, Vân Canh, Sơn Đồng, Quế Dương, Nguyễn Viết Thứ, Chùa Tổng, Hoàng Tùng, Lý Phục Man, Kẻ Sấu, An Khánh, An Thái, Tiền Lệ, Đào Trực, Vân Côn, Phương Quan, Bồ Quân, Thượng Ốc.

Trong đó, tuyến đường Lý Phục Man với chiều dài 9.700 m, rộng 9 m, được coi là tuyến đường huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa của 7 xã, nơi tuyến đường chạy qua: Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Song Phương; đồng thời, cũng thể hiện sự trân trọng giá trị lịch sử, lòng biết ơn đối với danh tướng Lý Phục Man - người có công thu phục các bộ tộc người Man vùng Đỗ Động - Đường Lâm và được suy tôn là "Phục Man Tướng Quân". Ông là người làng Cổ Sở, sau đổi là làng Giá (gồm ba làng: Yên Sở, Đắc Sở, Yên Thái thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội ngày nay).

Tuyến đường Lý Phục Man kéo dài từ ngã ba giao cắt đường liên huyện Hoài Đức - Đan Phượng tại điểm Di tích cách mạng kháng chiến An toàn khu Bắc Kỳ, cạnh nghĩa trang nhân dân xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) đến ngã ba giao cắt với Đại Lộ Thăng Long tại xóm 10, thôn 6, xã Song Phương (huyện Hoài Đức).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư