Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Gánh hậu quả khi trì hoãn khám bệnh
D.Ngân - 22/12/2022 13:40
 
Nhiều người bị ung thư song không hề biết do không khám định kỳ đã ngậm ngùi nhận trái đắng khi bệnh tình chuyển giai đoạn nặng.

Muộn màng

Bệnh nhân là chị T.T.H. nữ (46 tuổi) đang điều trị ung thư vú thể viêm tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.

Nhiều người bị ung thư song không hề biết do không khám định kỳ đã ngậm ngùi nhận trái đắng khi bệnh tình chuyển giai đoạn nặng.

Trước đó, tháng 3/2021, người phụ nữ này tự sờ thấy khối u vú bên phải, không đau, không sưng. Khối u tiến triển kích thước to dần. 

Tháng 7/2021, khối u của chị xuất hiện sưng, đỏ, không chảy dịch mủ, đau nhiều đặc biệt khi sờ nắn. Tuy nhiên, chị H. không sốt, không sút cân. Người phụ nữ này đi khám được điều trị kháng sinh, giảm đau nhiều đợt nhưng khối u không đáp ứng, tiếp tục tăng kích thước.

PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân trong ca lâm sàng này đã phát hiện u vú từ thời điểm tháng 3/2021. Khối u vú phát triển nhanh sau 4 tháng với biểu hiện điển hình của ung thư vú thể viêm, điều trị kháng sinh không đỡ.

Do bệnh nhân không được tiếp cận và điều trị ở ngay thời điểm này. Bệnh nhân đến viện khi đã xuất hiện ung thư vú thể viêm đa ổ, di căn hạch nách, chưa di căn xa.

“Người bệnh được hội chẩn tiểu ban vú, tiến hành điều trị đa mô thức, trước tiên là điều trị hóa chất tân bổ trợ. Sau một chu kỳ hóa chất, bệnh nhân ổn định”, PGS.TS Phương thông tin.

Theo các bác sĩ, đây là một dạng ung thư vú tiến triển nhanh, hiếm gặp với tỷ lệ 0,5-2% trong tổng số các trường hợp ung thư vú xâm lấn tại Mỹ.

Bệnh nhân ung thư vú thể viêm thường đến khám với khối u vú tiến triển nhanh hoặc vú sưng đau không cải thiện sau điều trị kháng sinh. 

Biểu hiện lâm sàng thường gặp là vú sưng đỏ tối thiểu 1/3, nóng, da phù, sần da cam, có hoặc không sờ thấy khối, thường tiến triển nhanh không quá 6 tháng kể từ khi khởi phát triệu chứng.

Chẩn đoán ung thư vú thể viêm dựa vào các đặc điểm lâm sàng và giải phẫu bệnh trên bệnh phẩm sinh thiết. Ung thư vú thể viêm có tiên lượng xấu, nguy cơ tái phát cao.

Nguyên tắc điều trị ung thư vú thể viêm chưa di căn xa tương tự ung thư vú giai đoạn tiến triển khác. Điều trị đa mô thức bao gồm phối hợp hóa chất tân bổ trợ, phẫu thuật và xạ trị hậu phẫu.

Cũng theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh nhân tới khám tại Trung tâm chủ yếu gặp những bệnh lý về ung thư gan, phổi, đại trực tràng, dạ dày, vú… 

Gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám tăng lên nhưng cũng đáng buồn hơn khi có nhiều người đã ở giai đoạn muộn, khối u kích thước lớn và đã di căn hạch, di căn não, di căn xương, di căn phổi, di căn gan.

Đáng tiếc hơn có bệnh nhân ở Hà Nội xuất hiện ợ hơi, ợ chua khoảng 1 năm nay, nhưng vì sợ dịch nên không đi thăm khám. Gần đây đau bụng tăng lên kèm bụng chướng, bác mới đi khám và đã được chẩn đoán ung thư dạ dày di căn hạch ổ bụng, di căn phúc mạc. 

Trường hợp này chỉ được điều trị bằng hóa chất mà không còn cơ hội để điều trị phẫu thuật cắt đoạn dạ dày và vét hạch, nghĩa là không còn cơ hội điều trị triệt để căn bệnh.

Thực tế, ghi nhận rất nhiều trường hợp người bệnh nghĩ mình bị các vấn đề tiêu hóa thông thường nhưng khi nội soi tiêu hóa lại nhận kết quả ung thư. 

Anh N.V.N 33 tuổi, Đông Anh, Hà Nội đi khám tiêu hóa tại Hệ thống y tế Thu Cúc TCI vì gần đây thỉnh thoảng thấy xuất hiện tình trạng đi ngoài ra máu.

Tuy nhiên, anh N. không muốn thực hiện nội soi để kiểm tra. Sau khi bác sĩ thuyết phục rất nhiều thì anh mới đồng ý thực hiện và kết quả đáng buồn là hình ảnh nội soi cho thấy có khối sùi chiếm hết chu vi trực tràng, chẩn đoán ung thư trực tràng.

Tương tự, bác N.T.Q (Bệnh nhân nam, 58 tuổi ở Lạng Sơn) đi khám do có các biểu hiện của bệnh trĩ. 

Tuy nhiên, sau khi nội soi đại tràng, các bác sĩ phát hiện tổn thương sùi loét, chiếm hết 2/3 chu vi lòng trực tràng, tiên lượng ung thư. Bác N.T.Q được chỉ định lấy mẫu làm sinh thiết và kết quả cho thấy bác cũng bị ung thư trực tràng.

Bác sĩ Phạm Thái Sơn, Trưởng khoa Thăm dò chức năng, Nội soi tiêu hóa, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI chia sẻ, nội soi là phương pháp hữu hiệu nhất để chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa trong đó có ung thư. 

Các trường hợp như 2 bệnh nhân kể trên không phải là hiếm, rất nhiều ca ung thư đã được phát hiện trong quá trình thực hiện nội soi. Tuy nhiên, phần lớn bệnh ở giai đoạn tiến triển do nhiều người thường trì hoãn hoặc bỏ qua nội soi tiêu hóa vì tâm lý ngại hoặc lo sợ.

Theo bác sĩ Phạm Thái Sơn, ung thư đường tiêu hóa nếu phát hiện sớm việc xử lý thường khá đơn giản, ít tốn kém và hiệu quả cao. 

Cụ thể, ở giai đoạn đầu, bệnh thường khó phát hiện nên ngay cả khi đã thực hiện nội soi thường, 1 số trường hợp ung thư giai đoạn sớm vẫn có thể bị bỏ sót. Hiện tại, điều này đã được khắc phục ở công nghệ nội soi tiêu hóa MCU cao cấp.

Tầm soát thường xuyên

Theo các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị và gần đây có thêm phương pháp điều trị đích và điều trị miễn dịch, tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh và mô bệnh học, thể trạng của người bệnh, kinh tế của từng gia đình mà sẽ có phương pháp điều trị riêng cho mỗi cá thể người bệnh. 

Bác sĩ Phương cho biết, với những kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán và điều trị hiện nay, thì nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư phổi nếu được phát hiện sớm thì cơ hội điều trị thành công rất cao.

Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật. Ở giai đoạn muộn hơn thì cần phẫu thuật phối hợp hóa trị, xạ trị. Ở giai đoạn cuối, bệnh đã di căn thì được điều trị toàn thân như hóa trị, đích và miễn dịch…

Trước đây, nhiều bệnh nhân ung thư phổi có mong muốn điều trị miễn dịch, nhưng do thuốc rất đắt (khoảng trên 100 triệu/tháng) nên nhiều gia đình không có khả năng chi trả. 

Hiện nay, điều trị miễn dịch tùy theo thuốc và liều sử dụng, khoảng từ 40-60 triệu/tháng nên nhiều người bệnh đã chịu được chi phí này. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng điều trị miễn dịch mà tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. 

Nhờ phương pháp chẩn đoán sớm và sự tiến bộ trong điều trị, bệnh nhân ung thư phổi có cơ hội kéo dài thời gian sống hơn. Theo đó, trước đây, bệnh nhân nếu di căn não thường chỉ sống 3-6 tháng nhưng nhờ máy móc thiết bị hiện đại, điều trị đích, điều trị miễn dịch… bệnh nhân có thể kéo dài 3 - 4 năm, có người 7 - 8 năm. 

Để phòng tránh bệnh lý ung thư, bác sĩ Phương khuyến cáo mọi người cần phải có lối sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ, những người có yếu tố nguy cơ cao thì tầm soát ung thư. 

Lãnh đạo Trung tâm ung bướu cũng khuyến cáo, người dân cần có kiến thức về các yếu tố có hại cho sức khỏe để hạn chế ăn thực phẩm chứa hóa chất độc hại, nấm mốc, thuốc trừ sâu. 

Người dân nên ăn nhiều rau và hoa quả, tăng cường vận động tập thể dục tránh béo phì. Nếu gia đình có tiền sử có người mắc ung thư vú, đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư gan thì nên tầm soát phát hiện sớm định kỳ các bệnh lý này. 

Trẻ em nên tiêm phòng vắc-xin đầy đủ tránh nhiễm vi khuẩn, virus gây ung thư như virus viêm gan B, virus gây u nhú ở người (HPV) để giảm thiểu nguy cơ ung thư gan, ung thư cổ tử cung.

Để hạn chế ung thư đường tiêu hóa, theo chuyên gia, kiểm tra thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh ung thư. 

Riêng với ung thư đại tràng, bác sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng, polyp tiền ung thư thường không biểu hiện triệu chứng, có thể được tìm thấy qua nội soi đại tràng vài năm trước khi ung thư xâm lấn phát triển.

Kiểm tra sàng lọc cũng tìm thấy được polyp tiền ung thư và cắt bỏ trước khi nó trở thành ung thư. Đây được xem là cách phòng bệnh cụ thể nhất.

Ung thư đại tràng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh. Có nhiều yếu tố nguy cơ mà mọi người có thể phòng tránh được như: Các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) được xem là có liên quan mật thiết đến ung thư đại tràng. Ăn khoảng 160g/ngày hoặc chế độ ăn với thịt quá 5 lần/tuần có nguy cơ cao gấp 3 lần. 

Dưới hình thức chiên, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích, chất đạm sẽ làm tăng yếu tố sinh ung thư, còn mỡ sẽ bị chuyển hóa bởi vi khuẩn trong lòng ruột, làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường và phát triển thành ung thư. 

Ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng, nên cần thay đổi chế độ ăn khoa học hơn để phòng bệnh.

Các thức ăn chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây) giúp làm giảm nguy cơ này vì chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ acid folic, gia tăng kết hợp chất xơ với các yếu tố sinh ung thư dẫn đến việc loại khỏi lòng ruột sớm vì giảm thời gian ứ đọng phân. 

Ngoài ra, chất xơ làm giảm pH trong lòng đại tràng và tăng sản xuất các acid béo chuỗi ngắn và yếu tố vi lượng chống hiện tượng ôxy hóa.

Các loại nước uống chứa cồn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Thuốc lá được biết đến như là những “sát thủ” của bệnh lý tim mạch hay ung thư phổi. Gần đây nó được công nhận là những yếu tố nguy cơ rất quan trọng gây ung thư đại tràng cho cả hai giới, nhất là khi kết hợp với rượu bia.

Hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Quan trọng nhất là bạn không nên bỏ qua việc tầm soát phát hiện sớm căn bệnh này 6 tháng/lần tại các cơ sở chuyên khoa uy tín, bởi ung thư đại trực tràng hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Theo thống kê của Globocan (Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế), năm 2020, ước tính tại Việt Nam có 182.563 ca mắc ung thư mới và 122.690 ca tử vong do ung thư.
Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 quốc gia (có báo cáo về ung thư) về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người.
AstraZeneca kết thỏa thuận với Bệnh viện K về nghiên cứu, hỗ trợ người bệnh ung thư
Hãng dược phẩm sinh học hàng đầu thế giới đã đánh dấu 1/4 thập kỷ hoạt động tại Việt Nam bằng việc ký kết thỏa thuận với Bệnh viện K...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư