Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 01 năm 2025,
Gạo Việt chưa được trả đúng giá trị vì văn hóa thương mại kém
Hà Ngân - 27/11/2022 14:33
 
Trong khi có thể bán với giá 2.000 USD thì hiện gạo Việt Nam chỉ có thể bán hơn 1.000 USD/tấn vì văn hóa thương mại chưa tốt.

Đây là ý kiến của ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tại hội thảo "Đánh giá tình hình tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), một số FTA khác và kiến nghị giải pháp", do Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức chiều vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Bình, các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định EVFTA là cơ hội rất lớn cho ngành gạo Việt Nam nâng cao được vị thế và giá trị tại thị trường châu Âu, cũng như tác động lan tỏa ra các thị trường khác.

“Trước đây, khi Công ty tôi nhập khẩu gạo vào châu Âu, với mức thuế tôi vừa kể trên, có khi nhà nhập khẩu gạo của Công ty tôi phải đóng thuế tới 100 - 200 Euro/tấn, giờ với việc không đóng thuế nhập khẩu nữa, các nhà nhập khẩu có được mức giá rất cạnh tranh”, ông Bình cho biết.

Tuy nhiên, vì văn hóa thương mại của một vài doanh nghiệp còn kém, sang thị trường nào là tìm mọi cách hạ giá thành sản phẩm để giành khách hàng của doanh nghiệp Việt, khiến giá bán của gạo Việt đang thấp hơn giá trị thực tế. Trong khi có thể bán với giá 2.000 USD hiện chúng ta chỉ có thể bán hơn 1.000 USD/tấn.

Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tại hội thảo
Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tại hội thảo "Đánh giá tình hình tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), một số FTA khác và kiến nghị giải pháp".

“Mặc dù EVFTA mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp của tôi, nhưng chừng đó chưa phải là những gì tôi mong muốn. Trước đây, khi xuất khẩu gạo thơm, cao lắm chỉ 800 USD/tấn. Bây giờ, chúng tôi xuất với giá FOB là 1.008 USD/tấn, chưa có bao bì và vận chuyển. Theo tôi, mức giá đó bán tại thị trường Việt Nam không hề cao. Gạo sạch của Trung An đang bán cho người tiêu dùng tại Việt Nam nhiều năm nay đa số đều 25.000 – 30.000VND/kg (trên 1.000 dola Mỹ/tấn); như vậy bán vào châu Âu phải từ 1.500 USD đến 2.000 USD mới đúng với giá trị thật của nó. Nhưng vì chính thói mua bán cạnh tranh theo lối văn hóa thương mại kém của nội bộ doanh nghiệp Việt với nhau (luôn hạ giá thành xuống để giành khách hàng), khiến giá gạo Việt luôn thấp hơn giá trị thật khá nhiều”, ông Bình nói.

Đánh giá thị trường Mỹ - EU, các chuyên gia nhận định đây là các thị trường “chịu chơi”, sẵn sàng đưa ra giá cao cho các sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn.

Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị các doanh nghiệp nên tập trung nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn của gạo Việt nói riêng và các sản phẩm xuất khẩu nói chung thay vì chỉ chăm chăm hạ giá thành để cạnh tranh.

Giám đốc Trung An thốt lên: “Đâu phải quốc gia nào cũng có những cánh đồng lúa trù phú, tự nhiên như ở đồng bằng Sông Cửu Long!”

Chúng ta đang có nhiều lợi thế từ các FTA và cả từ vị trí địa lý, thổ nhưỡng, tài nguyên,… Điều các doanh nghiệp xuất khẩu là phát huy những lợi thế này và đưa thương hiệu Việt Nam vươn xa hơn.

Xuất khẩu gạo bật tăng kỷ lục, trên 700.000 tấn trong tháng 10/2022
Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 713.546 tấn, trị giá 341 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư