Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giá điện hết tùy tiện thăng thiên
Thanh Hương - 18/11/2013 13:15
 
Theo Quyết định 2165/QĐ-TTg phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2013-2015, mức tối thiểu là 1.437 đồng/kWh và mức giá tối đa là 1.835 đồng/kWh, đồng thời giá điện phải tuân thủ cơ chế điều chỉnh giá bán điện do Thủ tướng Chính phủ quy định (hiện là Quyết định 24/2011/QĐ-TTg), cũng như phù hợp với các cấp độ phát triển của thị trường. Quyết định này đang được kỳ vọng giúp minh bạch giá điện cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.  

Bình luận về việc ban hành Quyết định 2165/QĐ-TTg, các chuyên gia trong và ngoài ngành điện thừa nhận, việc ban hành khung giá bán lẻ tối thiểu và tối đa là rất cần thiết trong giai đoạn này, để tránh tình trạng người dân bức xúc vì không biết giá điện sẽ đi đâu, về đâu như đã diễn ra thời gian qua mỗi khi tăng giá điện.

Việc minh bạch giá điện liên quan đến cả sự hình thành thị trường điện  cạnh tranh

Việc minh bạch giá điện liên quan đến cả sự hình thành thị trường điện
cạnh tranh. Ảnh: Đ.T

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, một chuyên gia ngành điện cho hay, bên cạnh việc giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh như nguyên tắc mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đặt ra, việc Chính phủ đưa ra những điều tiết để kiểm soát nền kinh tế vì quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng là rất cần thiết, nhất là khi điện vẫn được xem như một hàng hóa đặc biệt và chỉ có một đơn vị mua buôn và bán lẻ hiện nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trong lần tăng giá điện gần đây nhất, từ tháng 8/2013, giá bán lẻ điện bình quân đã đạt mức 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Trước đó, vào ngày 22/12/2012, giá bán lẻ điện bình quân đạt mức 1.437 đồng/kWh.

Như vậy, so với mức giá bán lẻ điện tối đa theo Quyết định 2165/QĐ-TTg là 1.835 đồng/kWh, giá bán lẻ điện tới năm 2015 về nguyên tắc còn chỉ được phép tăng thêm tối đa 21%.

Nói là về nguyên tắc bởi, Quyết định 2165/QĐ-TTg cũng tính tới trường hợp cần thiết phải điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân phù hợp với biến động của chi phí sản xuất - kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành bán điện. Khi đó, Bộ Công thương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, rồi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tìm hiểu của Báo Đầu tư cũng được biết, khung giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu và tối đa của Quyết định 2165/QĐ-TTg được tính toán trên nguyên tắc phân bổ hết các khoản chi phí còn để lại, các khoản lỗ chưa được tính vào giá điện trong thời gian qua như tỷ giá thay đổi, chi phí dầu vào huy động điện khi hệ thống bị mất cân bằng so với kế hoạch ban đầu (như cắt khí không theo kế hoạch…).

Trước đó, kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011 - 2015 của EVN cũng đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 854/2012/QĐ-TTg. Theo đó, kế hoạch tài chính, kinh doanh của EVN giai đoạn 2011 - 2015 sẽ thực hiện phân bổ các khoản lỗ do sản xuất - kinh doanh điện chưa tính hết vào giá điện từ trước năm 2011 cho các năm 2012 và 2013; phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015 theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Cũng theo yêu cầu tại Quyết định 854/2012/QĐ-TTg, giá bán điện sẽ được nâng dần, đến năm 2013, giá bán điện bình quân theo giá thị trường và trong các năm 2012 - 2015, Tập đoàn đảm bảo kinh doanh có lãi. Mục tiêu đặt ra cho EVN là đến năm 2015, các chỉ tiêu tài chính đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính cho vay vốn: hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 3 lần; tỷ lệ tự đầu tư lớn hơn 30%; hệ số thanh toán nợ phải lớn hơn 1,5 lần.

Các chuyên gia điện cũng cho hay, với hàng hóa phức tạp như điện thì việc minh bạch giá điện không chỉ đơn thuần thể hiện qua khung giá tối thiếu, tối đa vừa ban hành, mà còn liên quan đến việc hình thành thị trường điện cạnh tranh, cơ chế điều chỉnh giá điện cũng như quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Bởi vậy, chỉ trước vài ngày công bố khung giá bán lẻ điện bình quân, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam (thay thế Quyết định 26/2006/QĐ-TTg đang thực hiện).

Theo lộ trình này, cấp độ 1 của thị trường điện lực là hình thành thị trường phát điện cạnh tranh đã được triển khai từ năm 2009 sẽ tiếp tục thực hiện đến hết năm 2014. Cấp độ 2 với việc hình thành thị trường bán buôn điện sẽ được triển khai trong giai đoạn 2015 - 2021, trong đó giai đoạn 2015 - 2016 là thí điểm và giai đoạn 2017 - 2021 là thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Cấp độ 3 với việc hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ được triển khai thí điểm từ năm 2021 - 2023 và sau 2023 sẽ thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Ngoài ra, các cơ quan hữu trách đang mở hết tốc lực để hoàn tất và trình Chính phủ ban hành trong ít thời gian tới Cơ chế điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường (thay thế Quyết định 24/2011/QĐ-TTg hiện hành) và Biểu giá bán lẻ điện (thay cho Quyết định 268/2011/QĐ-TTg hiện hành).

Giá bán lẻ điện bình quân tối đa 1.835 đồng/kWh
Tại quyết định 2165/QĐ-TTg, ban hành ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư