Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Gia Lai hiện thực hóa khát vọng “Cao nguyên sinh thái”
Hoàn Nhân - 20/10/2024 17:20
 
Sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh và các sản phẩm đặc trưng về du lịch, tỉnh Gia Lai đang huy động nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”.
Gia Lai là vùng đất có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái. Trong ảnh: Núi lửa Chư Đang Ya, một địa điểm thu hút đông đảo du khách đến tham quan
Gia Lai là vùng đất có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái. Trong ảnh: Núi lửa Chư Đang Ya, một địa điểm thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Tiềm năng dần được khai phá

Những ngày này, dưới chân núi lửa Chư Đang Ya - ngọn núi lửa từng được tạp chí Daily Mail (Anh), bình chọn là một trong 10 ngọn núi lửa đẹp nhất thế giới, chàng nông dân trẻ Nguyễn Quang Chinh (làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai) cùng các cộng sự đang tất bật hoàn thiện vườn hoa để đón du khách đến thưởng ngoạn.

Anh Chinh cho hay, với thành công mùa hoa chi cúc chuồn trong Tuần lễ Hoa dã quỳ năm 2023, lần này, anh và gia đình quyết định nhập thêm nhiều giống hoa mới, độc lạ để phục vụ khách du lịch cũng như những người yêu hoa tại Gia Lai có thêm địa điểm tham quan trước, trong và sau khi tham gia lễ hội.

“Năm 2023, lễ hội rất thành công, vì vậy, tôi đầu tư thêm nhiều sản phẩm để phục vụ khách trong lễ hội lần này. Vườn hoa đang bắt đầu vào vụ, dự kiến nở rộ đúng vào Tuần lễ Hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024. Hy vọng năm nay, Tuần lễ Hoa dã quỳ tiếp tục thu hút nhiều du khách đến tham quan”, anh Chinh chia sẻ.

Lễ hội hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2023 thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tiếp nối thành công này, tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức Tuần lễ Hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 quy mô cấp tỉnh, dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 12/11/2024 tại khu vực sân nhà rông làng Ia Gri và khu vực núi lửa xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh).

Trong khuôn khổ chương trình có 11 hoạt động chính, gồm các hoạt động văn hóa như trình diễn cồng chiêng, múa xoang, đan lát, tạc tượng, chế tác nhạc cụ; giới thiệu trang phục thổ cẩm, các hiện vật văn hóa, sản phẩm thủ công truyền thống, sản vật đặc trưng của địa phương; phục dựng nghi lễ mừng lúa mới của người Jrai; biểu diễn giã gạo...

Đặc biệt, tại Tuần lễ Hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024, dự kiến có nội dung thả khinh khí cầu để du khách ngắm nhìn toàn bộ đỉnh núi Chư Nâm, núi lửa Chư Đang Ya và khung cảnh TP. Pleiku... Dịp này sẽ diễn ra giải half marathon 2024 “Đánh thức vùng quê Chư Păh - Hành trình kết nối núi và hoa”.

Những lễ hội này đã trở thành điểm nhấn cho ngành du lịch của Gia Lai trong thời gian qua, góp phần đưa số lượt khách du lịch đến với tỉnh tăng mạnh.

Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai, trong 9 tháng đầu năm 2024, có khoảng 1.050.000 lượt khách tham quan, du lịch đến tỉnh, tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 80% so với kế hoạch. Tổng thu du lịch ước đạt khoảng 691 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, đạt 80% so với kế hoạch.

Riêng tháng 9/2024, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến tỉnh ước đạt 105.000 lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 1.000 lượt, khách nội địa 104.000 lượt, thu về khoảng 83 tỷ đồng.

Là cao nguyên sinh thái, Gia Lai cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển loại hình du lịch gắn với thể thao. Loại hình du lịch này có sự chuyển động qua việc tổ chức thành công một số giải thể thao gắn với địa hình đặc trưng cao nguyên. Cuối năm 2023, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh tổ chức cuộc thi leo núi “Chinh phục đỉnh Đá Trắng” mở rộng lần thứ I, với hy vọng khai phá tiềm năng du lịch từ tài nguyên rừng già.

Với những nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch, Gia Lai đã và đang khẳng định được sức hút với điểm đến mới, hấp dẫn trên bản đồ du lịch cả nước với một số tour đặc thù gắn với kỳ quan núi lửa Chư Đang Ya, chinh phục đỉnh Chư Nâm - nóc nhà phía Tây của tỉnh, hay thác K50 trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Bên cạnh đó, Gia Lai sở hữu 2 di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, đó là Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ngoài ra, Gia Lai còn có quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia.

Sự kiện “Tuần lễ Hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024” được kỳ vọng tiếp tục thu hút du khách đến tham quan và  trải nghiệm các sản phẩm đặc trưng của “Tây Nguyên đại ngàn” (Ảnh: Lê Nam)
Sự kiện “Tuần lễ Hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024” được kỳ vọng tiếp tục thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm các sản phẩm đặc trưng của “Tây Nguyên đại ngàn”. Ảnh: Lê Nam

Hút vốn đầu tư vào du lịch

Dù có rất nhiều tiềm năng, nhưng thực tế du lịch tỉnh Gia Lai chưa tăng trưởng như kỳ vọng, chưa phát triển xứng tầm. Nguyên nhân là do các khu đất dự kiến kêu gọi đầu tư dự án phát triển du lịch đều vướng đất của dân, nhưng địa phương chưa có phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Các ban quản lý rừng, Vườn quốc gia, Khu bảo tồn nhiên nhiên, lâm trường... chưa đủ cơ sở pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích đất thương mại, dịch vụ. Các địa phương chưa hoàn chỉnh các cấp độ quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nên khó khăn trong quá trình lập các thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, thời gian vừa qua, Gia Lai chưa tạo được sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù về thu hút đầu tư, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng trong đầu tư phát triển và khai thác du lịch, nhất là các quy định về đất đai, về quản lý bảo vệ rừng…

Ý thức được những khó khăn, rào cản mà du lịch đang gặp phải, chính quyền tỉnh Gia Lai rất nỗ lực để đưa ngành này trở thành động lực phát triển. Tỉnh đã đặt ra các mục tiêu cụ thể. Theo đó, ngành du lịch Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 đón 1,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt 900 tỷ đồng và tạo việc làm cho 3.000 lao động trực tiếp. Mục tiêu đến năm 2030 đạt 4,2 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa 4,1 triệu lượt, khách quốc tế 100.000 lượt, tổng thu từ du lịch đạt 5.500 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu trên, Gia Lai đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án du lịch trọng điểm như Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng núi Hàm Rồng (xã Ia Kênh, TP. Pleiku), diện tích 190 ha; Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Tân Sơn (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh), diện tích 56,1 ha; Dự án Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya; Dự án Khu du lịch văn hóa Cao nguyên đồi thông kết hợp với du lịch sinh thái ở TP. Pleiku và huyện Grai…

Ngoài việc tự nâng mình trong công cuộc phát triển ngành “công nghiệp không khói”, tỉnh Gia Lai cũng tham gia nhiều hoạt động liên kết vùng. Trong đó, tỉnh tham gia hợp tác phát triển du lịch rừng - biển giữa 6 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định, giai đoạn 2022 - 2027.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Tấn Thành cho rằng, cần có sự liên kết thực chất giữa doanh nghiệp du lịch dịch vụ của các tỉnh, đồng thời kết hợp đặc trưng của “Tây Nguyên đại ngàn” với sự đặc sắc của “biển xanh cát trắng” để hình thành một sản phẩm du lịch chung của 6 tỉnh. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá trên các ứng dụng, website, cổng điện tử du lịch thông minh của 6 tỉnh.

Với tầm nhìn đến năm 2050, Gia Lai là “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa, tỉnh đang huy động các nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu này.

Ông Đinh Hữu Hòa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai cho hay, để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh đang tập trung rà soát các dự án kêu gọi đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch tại các địa phương để thẩm định bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2024 - 2026. Phối hợp tổ chức các hoạt động về giới thiệu dự án, khảo sát thực địa, hỗ trợ thông tin, tư vấn thủ tục đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các dự án phát triển du lịch có tính đột phá.

“Ngoài giải pháp trên, tỉnh Gia Lai sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; tạo cơ chế thông thoáng cho các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn phát triển. Đặc biệt, phải tạo được sự kết nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Hòa nhấn mạnh.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai cho rằng, UBND cấp huyện cần phải phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát về hiện trạng đất, nguồn gốc đất, xác định mục đích sử dụng đất đối với các dự án du lịch, từ đó xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư có thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để hoàn tất các bước chuẩn bị, kêu gọi đầu tư. Đồng thời, UBND cấp huyện chủ động rà soát sự phù hợp của các dự án thuộc lĩnh vực du lịch với quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; trường hợp chưa phù hợp thì thực hiện cập nhật điều chỉnh vào quy hoạch theo quy định.

Lợi nhuận Đức Long Gia Lai tăng 15,6 tỷ đồng sau soát xét
Lợi nhuận sau thuế của Đức Long Gia Lai đạt hơn 61 tỷ đồng sau kiểm toán, tăng 15,6 tỷ đồng so với báo cáo tự lập do giảm chi phí tài chính và chi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư