Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giá tăng, xuất khẩu gạo thu về 3,03 tỷ USD trong năm 2018
Thế Hải - 12/01/2019 08:19
 
Nhờ tăng được giá bán so với năm 2017, với mức giá 502 USD/tấn, xuất khẩu gạo trong năm 2018 đã thu về 3,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2017, đạt sản lượng hơn 6 triệu tấn.
Giá xuất khẩu gạo năm 2018 ở mức 502 USD/tấn, mang về ngoại tệ 3,03 tỷ USD.
Giá xuất khẩu gạo năm 2018 ở mức 502 USD/tấn, mang về ngoại tệ 3,03 tỷ USD.

Xuất khẩu được giá

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), năm 2018 là năm bội thu của hạt gạo Việt xuất khẩu, đạt trị giá 3,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2017.

Hạt gạo Việt Nam cũng đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Giá gạo xuất khẩu năm 2018 cũng tăng mạnh, từ 452USD/tấn (năm 2017) lên 502 USD/tấn trong năm 2018, trong đó tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm tới 80%.

So với mức giá xuất khẩu trung bình của hạt gạo Việt trong năm 2017 thì mức tăng giá của năm 2018 khá thành công.

Việc tăng được giá gạo xuất khẩu trong năm qua là kết quả của quá trình tái cấu trúc ngành sản xuất lúa gạo, khi ngành lúa gạo Việt Nam, khi cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng tăng phân khúc gạo chất lượng cao, giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp.

Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2017, xuất khẩu gạo đạt 5,83 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016, trị giá 2,63 tỷ USD, với giá FOB xuất khẩu bình quân 452,6 triệu USD tấn. Mức giá này đã tăng thêm 3,7 USD/tấn so với giá xuất khẩu bình quân của năm 2016.

Công ty CP Tập đoàn Tân Long đã thắng khi đầu tư mạnh vào sản xuất gạo chất lượng cao, cụ thể là hạt gạo Japonica hạt tròn, chuyên xuất khẩu sang Hàn Quốc và các thị trường khó tính khác với giá rất ổn định.

Năm 2018, nhà xuất khẩu này cũng đơn vị duy nhất của Việt Nam trúng thầu 60.000 tấn gạo Japonica hạt tròn xuất đi Hàn Quốc. Được biết, loại gạo Japonica xuất sang Hàn Quốc có giá xuất khẩu trên 700 USD/tấn, mức giá này đang cao hơn gạo thường từ 200-300 USD/tấn. Đây cũng là một mức giá vào nhóm cao nhất mà gạo Việt Nam xuất khẩu.

Sở dĩ có giá cao là bởi loại gạo này được Hàn Quốc nhập khẩu để chế biến đồ uống và thức ăn nhanh.

Kỳ vọng giá tăng năm 2019

Xác định được mục tiêu nâng cao giá trị gạo, năm 2019, ngành lúa gạo tiếp tục tập trung đi theo hướng sản xuất bền vững, tăng sản xuất các giống lúa chất lượng để nâng cao chất lượng, giá trị tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Năng lực sản xuất và chế biến lúa gạo xuất khẩu năm 2019  sẽ tiếp tục gia tăng nhờ vào các dự án đầu tư đã và đang được doanh nghiệp khởi động.

Công ty TNHH gạo công nghệ cao Agroinpro Đắk Lắk cho biết, trong quý 1/2019 sẽ khởi công xây dựng nhà máy chế biến gạo với công suất hơn 200.000 tấn lúa/năm, sử dụng công nghệ 4.0 của châu Âu… để xuất khẩu.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo của Công ty Agroipro Đắk Lắk sẽ đi vào guồng nhanh hơn khi nhận được sự hỗ trợ và hợp tác của Tập đoàn San Jose (Tây Ban Nha), trực tiếp là 2 công ty: Công ty Agroinpro, chuyên về công nghệ sấy bảo quản chế biến gạo, tiêu và xử lý chất thải công nghệ Plasmas và Công ty Emilio Camacho, chuyên về sản xuất lúa giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, cung cấp gạo ở thị trường châu Âu .

Một nhà đầu tư lớn đến từ Australia chuyên về thương mại lúa gạo cũng đầu tư mạnh vào ngành lúa gạo Việt Nam, đó là Tập đoàn SunRice đã hoàn tất việc mua lại nhà máy chế biến gạo tại tỉnh Đồng Tháp, đánh dấu khoản đầu tư tài chính trực tiếp đầu tiên của Tập đoàn này vào Việt Nam hồi tháng 11/2018.

SunRice sẽ đầu tư nhằm nâng cao và mở rộng nhà máy chế biến và mua sắm trang thiết bị để tăng khả năng làm trắng và đánh bóng hạt gạo.

Ngoài ra, SunRice cũng sẽ trang bị thêm một dây chuyền đóng gói mới cho nhà máy này nhằm đảm bảo nhà máy sẽ đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn mà SunRice mong muốn về sản phẩm chất lượng cao, các tiêu chuẩn an toàn và các yêu cầu của khách hàng. Nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2019 với công suất chế biến khoảng 260.000 tấn lúa khô/năm.

Ông Rob Gordon, Giám đốc điều hành của SunRice cho biết, việc mua lại nhà máy chế biến gạo tại Việt Nam nằm trong kế hoạch một loạt các hoạt động đầu tư đã được thực hiện để thúc đẩy Chiến lược tăng trưởng đến năm 2022 của SunRice.

Những năm qua, Tập đoàn này đã sử dụng nguồn cung ứng cả gạo Japonica và Indica từ Việt Nam. Chỉ tính 3 năm gần đây, SunRice đã mua 200 triệu USD gạo Việt và hiện chiếm khoảng 5% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài việc mua gạo, SunRice đã hợp tác trong chuỗi giá trị gạo Việt Nam để phát triển năng lực gạo Japonica xuất khẩu có giá trị cao cho thị trường toàn cầu của SunRice.

Một điều quan trọng nữa, tạo động lực cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam là xu hướng đi lên của giá gạo toàn cầu.

Tại Hội nghị Gạo thế giới lần thứ 10 do Việt Nam đăng cai tại Hà Nội trong quý 4/2018, ông Shawn Hackett, Chủ tịch Công ty Hackett Financial Advisors đưa ra dự báo năm 2019 đánh dấu chu kỳ tăng giá gạo trên toàn thế giới.

Theo ông Shawn Hackett, những thay đổi thời tiết mà toàn thế giới đang phải đương đầu như ánh nắng mặt trời ngày càng mạnh, hiện tượng El nino đang diễn ra sẽ khiến việc canh tác khó hơn, đẩy giá gạo tăng cao trong vòng 4 năm tới. Đây sẽ là cơ hội cho gạo chất lượng cao của Việt Nam trong khâu đàm phán giá với các nhà nhập khẩu.

Năm 2019,  xuất khẩu gạo đặt mục tiêu đạt sản lượng 6,5 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt trên 3 tỷ USD.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Giá gạo Việt Nam đã cao hơn Thái Lan, Ấn Độ
Giải trình làm rõ một số vấn đề tăng trưởng, cơ cấu trong nông nghiệp tại phiên họp chiều nay (26/10) kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư