Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giá trị các đợt IPO qua sàn chứng khoán năm 2018 đạt khoảng 3,3 tỷ USD
Anh Hoa - 11/02/2019 14:04
 
Thị trường chứng khoán vẫn chứng tỏ là kênh huy động vốn hiệu quả nhất

Theo số liệu thống kê trên FiinPro Platform của Stoxplus vừa công bố cho thấy nhà đầu tư cá nhân vẫn đóng vai trò chủ đạo trong thanh khoản sàn HOSE trong năm 2018.

Cụ thể, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước hiện chiếm gần 75% sàn HOSE. Tổ chức nước ngoài hoạt động tích cực hơn so với tổ chức trong nước với tỷ lệ tương ứng lần lượt là 17,41% và 7,55%. Nếu so với năm 2017, tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tăng từ 14,6% lên 17,41%.

Theo đó, vốn hóa thị trường cuối năm 2018 đạt khoảng 4 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với 2017. Với con số này, tại thời điểm cuối năm thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tỷ lệ vốn hóa/GDP đạt 72,3%, trong khi năm 2017 đạt 70,3%.

Tổng giá trị vốn huy động bằng IPO và phát hành thêm cổ phiếu của các doanh nghiệp trong năm đạt khoảng 120.000 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với năm 2017.

Trước thềm niêm yết, Techcombank đã thu về gần 1 tỷ USD từ đợt bán vốn cho nước ngoài
Trước thềm niêm yết, Techcombank đã thu về gần 1 tỷ USD từ đợt bán vốn cho nước ngoài

Trong đó, giá trị các đợt IPO đạt khoảng 74.000 tỷ đồng (khoảng 3,3 tỷ USD), tăng gần 2,5 lần so với năm 2017.

Khởi đầu là thương vụ bán hơn 164 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), tương đương 14% vốn điều lệ ngân hàng cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, trị giá 922 triệu USD.

Trong năm 2018, tính theo giá trị khớp lệnh, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 16.050 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Trong đó, bán ròng mạnh nhất tại ngành bất động sản (12.081 tỷ đồng), Du lịch & giải trí (3.013 tỷ đồng) và Thực phẩm & Đồ uống (2.703 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tập trung chủ yếu ở ngành Dịch vụ tài chính (2.026 tỷ đồng), Bán lẻ (977 tỷ đồng) và ngành ngân hàng (779 tỷ đồng).
Các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất năm là VIC (6.982 nghìn tỷ đồng), VJC (2.990 nghìn tỷ đồng), VHM (2.539 tỷ đồng). Các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất là DXG (1.366 tỷ đồng), SSI (1.098 tỷ đồng), FRT (930 tỷ đồng)

(Nguồn: FiinPro Platform 

Nhưng thương vụ của Techcombank chưa phải là lớn nhất. Sau Techcombank, thương vụ IPO tỷ USD lớn nhất được nhắc tới trong năm 2018 là thương vụ của Vinhomes. 

Đây cũng là thương vụ IPO lớn nhất Đông Nam Á năm 2018 theo bình chọn của các nhà đầu tư quốc tế. Ngay sau khi cổ phiếu VHM của Vinhomes chào sàn hôm 17/5/2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi 1,35 tỷ USD để nắm giữ cổ phiếu VHM, tạo nên phiên giao dịch có trị giá trên 1 tỷ USD đầu tiên trong gần 20 năm phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Liên quan đến hoạt động IPO và bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, trong năm 2018 có những thương vụ thoái vốn ấn tượng nhất là bán 78,99% vốn điều lệ tại Vinaconex (SCIC bán 57,71% và Viettel bán 21,28%) diễn ra chiều ngày 22/11 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). 

Với việc đấu giá thành công này, Nhà nước (thông qua 2 đại diện chủ sở hữu là SCIC và Viettel) đã thu về hơn 9.369 tỷ đồng. Trước đó, đầu năm 2018 có các thương vụ IPO Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trị giá 5.500 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) 4.100 nghìn tỷ đồng, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) 7.000 tỷ đồng.

Giấc mơ thoái vốn ngàn tỷ
Nhiều thương vụ thoái vốn được chờ đợi vài năm qua kỳ vọng sẽ “thoát hàng” trong năm 2019, nhưng quan trọng là chất lượng doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư