Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Giải pháp để TP.HCM khai thác hiệu quả du lịch đường thủy
Hoài Sương - 18/12/2022 14:30
 
TP.HCM có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch đường thủy, song kết quả đạt được chưa tương xứng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để khai thác hiệu quả lĩnh vực này.
Du lịch trên sông Sài Gòn (TP.HCM) về đêm 	ảnh: lê toàn
Du lịch trên sông Sài Gòn (TP.HCM) về đêm ảnh: lê toàn

Sản phẩm khá đa dạng

Thực ra, TP.HCM đã nhìn ra ưu thế sông nước thuận lợi cho phát triển du lịch đường thủy từ lâu. Năm 2017, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2017 - 2020.

Hiện nay, nguồn lực du lịch đường thủy của TP.HCM khá đa dạng. Trong đó, nhóm sản phẩm du lịch tầm ngắn (các tour trên sông tuyến nội đô có bán kính dưới 10 km) đã được đầu tư hoàn chỉnh với các bến: cầu Mống, cảng Sài Gòn, Bạch Đằng, Tân Cảng, Bình An, Bình Quới 1, Bình Quới 2.

Tuyến đi Bình Quới được khai thác tốt với khoảng 24 doanh nghiệp tham gia. Trong đó, Công ty TNHH Thường Nhật thu hút nhiều du khách với 4 tàu (sức chở 75 khách/tàu, 30 lượt chạy tàu/ngày), ngoài vận chuyến hành khách công cộng, còn phục vụ hơn 75% lượng khách du lịch du ngoạn, ngắm cảnh sông Sài Gòn, thưởng thức ẩm thực phong phú, đa dạng. Trung bình mỗi tháng, có khoảng 14.000 lượt khách tham gia tour này.

TP.HCM đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng du khách đường thủy đạt 10 - 15%/năm; doanh thu du lịch đường thủy đến năm 2025 đạt khoảng 3.000 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 15% trong những năm tiếp theo.

Ngoài ra, tuyến du lịch kết hợp hoạt động thưởng ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với các tour như “Ngắm hoàng hôn”, “A glimpse at Sai Gon by boat” dành cho khách quốc tế, tour nghe lịch sử của Công ty Thuyền Sài Gòn cũng thu hút lượng khách quốc tế không nhỏ.

Ở nhóm sản phẩm du lịch tầm trung (các tour trên sông tuyến nội đô có bán kích 10 - 60 km) hệ thống bến thủy kết nối vào các khu du lịch được đầu tư khá hoàn chỉnh. Trong đó, tuyến du lịch Củ Chi (từ bến Bạch Đằng tới Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi) có nhiều doanh nghiệp tham gia, thu hút khoảng 3.000 khách/tháng. Tuyến du lịch Cần Giờ với tài nguyên quý giá là Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn của cả nước và khu vực Đông Nam Á rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Một số doanh nghiệp như Les Rives, Saigon River Tour, Saigontourist, Thường Nhật, Phú Thọ… đang khai thác các tuyến này, lượng khách trung bình đạt 1.000 khách/tháng.

Ngoài ra, TP.HCM còn có nhóm sản phẩm du lịch đường sông, đường biển tầm xa đi Vũng Tàu, Mỹ Tho…

Nhiều rào cản

Dù đã đạt được kết quả nhất định, nhưng có thể thấy, du lịch đường thủy TP.HCM vẫn chưa phát huy hết nội lực, do còn tồn tại nhiều vấn đề.

Cụ thể, theo Sở Du lịch TP.HCM, Thành phố có 74 bến thủy nội địa phục vụ hành khách, song chỉ mang tính tạm thời, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong đó, một số bến như Bình Hòa, Bình Khánh, Trạm phân khu 1, Trạm phân khu 2, Bình Đông, Lò Gốm… chưa đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ, chưa hài hòa với cảnh quan xung quanh và còn thiếu khu vực vệ sinh cho khách du lịch.

Tuyến rạch Dơi - sông Kinh vướng cầu Rạch Dơi, tuyến rạch Đỉa - rạch Dơi - sông Phú Xuân vướng cầu Rạch Đỉa, cầu Phú Xuân, cầu Phước Long…, công trình cầu chưa đảm bảo cấp kỹ thuật của đường thủy nội địa.

Ngoài ra, lượng khách du lịch đi bằng đường biển ngày càng tăng và tâm lý du khách ngày càng thích những tàu lớn. Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều cảng tập trung phát triển kinh doanh đón tàu container, nên gần như không còn chỗ cho tàu du lịch. Không khó để lý giải điểm hạn chế này, bởi chi phí cho một khách du lịch quốc tế cập cảng là 1 USD/khách, thời gian neo đậu tại cảng ít nhất là 10 - 12 tiếng, trong khi chi phí cho một tàu hàng cập cảng trung bình 200.000 USD/tàu hàng, thời gian neo đậu tại cảng ngắn hơn.

TP.HCM vẫn chưa thật sự có một bến cảng phù hợp, tầm cỡ phục vụ khách du lịch quốc tế, chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ gần khu vực bến tàu nhằm thu hút khách tham quan, mua sắm để tăng chi tiêu của du khách. Hiện tại, chỉ có cảng Sài Gòn tiếp nhận tàu khách, các cảng khác hầu hết là cảng hàng hóa.

Trong khi đó, công tác giải phóng các cơ sở, công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ… còn nhiều khó khăn, nên việc quy hoạch, tổ chức khai thác cảnh quan sông nước, hệ thống bờ kè dọc sông Sài Gòn và kênh rạch nội đô còn chưa hoàn thành.

Ngoài ra, cơ chế quản lý chưa rõ ràng để kêu gọi, vận động hoặc hỗ trợ về giá cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Đâu là giải pháp?

Để phát huy và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đường thủy của TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM cho rằng, cần phải khẩn trương hoàn thiện quy hoạch, thiết kế đô thị và tổ chức quản lý, khai thác cảnh quan sông nước, hệ thống bờ kè dọc sông Sài Gòn và kênh rạch nội đô nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về tổ chức, quản lý không gian cảnh quan trên toàn bộ tuyến sông.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông đường thủy tạo sự thông thoáng, thuận tiện trong lưu thông, rút ngắn thời gian di chuyển; đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Cảng Du lịch quốc tế tại Công viên Mũi đèn đỏ; nghiên cứu cơ chế sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ sông, kênh rạch linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng khu vực (không nhất thiết chỉ sử dụng làm các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như hiện nay), sử dụng quỹ đất hành lang bờ sông để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ hoạt động dịch vụ, thương mại và du lịch, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Ngoài ra, cần phát triển các sản phẩm mới như xây dựng mô hình tàu nghỉ qua đêm để trải nghiệm trên dòng sông Sài Gòn; phát triển tàu gỗ nhỏ và vừa vận chuyển 10 - 50 khách nhằm kết nối với các khu vực rạch nhỏ, kết hợp tham quan di tích lịch sử, đình chùa, làng nghề trên tuyến.

Du lịch đường thuỷ TP.HCM: Mất 2 tiếng đi từ quận 1 đến quận 9
Đã hơn 4 năm từ khi UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy trên địa bàn giai đoạn 2017-2020 nhưng thành quả thì...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư