Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Giải pháp nào cho nhân viên y tế khi mặc đồ bảo hộ giữa thời tiết 40 độ?
D.Ngân - 01/06/2021 22:48
 
Nhiều nhân viên y tế bị ngất xỉu, sốc nhiệt khi mặc đồ bảo hộ kín bưng làm việc trong thời tiết nắng nóng khiến nhiều người lo ngại.

Tâm dịch Bắc Giang đã chứng kiến cảnh nhiều cán bộ y tế ngất xỉu, hay sốc nhiệt khi làm việc trong điều kiện nắng nóng cao điểm.

Áp lực của nhân viên y tế khi phải làm việc trong bộ đồ bảo hộ dưới thời tiết nắng nong cao điểm quả là khó khăn.

Ngay tại Hà Nội, rất nhiều nhân viên truy vết và lấy mẫu xét nghiệm khi được hỏi cũng thốt lên nỗi sợ của họ khi phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, bí nóng khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 40 độ C.

Một nữ điều dưỡng phường hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm khi chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư đã cho rằng, cảm giác mồ hôi mà không thể lau, chảy vào miệng với vị mặn từng hàng liên tiếp giống với uống nước thực sự là nỗi ác mộng.

Nhiều người khác cũng cho rằng mỗi khi phải thay cả bộ đồ để giải quyết các vấn đề cá nhân thực sự rất bất tiện và cũng bởi tốn kém nên họ luôn cố chịu đựng để cuối ngày khi cởi bộ quần áo bảo hộ là như vừa nhúng cả người xuống biển bởi vị mặn chát của mồ hôi.

Trước nỗi khổ của nhân viên y tế khi phải làm việc trong thời tiết nắng nóng phòng chống dịch bệnh, một chuyên gia cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai đã đề xuất giải pháp nên trang bị cho nhân viên y tế khẩu trang N95, kính che mặt, găng tay và tạp dề, không cần quần áo bảo hộ như hiện tại.

Bên cạnh đó, chuyên gia cho hay cần bố trí việc lấy mẫu ngoài trời cùng một chiếc quạt công nghiệp với tốc độ cao đặt phía sau nhân viên y tế.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, vị chuyên gia này cho rằng khu vực lấy mẫu cần được phun khử khuẩn định kỳ, đồng thời bố trí nơi người dân chờ tách biệt, một chiều. Quạt cũng cần điều chỉnh ở tốc độ cao, người dân phải đứng ngược chiều gió.

Phân tích sự khó nhọc của nhân viên y tế khi phải mặc đồ bảo hộ trong tiết trời nắng nóng, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay có hai vấn đề xảy ra.

Đầu tiên, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ làm việc liên tục trong thời gian dài sẽ tiết mồ hôi nhiều nhưng không thể bổ sung ngay do đặc thù công việc. Từ đó, người lấy mẫu rất dễ mất nước và điện giải.

Bên cạnh đó, khi nhiệt độ bên trong lớp quần áo bảo hộ khá cao, dẫn đến nguy cơ say nóng lớn. Ngoài ra, trong các tình huống lấy mẫu ngoài trời, nhân viên y tế còn gặp phải tình trạng say nắng.

"Say nắng, nóng, cộng thêm mất nước, điện giải khiến cơ thể rất nhanh mệt mỏi và suy kiệt. Một số nhân viên y tế sức khỏe không tốt trước đó cũng có nguy cơ lả nhiệt cao", bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nêu.

Với đề xuất dùng quạt gió, bác sĩ Hùng cho rằng còn nhiều yếu tố cần cân nhắc.

Theo đó, khi nhân viên y tế lấy mẫu, bệnh nhân có thể ho và phát tán giọt bắn về phía trước. Lúc này, mạng che mặt sẽ là vị trí bị nhiễm virus nhiều nhất, xếp sau là quần áo của người lấy mẫu. Khi đó, tạp dề có thể là chưa đủ.

Liên quan giải pháp chống nóng cho nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ, sáng 1/6, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế, đã có văn bản báo cáo tới Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn. 

Tại văn bản, Viện trưởng Doãn Ngọc Hải cho hay, giải pháp thay thế đồ bảo hộ thoáng khí hơn là không khả thi. Bởi những bộ đồ tương tự, tốt nhất trên thị trường hiện cũng không thoáng hơn.

Bên cạnh đó, theo ông Hải, việc dùng quạt cũng không khả thi vì gió quạt sẽ thổi bụi lên và tăng ô nhiễm do khuếch tán. 

Với giải pháp xử lý thông gió cá nhân dạng bán mặt nạ, ông Hải cho hay thị trường hiện cũng có mũ chống dịch của Công ty Vihem giải quyết được một phần cảm giác nóng và khó chịu. Tuy nhiên, giá thành mỗi chiếc mũ này là 140 USD. Do đó, chúng ta khó có thể trang bị đại trà. Chưa kể, loại mũ này cũng có hạn chế như ồn, nặng, đôi lúc bị bí. 

Theo ý kiến từ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, giải pháp thông gió cá nhân sử dụng quạt đeo là khả thi nhất, giúp không khí đối lưu trong khi mặc đồ bảo hộ, giảm nóng hay khó chịu. 

“Viện đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo và đánh giá xong. Sau khi kêu gọi được nhà tài trợ và sản xuất, sản phẩm có thể được sử dụng”, Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp nêu.

Ngoài ra, theo ông Hải, một giải pháp khác mà Viện đang nghiên cứu là cấp khí sạch làm mát tạm thời. Giải pháp này được thiết kế một thiết bị cấp khí sạch cho bốn người. Thiết bị này di động, sử dụng pin sạc. 

Đây là thiết bị dân dụng tương tự máy lọc không khí trên thị trường. Thiết bị này có thể lắp bất cứ ở đâu, giúp cho một nhóm nhân viên y tế không bị nóng và có thể luân phiên sử dụng.

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đang xin ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn để triển khai diện rộng, khắc phục khó khăn cho nhân viên y tế tại tâm dịch.

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định dù thấu hiểu những khó khăn, bất tiện của nhân viên y tế khi làm việc dưới thời tiết nắng nóng trong bộ đồ bảo hộ kín bưng song ông cũng cho rằng, trong tình hình dịch hiện nay, nếu bỏ bộ đồ trang phục bảo vệ sẽ mất vũ khí bảo vệ nhân viên y tế. 

Để đảm bảo an toàn cho đội ngũ tuyến đầu theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đã chỉ đạo và yêu cầu đoàn công tác bảo đảm sức khỏe, bồi dưỡng về mặt dinh dưỡng, cung cấp các loại nước uống để nâng cao sức khỏe cho các nhân viên y tế. 

"Về mặt thời gian lấy mẫu tại cộng đồng, chúng tôi yêu cầu các đoàn bố trí từ sáng sớm đến 9 giờ sáng và từ chiều từ 19 giờ đến 23 giờ. Các điểm lấy mẫu phải bố trí ở chỗ râm mát, thông khí, có quạt, đầy đủ ánh sáng để công tác lấy mẫu của các đoàn tốt nhất", lãnh đạo Bộ Y tế nêu.

Liên quan tới vấn đề thay đổi thời gian xét nghiệm, từ ngày 31/5 tỉnh Bắc Ninh đã thay đổi thời gian lấy mẫu xét nghiệm sang tối đêm và sáng nhằm giảm tải áp lực cho nhân viên y tế.

Cấp thiết chống lây nhiễm chéo Covid-19 tại các khu cách ly tập trung
Nhiều F1 tại các khu cách ly tập trung thành F0 từ đầu làn sóng dịch thứ tư tới nay đã cảnh báo nếu không làm tốt công tác này, dịch Covid-19 sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư