Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Giảm can thiệp hành chính vào điều hành xăng dầu
Hải Yến - 30/07/2024 14:04
 
Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) đề nghị Nhà nước giảm can thiệp hành chính vào điều hành xăng dầu, trao quyền cho doanh nghiệp tự quyết giá bán, với lập luận cái gì thuộc về thị trường nên để các doanh nghiệp quyết định.
Chuyên gia, doanh nghiệp kêu giá xăng dầu đang bị 'áp đặt' bởi công cụ hành chính
Các chuyên gia cho rằng,  giá xăng dầu đang bị áp đặt nhiều bởi công cụ hành chính.

Các Chuyên gia, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) đồng loạt đề nghị việc xây dựng chính sách quản lý xăng dầu thời gian tới cần giảm bớt can thiệp hành chính của Nhà nước trong điều hành giá xăng dầu, tăng trao quyền cho doanh nghiệp trong việc tự quyết định giá bán, từ đó tạo lập thị trường xăng dầu cạnh tranh mà vẫn đảm bảo an ninh năng lượng, người tiêu dùng được hưởng lợi.

Những kiến nghị này được nêu tại Tọa đàm: "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 30/7.

Không thể thoát ly khỏi giá quốc tế

Xăng dầu là mặt hàng có vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng, mang tầm chiến lược trong bảo đảm ổn định và giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là bảo đảm về an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp

Tuy nhiên, thị trường xăng dầu vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập, những "nút thắt" gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, chưa tạo lập được thị trường minh bạch, có cạnh tranh.

ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội cho rằng: "Xăng dầu là một mặt hàng mang tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh, cũng là mặt hàng rất nhạy cảm, thường xuyên biến động. Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để điều hành và bình ổn giá xăng dầu, với 3 công cụ, gồm: giá cơ sở, điều chỉnh thuế (giảm thuế khi cần thiết) và sử dụng quỹ bình ổn".

Việc điều hành như vậy đã mang lại kết quả khá tích cực. Nhà nước có vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu, thể hiện trong nhiều kỳ biến động lớn về giá xăng dầu trên thế giới chúng ta đã có những chính sách để không tạo ra cú sốc bất thường về giá xăng dầu.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Cường, dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá nhưng giá vẫn phải theo thế giới. Cách này vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành chính của Nhà nước áp đặt cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

"Khi đã dùng hành chính áp đặt sẽ không bảo đảm lợi nhuận do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp dùng công cụ áp đặt quá mức, doanh nghiệp không có lợi nhuận, sẽ có biện pháp để lảng tránh. Điển hình nhất như có thời điểm doanh nghiệp treo biển hết xăng dầu", ông Cường nói.

Xăng dầu là mặt hàng liên thông nhiều mặt hàng khác, đặc biệt liên thông cả đến thị trường quốc tế, theo tính toán của Bộ Tài chính, trong cơ cấu giá, giá xăng dầu thế giới chiếm tới 64-72%, rõ ràng, phụ thuộc nhiều vào quốc tế. 

Mặt hàng xăng dầu cũng không hoàn toàn tuân thủ theo quy luật cung cầu thuần túy mà từ lâu đã thoát ly ra khỏi quy luật cung cầu, phụ thuộc nhiều vào địa chính trị như: chiến tranh, thiên tai, những sự đầu cơ quá lớn của các tổ chức tài chính bên ngoài.

Do đó, điều hành giá bán xăng dầu không thể thoát ly được khỏi giá quốc tế.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Vinpa cho rằng: "Nút thắt" trong tất cả các Nghị định kinh doanh xăng dầu thời gian vừa qua vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá".

Đơn cử, chúng ta quy định kỹ quá, rõ ràng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn 7 ngày phải xác định giá (theo Nghị định 95, 80), như vậy cơ quan quản lý Nhà nước làm thay cho doanh nghiệp, kể cả những giai đoạn giá chỉ 15.000 đồng/l cũng vận hành đúng như thế, chế tài cũng như thế đến khi giá giai đoạn lên đến 33.000 đồng năm 2022 cũng chỉ có những cơ chế đó vận hành. 

Do vậy, ông Bảo nhấn mạnh: "việc xác định giá trong giai đoạn này là một "nút thắt" lớn nhất. Đã đến lúc chúng ta phải có cơ chế để xác định cái gì thuộc về thị trường nên "trả" về để các doanh nghiệp quyết định, để có thị trường cạnh tranh".

Khi có cạnh tranh thì xu hướng là luôn luôn đạt được mức giá mà người tiêu dùng được hưởng lợi.

Giảm áp đặt hành chính trong điều hành xăng dầu

Hiện, Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Tài chính, đang xây dựng dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 đã được ban hành trước đó nhằm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách cho sự phát triển ổn định, hiệu quả của thị trường xăng dầu.

Ông Bảo cho rằng: "Mục tiêu của việc sửa đổi lần này là phải giảm thiểu tối đa quyết định mang tính hành chính để xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường. Nghị định mới lần này phải thay thế những vấn đề còn tồn tại ở các Nghị định cũ".

Mới đây, Dự thảo lần 3 Nghị định kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công thương chuyển sang Bộ Tư pháp để thẩm định, nhưng theo đại diện Vinpa, còn nhiều nội dung cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Nhất là với các nội dung mới đưa vào, Bộ Công thương cần lý giải kỹ.

Trong khi đó, nêu quan điểm về vấn đề sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu, ông Hoàng Văn Cường cho rằng: "Việc xây dựng chính sách thời gian tới cần hướng tới sửa đổi cơ chế hành chính áp đặt sang công cụ thị trường để tự điều tiết, tạo sự cạnh tranh".

Lập luận cho quan điểm này, ông Cường nói, hiện nay chúng ta có cơ sở để dùng công cụ thị trường, không lo bị động bởi vì xăng dầu sản xuất trong nước có nguồn khá lớn (chiếm 70%), không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và không hoàn toàn bị động. 

Từ việc dựa vào công cụ thị trường như thế thì đương nhiên giá kinh doanh như thế nào cũng phải để cho các doanh nghiệp tự do xác định giá để có tính cạnh tranh.

"Nhà nước không nên can thiệp nhưng Nhà nước có công cụ để điều tiết. Nếu như doanh nghiệp bán với giá phi thị trường hay trong một giai đoạn nào đó liên kết với nhau để bán với giá cao thì phải chịu sự điều tiết của Nhà nước, thông qua công cụ thuế", ông Cường nhấn mạnh.

Trên hết, muốn có được công cụ thị trường để cạnh tranh thì phải có thị trường cạnh tranh mà muốn có thị trường cạnh tranh, thì việc mua bán để thị trường quyết định, trăm người bán, vạn người mua mới khuyến khích có giá tốt. 

"Tất nhiên, chúng ta cũng không thể thả nổi hoàn toàn, vẫn phải sử dụng các công cụ hiện đại để bình ổn giá xăng dầu, điển hình là việc thế giới, các công ty lớn hay sử dụng các công cụ về phái sinh để bình ổn", ông Cường nói thêm.

Dùng công cụ thị trường trước, công cụ hành chính là biện pháp cuối cùng
"Theo tôi, công cụ hành chính là cuối cùng, công cụ thị trường là trước. Bao giờ hết công cụ thị trường rồi mà cần tiếp tục bình ổn giá thì áp dụng công cụ hành chính.
Đối với công cụ thị trường về xăng dầu, chủ yếu là công cụ phái sinh thì ở Việt Nam, hệ thống quản lý, cách hiểu về phái sinh của xăng dầu hết sức bất cập. Chúng ta hiểu chưa đúng về phái sinh, hạch toán về phái sinh cũng chưa rõ, tạo ra nhiều rủi ro đối với các doanh nghiệp.
Dùng công cụ phái sinh để bình ổn xăng dầu thì chúng ta phải có cách hiểu đúng về phái sinh. Phái sinh là công cụ rất lớn, phải bắt đầu từ công cụ này thì phải hiểu và hạch toán cho đúng, đồng thời đối xử với các doanh nghiệp áp dụng công cụ này cho đúng thì mới khả thi".
Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways Lương Hoài Nam
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư