Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Giảm “dư chấn” Covid-19
Nguyễn Lê - 07/11/2021 08:16
 
Đầu tuần sau, công tác phòng, chống Covid-19 sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường.

Rất có thể, các giải pháp căn cơ hơn để giảm “dư chấn” đại dịch này và ứng phó tốt hơn với các tình huống tương tự sẽ được các nhà lập pháp bàn thảo kỹ hơn. 

Không ai có thể nói trước điều gì về dịch Covid-19, nhưng “dư chấn” khủng khiếp của nó thì không ai có thể phủ nhận

Quốc hội không ngồi chờ báo cáo

Cuối tháng 7/2021, tại kỳ họp thứ nhất, với Nghị quyết số 30/2021/QH15, Quốc hội khoá XV đã trao quyền chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định và tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách đặc biệt, đặc thù, đặc cách để ứng phó kịp thời với dịch Covid-19 và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đây được coi là một quyết nghị chưa có tiền lệ trong lịch sử lập pháp của Quốc hội, nhưng được 100% đại biểu có mặt bấm nút đồng ý.

Bối cảnh đặc biệt không có chỗ cho sự do dự, nhưng lo ngại “tác dụng phụ” của việc trao quyền này bắt đầu tăng dần cùng quá trình thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập Tổ công tác đặc biệt, các cơ quan của Quốc hội theo lĩnh vực được phân công phụ trách chủ động nắm bắt thông tin, tham vấn ý kiến chuyên gia, đánh giá tác động... để hoàn thành báo cáo trước ngày Quốc hội bước vào kỳ họp thứ hai.

Không chỉ Ủy ban Xã hội (cơ quan chịu trách nhiệm chính thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15), mà Hội đồng Dân tộc và các ủy ban Kinh tế, Tài chính - Ngân sách, Pháp luật, Văn hoá - giáo dục, Quốc phòng An ninh và Tổ công tác... đều có đánh giá của riêng mình, cung cấp cho đại biểu Quốc hội trước phiên thảo luận tổ (ngày 21/10).

Trong phiên họp tổ đó, một vị đại biểu kể rằng, nếu không sát sao theo dõi cả một quá trình, thì không biết sẽ tiến hành thẩm tra thế nào. Bởi khi thẩm tra sơ bộ, giờ họp đã bắt đầu, nhưng phải chờ thêm một lúc mới có báo cáo của cơ quan được giao thực hiện Nghị quyết, tài liệu đến tay đại biểu còn nóng hổi. Như thế, dù đại biểu có trí tuệ cỡ nào, thì chỉ đọc lướt cũng không thể tham gia thẩm tra cho sâu sắc được.

Chưa kể, Nghị quyết 30/2021/QH15 có tới 8 nội dung liên quan đến phòng chống dịch, nhưng báo cáo ban đầu chỉ có nội dung như báo cáo của riêng ngành y tế. Sau đó, Ủy ban thẩm tra yêu cầu bổ sung, song theo vị đại biểu trên, “bổ sung để cố đáp ứng tình thế, chứ chưa đạt được yêu cầu đề ra”.

Một thành viên cơ quan thẩm tra chia sẻ: “Nếu chúng tôi không có cách tiếp cận từ sớm, không có cách thu nhận từ các nguồn thông tin, không có cách theo dõi thường xuyên, thì rất khó đưa ra nhận định để có được báo cáo thẩm tra đã trình bày trước Quốc hội”.

“Tôi rất chia sẻ với Chính phủ, bao gồm Chính phủ chuyển tiếp và Chính phủ khóa mới đã lăn xả vào chuẩn bị ngay từ đầu, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đứng mũi chịu sào, xông xáo đi cả vào tâm dịch, bất chấp nguy hiểm. Nhưng tôi thấy, có một hiện tượng là chúng ta dùng mệnh lệnh hành chính để chống dịch, thay vì các biện pháp dịch tễ và khoa học. Chính phủ phải rút kinh nghiệm chỗ này”, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẳng thắn.

Một vị đại biểu An Giang nói, trong phòng, chống dịch bệnh, việc quy kết trách nhiệm người đứng đầu không sai, nhưng điều đó bắt buộc người được giao trọng trách tìm mọi giải pháp để dịch bệnh ít phát sinh nhất. “Chính vì vậy mới chặn đầu này, đầu kia, là những giải pháp mà chúng ta thấy rõ tác động rất lớn đến thực hiện thực hiện mục tiêu kép”, vị này nói.

Tuy nhiên, vị đại biểu An Giang nhận xét, báo cáo của Chính phủ khi đánh giá tồn tại, hạn chế chỉ nói nhiều đến địa phương. “Đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc hơn về trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, bởi vì trách nhiệm gắn liền với thẩm quyền tập thể, người đứng đầu”, vị này nêu quan điểm khi thảo luận tại tổ.

Làm gì để giảm “dư chấn” Covid-19?

Ở 72 tổ thảo luận và hành lang Quốc hội, rất nhiều ý kiến chỉ ra rằng, nếu khâu dự báo tốt hơn, thông tin công khai, minh bạch hơn, hướng dẫn kịp thời hơn..., thì đã có thể giảm thiểu bức xúc xã hội cũng như tác động tiêu cực đến đời sống của dân. 

Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 7/2021 đến ngày 15/10/2021), đã có 131 văn bản được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đó là chưa kể đến hàng trăm văn bản của các bộ, ngành và chính quyền địa phương cấp tỉnh.

Việc này, theo Ủy ban Pháp luật, đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống, sinh hoạt bình thường của người dân. Đặc biệt, có một số quy định chưa được đánh giá tác động thận trọng, kỹ lưỡng, chưa có thời gian tuyên truyền, phổ biến đầy đủ để người dân nắm bắt, hiểu thống nhất trước khi thực hiện, dẫn đến việc triển khai thực hiện thiếu đồng bộ, nhất quán, còn có những ý kiến khác nhau trong dư luận xã hội.

Nhưng, dù sao đó cũng là việc đã qua. Điều khiến các nhà lập pháp sốt ruột hơn nhiều là đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan vẫn chưa có đánh giá một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống Covid-19, chưa xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan (như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Dược, Pháp lệnh về Tình trạng khẩn cấp...) .

Không ai có thể nói trước điều gì về dịch Covid-19, nhưng “dư chấn” khủng khiếp của nó thì không ai có thể phủ nhận. Việc còn thiếu một hành lang pháp lý đủ mạnh dẫn đến lúng túng, “đóng băng” cả nền kinh tế suốt nhiều tháng là điều đã được các chuyên gia góp ý thắng thắn với lãnh đạo Quốc hội.

Hơn nữa, thời gian để sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đến công tác phòng, chống dịch kể từ khi được đề xuất đến khi thông qua là không hề ngắn, nhanh nhất cũng phải tính bằng vài tháng, đúng quy trình thì việc sửa luật thường mất cả một năm.

Bởi thế, trong 19 trang báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại 72 tổ về báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2015/QH15, có đến 10 trang nêu kiến nghị của các vị đại biểu Quốc hội nhằm giảm “dư chấn” của Covid-19.

Tại đây, có ý kiến đề nghị cần quan tâm sửa đổi các quy định liên quan đến phòng, chống dịch, như quy định về tình trạng khẩn cấp tại Pháp lệnh về phòng, chống dịch; hoàn thiện Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; sửa đổi Luật Đấu thầu liên quan đến đầu tư, mua sắm trang thiết bị ngành y tế.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi tham gia thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15, đã nêu rõ tác động của Covid-19 đến một số lĩnh vực trọng yếu và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, cùng nhiều đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Theo đó, cần củng cố nhận thức về bối cảnh “bình thường mới”, an toàn là tương đối chứ không phải tuyệt đối, cân bằng mục tiêu chống dịch và phục hồi kinh tế, đảm bảo nguồn lực phòng chống dịch một cách bền vững. Cần cụ thể hóa trên thực tế bước chuyển về chiến lược sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh; tăng nhanh tỷ lệ tiêm vắc-xin, giảm tỷ lệ tử vong và giảm ca nhiễm, coi trọng vai trò của công nghệ và dữ liệu khoa học phục vụ việc ban hành chính sách và ra quyết định...

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị khẩn trương xây dựng và thực hiện chương trình tái thiết, phục hồi nền kinh tế, có phân chia theo giai đoạn; nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất ban hành các chính sách tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội mang tính dài hạn cho giai đoạn 2021-2025 nhằm kích thích nền kinh tế hơn là đơn thuần hỗ trợ.

Cần có bộ chỉ tiêu để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

Theo đại biểu Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, cần có bộ chỉ tiêu để kiểm soát, khống chế dịch bệnh như: tỷ lệ bao phủ vắc-xin, các tỷ lệ khống chế số địa phương ở cấp độ 3 và cấp độ 4; tỷ lệ cho phép tối đa xuất hiện số ca bệnh cùng một thời điểm ở cấp độ 4 (có thể tính theo số lượng đơn vị hành chính hoặc tính theo quy mô dân số).

Một chỉ tiêu nữa là số lượng địa phương có thể tự đáp ứng mọi cấp độ dịch bệnh và số lượng địa phương không thể tự đáp ứng, nếu dịch bệnh xuất hiện ở cấp độ 4 trên diện rộng, cần có sự hỗ trợ của Trung ương hoặc của các địa phương khác. Khi đặt ra các bộ chỉ tiêu để kiểm soát, khống chế ở trong phạm vi nhất định nào đó, chúng ta sẽ luôn hoàn toàn chủ động, từ đó dẫn đến các nhóm giải pháp phù hợp.
Chính thức ban hành nghị quyết miễn, giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư