Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay vào lĩnh vực rủi ro
Thùy Vinh - 17/06/2019 11:21
 
Với mục tiêu kiểm soát tín dụng ở mức 14% trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục kiểm soát tín dụng ở các lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản, tiêu dùng.
Những lĩnh vực rủi ro, như bất động sản, sẽ khó vay vốn ngân hàng hơn trong thời gian tới. Ảnh: Chí Cường
Những lĩnh vực rủi ro, như bất động sản, sẽ khó vay vốn ngân hàng hơn trong thời gian tới. Ảnh: Chí Cường

Tín dụng đã tăng gần 6%

Thông tin từ NHNN cho biết, đến ngày 10/6/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,17% so với cuối năm 2018; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo, thông suốt. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018. Tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho biết, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá trong 5 tháng đầu năm nay, như tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,33%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,04%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 5%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 4,11%. Trong khi đó, các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, như cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, khuyến khích nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nhà ở xã hội... cũng được triển khai quyết liệt.

Tại các ngân hàng thương mại, tín dụng đã tăng trưởng tốt trong 2 quý đầu năm nay.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, tính đến nay, dư nợ tín dụng của ngân hàng này tăng 6,2% so với đầu năm 2019. Hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay của Vietcombank được NHNN cho phép ở mức 15% và theo lãnh đạo Vietcombank, Ngân hàng sẽ cân nhắc tăng trưởng tín dụng trong giới hạn cho phép.

Với một số nhà băng khác, tín dụng cũng tăng trưởng tích cực trong những tháng đầu năm 2019. Tại VPBank, trong 3 tháng đầu năm 2019, tín dụng của ngân hàng hợp nhất tăng 6,8%, cao gấp đôi so với mức 3,1% của một năm trước đó và gấp 3 lần mức trung bình ngành (là 2,28%). Ngân hàng ACB cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng 3% trong quý đầu năm.

Kiểm soát các lĩnh vực rủi ro

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Dự thảo thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN có sửa đổi một số quy định liên quan tới tỷ lệ an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có dự kiến giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Như vậy, quy định này áp dụng đối với khoản vay đầu tư vào tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, chứ không chỉ áp dụng riêng với bất động sản.

Nhưng theo các chuyên gia tài chính, với lộ trình 3 giai đoạn đến năm 2022, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn giảm còn 30%, NHNN kiểm soát được rủi ro thanh khoản, nhằm bảo đảm an toàn hệ thống trước những thay đổi điều kiện kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Đồng thời, Dự thảo thông tư quy định khoản vay mua bất động sản có số dư nợ trên 3 tỷ đồng áp dụng hệ số rủi ro 150%; từ 1,5 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng áp dụng hệ số 100%; dưới 1,5 tỷ đồng, các khoản vay mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các dự án, chương trình hỗ trợ của Chính phủ áp dụng hệ số rủi ro 50%, nhằm hướng tín dụng bất động sản vào nhu cầu thực của người dân, thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội - phân khúc đang thiếu nguồn cung.

Để kiểm soát tín dụng trong mục tiêu đặt ra cũng như kiểm soát rủi ro nợ xấu, lãnh đạo NHNN cho biết, 6 tháng cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng trọng tâm nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng, mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh.

Trong 6 tháng cuối năm, NHNN tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, trong đó, tập trung xử lý hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém.

NHNN đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo 2 phương án.

Theo phương án 1, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn đến hết ngày 30/6/2020 là 40%; từ ngày 1/7/2020 đến 30/6/2021 áp dụng mức 35% và từ sau ngày 1/7/2021 là 30%.

Với phương án 2, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn ở mức 40% đến ngày 30/6/2020; giảm còn 37% từ ngày 1/7/2020 đến ngày 30/6/2021; từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2022 áp dụng mức 34%; từ ngày 1/7/2020 áp dụng mức 30%.

Giãn lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) dự kiến sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng lùi thời hạn siết tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư