Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Giằng co nghẹt thở, VN-Index chưa thể trở lại mốc 1.000, đột biến giao dịch VND
Tùng Linh - 25/10/2022 17:05
 
Giao dịch phiên 25/10 ghi nhận biến động mạnh với biên độ giao dịch VN-Index vọt lên tới 49 điểm. Mốc 1.000 điểm không thể duy trì, nhưng VN-Index vẫn kịp đóng cửa trong sắc xanh.
.
Giao dịch giằng co trên cả ba sàn chứng khoán.

Cổ phiếu ngân hàng kéo xanh chỉ số

Phiên giao dịch ngày 25/10 ghi nhận diễn biến giằng co mạnh khi VN-Index đã có thời điểm vọt lên 1.011 điểm ở đầu phiên chiều, nhưng cũng có lúc rơi sâu xuống 962 điểm. Chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất trong phiên lên tới 49 điểm.

Kết phiên giao dịch, VN-Index chỉ còn tăng 11,55 điểm, đóng cửa ở mức 997,7 điểm.

Dù không giữ được mốc 1.000 điểm, VN-Index vẫn là chỉ số chứng khoán hồi phục tốt nhất. Chỉ số sàn HNX và UPCoM giảm lần lượt 0,71% và 0,26%. VN-Index dứt chuỗi giảm 4 phiên liền tiếp.

Trong khi đó, HNX-Index đã giảm liên tục 5 phiên gần đây; UPCoM-Index cũng đã kéo dài chuỗi giảm suốt 3 phiên. Tuy vậy, đà giảm đã chậm lại so với cú rơi mạnh các phiên trước.

VN-Index không giữ được mốc 1.000 điểm đến cuối phiên 25/10.

Động lực chính hỗ trợ VN-Index tăng điểm là cổ phiếu các nhà băng.

Các cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số chung cũng từ dòng ngân hàng, đứng đầu là Vietcombank, VietinBank, BIDV. Một số cổ phiếu ngân hàng tăng kịch biên độ như VCB, SHB, LPB.

Trước áp lực tỷ giá gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tăng lãi suất điều hành thêm 1%. Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI nhận định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 50 – 100 điểm cơ bản nữa về cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn. Không riêng nhóm ngân hàng, cổ phiếu bảo hiểm cũng tăng giá tích cực phiên hôm nay.

Cùng đó, nhóm ngành thực phẩm đi ngược thị trường thời gian qua vẫn tiếp tục tăng khá. Cổ phiếu Sabeco và Vinamilk đều tăng điểm và nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index.

Một số ít trụ cột đóng vai trò nâng đỡ chính, giữ sắc xanh cho chỉ số chung.

Thực tế, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên cả ba sàn. Tổng cộng, có tới 424 cổ phiếu giảm và 87 cổ phiếu giảm kịch biên độ. Trong khi đó, chỉ có 283 cổ phiếu tăng giá và 28 cổ phiếu tăng trần. Ở riêng sàn HoSE, cổ phiếu giảm giá cũng áp đảo với 173 mã giảm và 37 mã giảm sàn.

Thanh khoản phiên 25/10 nhỉnh hơn so với phiên hôm qua với tổng giá trị giao dịch đạt 14.119 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch trên sàn HoSE đạt 12.607,57 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thanh khoản thị trường cơ sở diễn ra vẫn khá ảm đạm thì giao dịch tại thị trường chứng khoán phái sinh lại diễn ra sôi động. Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 11 là VN30F2211 có biên độ lên đến gần 53 điểm. Thị trường biến động nhanh và mạnh chỉ trong ít phút khiến trạng thái “long” hay “short” ở phiên hôm nay là không dễ dàng để kiếm lợi nhuận. 

Khối lượng khớp lệnh hợp đồng VN30F2211 vươn lên mức kỷ lục 644.594 hợp đồng tương ứng giá trị lên đến 62.081 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 76 tỷ đồng. VND và HPG là hai cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với số tiền khối ngoại thu về lần lượt 125 tỷ đồng và 63 tỷ đồng. Một số cổ phiếu khác cũng bị bán khá mạnh là SSI (41,5 tỷ đồng), KDH (40 tỷ đồng) và VHM (29 tỷ đồng). 

Giao dịch đột biến ở cổ phiếu VNDirect

Không chỉ là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất, VND còn là cổ phiếu giao dịch nhiều nhất trong phiên. Tổng cộng đã có hơn 65 triệu đơn vị cổ phiếu VND được sang tay với giá trị giao dịch đạt 756 tỷ đồng. Phần lớn cổ phiếu VND được giao dịch tại mức giá sàn (11.450 đồng). Đây cũng đã là phiên giảm sàn thứ ba liên tiếp của VND. So với mức giá đỉnh hồi tháng 4/2022 (đã điều chỉnh sau đợt chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu), giá cổ phiếu VND đã giảm 2/3.

Khối lượng giao dịch phiên hôm nay cao kỷ lục, tương đương 5,3% lượng cổ phiếu VND đang lưu hành.  

VNDirect vừa qua đã công bố báo cáo tài chính quý III công ty mẹ với kết quả kinh doanh giảm mạnh so với cùng kỳ. Tổng doanh thu hoạt động đạt 1.429 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.  Trong đó, doanh thu môi giới và nghiệp vụ bảo lãnh, phát hành chứng khoán sụt giảm mạnh. Chi phí do đánh giá lại chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính, chi phí tài chính cũng tăng mạnh so với cùng kỳ.

Công ty chứng khoán này báo lãi trước thuế 116 tỷ đồng, giảm tới 83%. Lợi nhuận trước thuế của VNDirect 9 tháng đầu năm đạt 1.719 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ.

Loạt công ty quản lý quỹ bị xử phạt, chứng khoán Việt vẫn chưa qua "giông bão"
Cú rơi phiên 21/10 dù kích hoạt thanh khoản nhưng đã kéo các chỉ số chứng khoán xuống sâu, nhanh chóng lấy đi toàn bộ thành quả trong các phiên hồi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư